Nhóm tình nguyện dọn một bãi rác tự phát tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NVCC
Cụ thể, theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, việc giáo dục tốt và từ sớm sẽ giúp hình thành thói quen tốt của mỗi người.
Khi đã thành thói quen, mọi người sẽ thấy việc xả rác bừa bãi là không bình thường và tự bản thân có trách nhiệm, ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, chứ không phải đợi người khác nhắc nhở.
Song song với biện pháp giáo dục, phải kết hợp với biện pháp chế tài nghiêm mới mong thay đổi thói quen xả rác.
Bản thân tôi không thích hình thức phạt tiền hay nhắc nhở những người xả rác tùy tiện như hiện nay. Tôi nghĩ nên thay việc phạt tiền bằng phạt đi dọn, nhặt rác.
Hiện nay, ở mỗi địa phương đều có lực lượng dân phòng. Lực lượng này sẽ đi giám sát ở tổ dân phố, khu phố và nếu phát hiện hộ dân nào xả rác, quăng rác bừa bãi thì yêu cầu những người liên quan phải đi quét, dọn dẹp đường, hẻm trong thời gian cụ thể.
Khi người vi phạm có bỏ công bỏ sức và mất thời gian dọn rác như vậy, họ mới nhớ để thay đổi hành vi.
Bên cạnh đó, trong trường học cũng có biện pháp chế tài tương tự. Học sinh nào xả rác sẽ phải trực nhật, lượm rác trong sân trường...
Hiện nay, các trường học đều thuê lao công vệ sinh trường lớp, nhưng tôi nghĩ để giáo dục các em thì mỗi tuần nên có một buổi để học sinh tự làm vệ sinh phòng ốc, tự quét dọn lớp học của mình.
Qua những buổi trực nhật như vậy, học sinh hiểu được sự vất vả của các cô chú lao công và có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn.
Ngoài ra, thay vì tuyên truyền không xả rác hay nói đến tác hại của việc xả rác, tác hại của ô nhiễm môi trường, theo tôi, nên làm sao để mọi người ý thức được những lợi ích mà họ có được từ việc bảo vệ môi trường khi chung tay không xả rác.
Đó là nếu không xả rác, mọi người sẽ cùng tạo ra những con đường, tuyến phố, tuyến hẻm sạch sẽ, mát mẻ, đẹp đẽ. Sống trong một môi trường như vậy, mọi người sẽ cảm thấy mát mẻ, khỏe khoắn, không bệnh tật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận