22/01/2022 09:00 GMT+7

Thấy trẻ khóc vì đòn, bạn làm gì?

QUẾ CHI
QUẾ CHI

TTO - Trẻ nhỏ bị bạo hành nghiêm trọng ngay trong nhà mình, dư luận từ xót xa đến phẫn nộ kẻ thủ ác. Nhưng mỗi người chúng ra sẽ làm gì nếu nghe thấy tiếng khóc vì đòn roi hoặc khi nhìn thấy trẻ sợ hãi vì bị mắng mỏ?

Thấy trẻ khóc vì đòn, bạn làm gì? - Ảnh 1.

Ba mẹ cùng các con sinh hoạt ngoài trời giúp gia đình gắn kết, giải tỏa phiền muộn trong công việc hằng ngày - Ảnh: TỰ TRUNG

Chính sự thiếu hiểu biết của công dân trong vai trò người bảo hộ đã đẩy trẻ em vào những tình huống nguy hiểm, những năm tháng tuổi thơ bị thương tổn nặng nề về cơ thể lẫn tâm hồn.

Nhiều lúc tôi phải dùng nút nhét tai vì không chịu nổi khi nghe tiếng khóc của hai đứa trẻ dưới 5 tuổi ở nhà bên và lời mắng nhiếc, cả đánh đập không nương tay của người mẹ trẻ mấy năm quanh quẩn với con cái, bếp núc. Rồi cũng có khi hai vợ chồng cãi nhau to tiếng, đập ném đồ đạc khiến trẻ hoảng sợ khóc thét.

Xung quanh mọi người, cũng như tôi, không biết nên làm gì cho phải. Có lẽ ai cũng nghĩ đây là chuyện chén bát xô nhau của nhà người ta. Nếu như với tiếng ồn từ máy hát karaoke, ai cũng sẵn sàng nhấc điện thoại gọi bảo vệ chung cư thì mọi người vẫn im lặng khi nghe tiếng trẻ khóc bị đòn.

Tôi hỏi những phụ nữ có hiểu biết về luật mà hỏi thăm. Mọi người khuyên tôi báo công an phường, tôi đã thử nhưng trong giai đoạn giãn cách có lẽ các anh chị đang bận bịu công việc khác đành chịu thua. Tôi lại thử gọi cho hội bảo vệ quyền trẻ em và vài nơi khác nhưng không có người nhấc máy.

Cũng có lời khuyên tôi nên gọi để được tư vấn xem mình sẽ nói gì nếu gõ cửa nhà hàng xóm để hỏi thăm, nhắc nhở người mẹ trẻ ấy. Tôi nhìn thấy được chị bị căng thẳng vì suốt ngày ở nhà với con cái, không có việc làm cũng không có giao lưu với ai. Và vài lời nói của tôi cũng không thay đổi tình hình.

Tôi tin có nhiều người cũng đang tự hỏi mình có thể làm được gì khi nhìn thấy cảnh bạo hành xảy ra xung quanh mình. Tôi mong chúng ta có những đội phản ứng nhanh để khuyến khích bất cứ ai cũng có thể hành động vì sự an toàn của trẻ em Việt Nam. 

Các hội nhóm địa phương cần có mặt ngay khi có lời cầu cứu hoặc phản ánh. Chúng ta không thể chỉ lên án, phê phán khi một vụ việc nghiêm trọng xảy ra và chỉ im lặng trước những chuyện đánh mắng trẻ thường thấy quanh mình. 

Chúng ta cần hành động thiết thực với đầy đủ những trang bị về thông tin, hành lang pháp lý lẫn đội ngũ có thẩm quyền để sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho người cần.

Có lẽ mỗi người cần hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của một người cha, người mẹ để họ biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ con cái trước những hệ lụy đổ vỡ và phức tạp của người lớn. 

Chính sự thiếu hiểu biết của công dân trong vai trò người bảo hộ đã đẩy trẻ em vào những tình huống nguy hiểm, những năm tháng tuổi thơ bị thương tổn nặng nề về cơ thể lẫn tâm hồn. 

Người lớn có hiểu biết thì sẽ không dung dưỡng hay chấp nhận những hành vi thương tổn đến trẻ em của con cái mình dù nạn nhân có phải là ruột thịt của mình hay không.

Trẻ con của nước ta cũng cần được dạy nhiều hơn về luật bảo vệ quyền công dân, về sự an toàn của chính mình, trẻ có thể tự lên tiếng cho bản thân. Để được điều này còn phải đi một bước dài, nhưng cần có sự khởi đầu, cần làm ngay và luôn từ bây giờ.

Người lớn có trách nhiệm bảo vệ những mầm non do chính mình sinh ra đã đành, nhưng những người sống xung quanh cũng đóng góp không ít cho hành trình lớn lên này. Mỗi người một hành động với những đứa trẻ sống cạnh bên.

Trong Luật trẻ em số 102/2016/QH13 được thông qua ngày 5-4-2021, có 25 điều quy định về quyền của trẻ em. Trong đó có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (điều 15); quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ (điều 23); quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (điều 27).

Ngược đãi trẻ em không chỉ bao gồm hành hạ, lạm dụng và gây tổn thương thể xác lẫn tinh thần mà còn có yếu tố bỏ mặc.

Xưa rồi thời "thương cho roi cho vọt"

Bảo vệ trẻ em, theo định nghĩa trong luật, nghĩa là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi một cách trọn vẹn cần có cả một hệ thống liên ban ngành liên quan để thực thi các công việc cấp bách theo sau đó.

Trước hết, với sự hiểu biết dựa trên quy định luật rõ ràng, ngay khi ai đó biết chuyện trẻ có dấu hiệu đang bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi, người lớn này cần phải báo ngay cho số điện thoại "nóng". Trách nhiệm của nhân viên đường dây nóng là xác định xem thông tin mà người báo cáo đưa ra có đáp ứng các yêu cầu pháp lý hay không để bắt đầu tìm hiểu và điều tra.

Điều này ở các quốc gia phát triển thường có những văn bản quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người liên quan sống quanh trẻ bị ngược đãi cũng như tài liệu miễn phí cho cộng đồng để hướng dẫn cụ thể từng bước cần liên hệ ở đâu.

Cảnh sát có thể ngay lập tức có mặt để ghi nhận tình huống và ngăn cản hành vi bạo lực. Các cơ quan khác như phúc lợi xã hội, bảo trợ trẻ em... sẽ đến sau để nạn nhân được chăm sóc sức khỏe thể lý lẫn tinh thần. Mọi công dân có thể trợ giúp việc giám sát và báo cáo lên cơ quan thẩm quyền một tình huống khẩn cấp đang xảy ra nơi họ sống.

Điều này hiện tại ở nước ta còn đang chưa thấy được quy định rõ ràng. Nạn nhân vẫn phải ở cùng với người đã bạo hành và tiếp tục gây thương tổn bằng nhiều cách thức tinh vi hơn. Đây cũng là một trong số các lý do người xung quanh ngại ngần lên tiếng vì không biết liệu mình có giúp ích được gì cho đứa trẻ ấy không hay lại vô tình đẩy chúng vào những trận đòn roi tàn nhẫn hơn.

Làm sao phòng ngừa và ngăn chặn những sự vụ tương tự? Điều này cần bắt đầu từ trong chính từng gia đình một. Những cặp đôi muốn trở thành cha mẹ phải học để nâng cao nhận thức về luật chăm sóc trẻ em. Việc nuôi dạy con cái không nên diễn ra một cách bản năng như ngày xưa nữa mà phải được học để có kiến thức, có hiểu biết khi nuôi dạy con.

Những căng thẳng do áp lực cuộc sống hay tuổi thơ bị bạo hành là những căn nguyên khiến người lớn xem con trẻ là nơi trút giận mỗi khi mất kiểm soát. Nếu có được những sự hỗ trợ để chăm sóc bản thân đúng cách, cha mẹ sẽ trở nên kiên cường hơn và sẵn sàng mở lòng để thay đổi.

Dư Văn

Thăm dò ý kiến

Trẻ nhỏ bị bạo hành nghiêm trọng ngay trong nhà mình, dư luận từ xót xa đến phẫn nộ kẻ thủ ác. Nhưng mỗi người chúng ra sẽ làm gì nếu nghe thấy tiếng khóc vì đòn roi hoặc khi nhìn thấy trẻ sợ hãi vì bị mắng mỏ?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Vì sao liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành trẻ em thời gian qua? Vì sao liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành trẻ em thời gian qua?

TTO - "Trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, nhiều đứa trẻ đều ở cảnh 'lời ru chia đôi', là nạn nhân trực tiếp, đầu tiên của các cuộc hôn nhân tan vỡ. Chỉ khi gia đình bền vững, mới đỡ đi những cái chết tức tưởi như đang thấy".

QUẾ CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên