04/04/2014 13:36 GMT+7

Thay vì than trách, hãy cảm ơn Facebook!

THỦY NGUYỄN
THỦY NGUYỄN

TTO - Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả rằng “Không ai có thể và cũng không nên cấm giới trẻ, trong đó có học sinh, sử dụng Facebook. Cũng như không thể cấm các bạn biểu lộ suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc cá nhân trên tường "phây" nhà mình”.

* Xem loạt bài về Facebook TẠI ĐÂY.

mWrP9OHm.jpgPhóng to
Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng thay vì than trách Facebook, chúng ta nên cảm ơn kênh mạng xã hội này mới đúng.

Ở thời đại nào cũng vậy, giới trẻ luôn là nhóm người dễ dàng đón nhận cái mới nhất nhưng cũng dễ mất phương hướng nhất. Sự bồng bột của cái tôi muốn bước nhanh vào thế giới rộng lớn và để thế giới công nhận cái tôi của bản thân là một phần không thể thiếu ở lứa tuổi này.

Vậy có lạ gì chăng khi Facebook của một người trẻ chỉ xoay quanh chuyện vui buồn, ăn uống, selfie (chụp hình tự sướng), hay nói chung là “tự sướng nhảm”? Hay lạ không khi họ thể hiện quan điểm của riêng mình về một sự việc nào đó và trong lúc ra sức bảo vệ quan điểm của họ lại gây tổn thương cho những người xung quanh?

Facebook chẳng phải là nguồn cơn nào cả! Nếu một người nào đó “nhảm” trên Facebook thì hẳn năm bảy phần là họ đang thể hiện thật cái “chất” của mình mà thôi. Ở khía cạnh này Facebook chỉ là phương tiện để một cá nhân thể hiện cuộc sống qua lăng kính cá nhân của họ. Facebook chẳng có tội nào ngoài tội tạo điều kiện để những giá trị của một cá nhân được phơi bày trước một cộng đồng mấy trăm người (hoặc hơn thế nữa).

Bản thân tôi cho rằng Facebook đã giúp hé mở cánh cửa để chúng ta nhìn rộng hơn và sâu hơn vào thế giới của giới trẻ ngày nay (tôi không có ý rằng Facebook chỉ toàn người trẻ). Điều “không hay” phải chăng chính là cái mà Facebook cho chúng ta thấy? Là một bộ phận người trẻ hiện nay “sống chết” bảo vệ quan điểm một cách thiếu văn minh? Hay dễ dàng cả tin tung lời đồn không xác thực? Hay “ném đá” không tiếc lời? Hay có những bức xúc chẳng biết tỏ cùng ai (nên tỏ chung cho cả friendlist cùng biết mà nhà trường và gia đình thì không)?…

“Nhảm” trên Facebook chỉ là hiện tượng. Bản chất nó bám rễ từ đâu, không phải chỉ một hai quan điểm hay đôi trang giấy là có thể tìm rõ nguồn cơn.

Nhìn lõm vào thế giới người trẻ đâu phải chỉ để ta thán rằng “ôi, sao các em lại nhảm thế nhỉ”. Nhìn lõm vào đấy để lắng nghe người trẻ, để soi lại người lớn và để chúng ta cùng có những chia sẻ có “giá trị” hơn với nhau. Thế nên đừng mang Facebook ra mà đổ tội. Ngược lại, hãy cảm ơn nó vì ít ra chúng ta còn nhìn được những góc khuất của những nhóm người khác nhau, để cảm nhận xã hội đang đi về đâu và để hành động trước khi quá muộn.

Cảm ơn tác giả vì đã tạo điều kiện cho những tranh luận xã hội như vậy.

* Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc.

THỦY NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên