Kính tặng thầy Vương Hiếu
![]() |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Cho dù bây giờ tôi đã trưởng thành và đã là thầy giáo của biết bao thế hệ học sinh. Tôi luôn được đồng nghiệp cũng như học sinh tin yêu, mến phục. Nhưng với thầy, tôi vẫn là cậu học trò bé nhỏ, dại khờ; vẫn cần bàn tay thầy nâng niu, dìu dắt. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc hay trong cuộc sống, tôi luôn tìm về bên thầy để được thầy động viên, chia sẻ. Thầy chính là bến đậu bình yên của cuộc đời tôi. Không có thầy, không biết cuộc đời của tôi bây giờ sẽ như thế nào...
Tôi viết nên đoạn hồi ký này như một lời tri ân đến thầy. Tôi tin rằng, nơi suối vàng, thầy vẫn luôn dõi theo bước chân tôi trên mọi nẻo đường đời. Tôi nguyện hứa với lòng mình là sẽ không phụ công thầy đã dìu dắt, dẫn đường, chỉ lối để cho tôi có được ngày hôm nay.
…………….
Đã hơn một năm, do quá bận với công việc nên tôi chưa có dịp về thăm lại thầy. Chiều nay là thứ bảy, tôi thong thả chở cậu con trai của mình về thăm bà nội và nhất định sẽ cùng cháu đến thăm thầy. Tôi mường tượng là khi gặp lại tôi chắc thầy sẽ vui lắm, vì đãhơn một năm hai thầy trò chưa gặp lại nhau. Tôi rất vui vì mỗi dịp gặp lại thầy là tôi lại học thêm được ở thầy rất nhiều điều… Mải mê suy nghĩ tôi đến nhà tự lúc nào. Mẹ tôi đang chơi với mấy đứa cháu con anh trai tôi trước thềm, nghe tiếng xe máy, mẹ tôi nhìn ra. Tôi chưa kịp chào mẹ thì mẹ tôi lên tiếng:
- Con đã về đấy ư ? Sao con về muộn thế ? Mẹ gọi điện cho con mấy lần, nhưng không liên lạc được… Ông … Ông …Hiếu…
Giọng mẹ tôi nghẹn ngào. Tôi không kịp chào mẹ mà hốt hoảng:
- Ông Hiếu làm sao hả mẹ?
Thoáng chút lưỡng lự, mẹ tôi nhìn tôi rồi nói:
- Thôi, con đưa cháu vào nhà đã!
Tôi hỏi dồn:
- Nhưng mẹ bảo ông Hiếu làm sao cơ ? Ông ốm nặng à ? Hay là …?
- Hôm nay là ba ngày ông Hiếu… Giọng mẹ tôi chùng xuống.
- Sao ? Ông Hiếu mất rồi sao ? Mất khi nào ? Ông bị bệnh gì hả mẹ ?
Tim tôi đập dồn dập. Tôi không tin vào tai mình nữa. Tai tôi như ù đi. Tôi thấy đất trời như chao đảo. Kỷ niệm của một thời tuổi thơ như cuốn phim tài liệu hiện về, chạy qua trước mắt tôi. Hơn hai mươi năm trước, tôi, cậu bé có mái tóc đỏ hoe và nước da đen nhẫy với biệt danh là "Cu đen"…
Tôi sinh ra và lớn lên trong cái làng quê cằn cỗi và đầy sỏi đá với cái tên mà mới nghe không có ai không chút ngại ngần. Vâng. Quê tôi đó: Xứ Rọm, một làng quê bé nhỏ nép mình sau luỹ tre xanh và bên dòng sông Con oằn mình uốn lượn. Mảnh đất dù cằn cỗi nhưng cũng đầy khát vọng của con người…
Lũ trẻ chúng tôi lăn lóc như củ sắn, củ khoai trên cánh đồng khô cằn và những cơn gió lào rát bỏng với mái tóc khô như rễ tre và đỏ hoe vì nắng. Chúng tất tả ngược xuôi hết đồng cạn đến đồng sâu cùng chiếc giỏ tre với mong ước bắt được thật nhiều tôm cua để phụ thêm cho bữa cơm của gia đình. Thậm chí có những đứa phải bỏ học để đi mò cua bắt ốc, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của cả nhà.
Chúng sẽ chỉ là những bác nông điền “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như các bậc cha, anh của chúng nếu không có một ngày. Phải, nếu không có một ngày trọng đại làm thay đổi suy nghĩ và thay đổi biết bao số phận con người. Đó là ngày ông Vương Hiếu đi đến từng nhà và động viên cha mẹ chúng cho bọn trẻ hằng đêm đến nhà ông để học. Ông hứa sẽ dạy “từ thiện” cho lũ trẻ, bởi vì như ông nói “Để con cháu quê mình sau này đỡ khổ, không phải dãi nắng dầm mưa trên cánh đồng bạc màu vì nắng gió. Con đường duy nhất thoát khỏi cảnh đói nghèo là phải học, học thật giỏi.
Có học thật giỏi thì mới mong đổi đời được… tôi bây giờ đã nghỉ hưu, cũng không có việc gì làm. Ban đêm, dạy thêm cho lũ trẻ, có tiếng lũ trẻ tuổi già như thêm vui hơn”. Và thế là lũ trẻ chúng tôi trở thành học trò của ông từ đó. Và cũng không biết tự bao giờ chúng tôi gọi ông với cái tên đầy kính trọng: Thầy Hiếu.
Lũ trẻ xóm tôi có đến hơn mười đứa, hằng đêm vẫn cắp sách và xách chiếc đèn dầu đến nhà thầy để học thêm. Trong số học trò của thầy tôi luôn được thầy “cưng chiều” nhất. Có lẽ do lúc đó tôi vừa gầy gò, đen nhẻm vừa là đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất. Cũng có thể là tôi là đứa sáng dạ nhất trong số học trò của thầy lắm chứ? Điều đó cho đến tận bây giờ tôi cũng không sao cắt nghĩa được, vì chưa bao giờ thầy cho biết lý do mặc dù đã hơn một lần tôi hỏi thầy.
Người ta thường nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” thật không ngoa chút nào đối với lũ trẻ chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi hào hứng lắm, không dễ gì có được một người sẵn sàng dạy “không công” cho chúng tôi. Với lại, sau khi học xong chúng tôi còn được thầy kể cho biết bao nhiêu là chuyện bổ ích.
Từ những câu chuyện cổ tích lạ kỳ đến những câu chuyện hết sức cảm động của biết bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Giọng kể đầm ấm của thầy đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến những ngạc nhiên khác. Lũ trẻ chúng tôi hết sức thán phục trước sự hiểu biết của thầy. Chưa có câu hỏi nào của chúng tôi làm thầy phải lưỡng lự mà thầy luôn trả lời ngay trước những cặp mắt tròn xoe và đầy cảm phục của chúng tôi.
Nhưng cũng chẳng được bao lâu tính hiếu động (mà nói đúng hơn là những trò nghịch dại) của lũ trẻ chúng tôi bắt đầu trỗi dậy. Có lẽ nguyên nhân bắt đầu từ sự quá nghiêm khắc của thầy. Trước khi vào học, thầy luôn “khảo bài” chúng tôi một cách nghiêm khắc. Có lúc chúng tôi vã cả mồ hôi cũng không sao nhớ nổi một quy tắc toán học.
Điều đó cũng dễ hiểu là do chúng tôi không có một phương pháp học tập đúng đắn hoặc là do không học bài cẩn thận. Những lúc như thế, thầy cho chúng tôi 15 phút để nhớ lại, nếu không nhớ ra thì thầy bắt phải học tới tận khuya. Lũ trẻ chúng tôi chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, không đứa nào nhớ ra là quy tắc đó đ• được học từ khá lâu. Ngồi mãi mà không nhớ nổi, chúng tôi bắt đầu nghĩ ra đủ mọi lý do để đánh lừa thầy như bắt thầy kể chuyện hoặc hỏi một số vấn đề không đâu vào đâu. Hoặc là ngồi viết, vẽ lung tung…
Hôm ấy, tôi còn nhớ, sau khi giảng cho chúng tôi một bài toán khá hóc búa, thầy yêu cầu chúng tôi khái quát nên cách giải. Chúng tôi đã vận dụng hết sự hiểu biết của mình nhưng đành bó tay. Bực quá, thầy liền phạt chúng tôi phải làm đến 10 bài cùng dạng để tìm câu trả lời. Còn thầy lặng lẽ bỏ vào nhà trong…
Khi nghe từ giường tiếng ngáy đều đều, chúng tôi đoán là thầy đã ngủ say bèn rủ nhau lẻn ra vườn, mò mẫm hái trộm táo của thầy. Phải công nhận là nhà thầy có mấy cây táo quả chi chít và ngọt lịm. Hôm ấy chúng tôi thoải mái phá phách khu vườn mà hằng ngày thầy đã bỏ không ít công sức để chăm bón. Sau đó chúng tôi còn bắt những con thạch sùng bỏ vào trong màn của thầy nữa chứ… Hôm sau khi chúng tôi đến , thầy đã bày sẵn trên bàn hai đĩa táo chín mọng. Thầy nhẹ nhàng:
- Đây là công sức của thầy bao lâu nay. Hôm nay, táo đã chín, thầy mời các con thưởng thức.
Trời ơi! sao lại thế này ? Cả đám trẻ chúng tôi không nói được câu gì, chỉ liếc mắt nhìn nhau và thoáng chút bối rối.
- Các con ăn đi, ăn xong còn phải học bài nữa chứ!
Một chút ngại ngần, nhưng rồi chúng tôi vội quên ngay vì đĩa táo hấp dẫn quá. Chúng tôi chẳng kịp mời thầy và thoải mái chén hết hai đĩa táo một cách ngon lành. Chờ chúng tôi ăn xong, thầy xách từ trong ngăn kéo ra một túi bóng bên trong lổn nhổn những con thạch sùng đang giãy giụa. Giọng thầy nhỏ nhẹ:
- Tối qua khi đi ngủ, thầy dém màn không kỹ nên những con thạch sùng này “nhập cư bất hợp pháp” vào giường ngủ của thầy. Các con nên nhớ, khi đi ngủ phải bỏ màn cẩn thận kẻo không phải thạch sùng mà có con vật khác mò vào thì nguy hiểm lắm.
Chúng tôi không dám nhìn nhau nhưng dám chắc một điều là mặt đứa nào cũng đỏ bừng vì xấu hổ và ân hận. Không thể kể hết những trò nghịch dại của lũ trẻ chúng tôi. Nhưng có một điều mà chúng tôi vẫn thường hỏi nhau mà không có câu trả lời là tại sao thầy không bao giờ quát mắng hay nặng lời với chúng tôi.
Mỗi khi chúng tôi có lỗi thì bằng những hành động và lời nói nhẹ nhàng, thầy như thầm khuyên nhủ chúng tôi biết cách “đối nhân xử thế”. (Chỉ duy nhất một lần thầy phạt chúng tôi học đến khuya, và chúng tôi “trả thù” bằng cách hái trộm táo và bỏ thạch sùng vào giường ngủ của thầy).
Tôi còn nhớ rõ, năm tôi học lớp 8, đám học trò mà thầy đã dày công kèm cặp có đến 7 đứa được vào đội tuyển Học sinh giỏi của trường Phổ thông cơ sở cấp 1+2 Nghĩa Dũng tham dự kỳ thi Học sinh giỏi cấp huyện. Thầy vui lắm. Thầy càng ra sức bồi dưỡng thêm cho chúng tôi không quản ngày đêm. Thầy thức cùng chúng tôi, bày thêm cho chúng tôi những cách giải toán khú hay là mẹo để viết văn hay.
Nhưng thầy chỉ hy vọng vào tôi, Lê Thắng, Ngọc Toàn và Vương Nhẫn. Theo như thầy nói thì chỉ có bốn đứa chúng tôi nắm chắc kiến thức và có sáng tạo trong cách làm bài. Và năm đó chỉ có tôi và Lê Thắng đậu học sinh giỏi huyện. Tôi cũng vô cùng tự hào là mình đậu cả hai môn Văn và Toán. Thầy mừng lắm, thầy đến tận nhà tôi để chúc mừng tôi và động viên bố mẹ tôi.
Thầy nói:
- Tôi biết gia đình ông cũng đang khó khăn… nhưng… dù gia cảnh có khó khăn cũng nên cho cháu ăn học đến cùng. May ra sau này cháu có thể đỗ đạt thành người…
Bố tôi ngập ngừng:
- Vâng… Cháu tiến bộ là nhờ ông dày công dạy dỗ… Gia đình tôi cũng chỉ trông mong ở cháu… Nhưng do hoàn cảnh khó khăn quá… không biết có cho nó học đến nơi đến chốn được không …? Tôi sợ …
- Tôi cũng chẳng giúp được gì ngoài việc kèm cặp thêm cho cháu. Quan trọng là ở gia đình - Giọng thầy cũng trầm hẳn xuống.
Thầy và bố tôi bất chợt cùng cất lên tiếng thở dài…
Nghe được câu chuyện giữa thầy và bố tôi, tôi mơ ước sau này trưởng thành sẽ thi đỗ vào trường Sư phạm để được đi dạy học và chăm chút học trò như thầy đã chăm sóc chúng tôi…
Đám học trò của thầy lần lượt thoát ly. Đứa thì đỗ đại học, đứa đỗ Cao đẳng. Còn tôi, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi không dám đăng ký dự thi một trường Đại học, Cao đẳng nào. Tôi sợ nếu thi đỗ thì lấy gì để ăn học. Tôi đành ngậm ngùi gác “bút nghiên” trong tâm trạng nuối tiếc. Sự nuối tiếc đó không chỉ của riêng tôi mà của cả mọi người trong đó có thầy.
Ba năm sau, nhờ có sự động viên của thầy và sự quyết tâm của gia đình là để cho tôi được thử sức một lần với “nghiệp” thi cử. Tôi mạnh dạn đăng ký vào Trường Trung học sư phạm Miền núi Nghệ An. Thứ nhất là nếu thi đỗ thì tôi sẽ được “nối nghiệp” thầy, thứ hai là do hoàn cảnh gia đình, nếu thi đỗ thì thời gian hai năm gia đình tôi cũng có thể cho tôi theo học được.
Ước mơ của tôi đã trở thành sự thật. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Trung học Sư phạm Miền núi tôi đạp xe như bay về khoe ngay với thầy. Thầy mỉm cười rạng rỡ. Có lẽ, đó là nụ cười đẹp nhất tôi thấy ở thầy. Thầy ôm chầm lấy tôi. Giọng thầy như nghẹn lại:
- Cố gắng lên con trai nhé ! Thầy tin ở con… Thầy chỉ tiếc là con không thi Đại học hay Cao đẳng… Thầy hiểu… Cũng vì hoàn cảnh gia đình… Nhưng con người chúng ta, muốn trở thành kỹ sư hay bác sỹ cũng phải bắt đầu từ cấp Tiểu học đấy con ạ. Thầy tin ở con. Cố gắng lên con trai nhé ! Con đường phía trước còn chông gai lắm …
- Sao đứng thần ra đấy con ?
Giọng mẹ tôi kéo tôi trở về với thực tại. Tôi thấy tim mình như thắt lại. Không kịp nói với mẹ câu gì. Tôi quay ngoắt xe, phóng thẳng ra nghĩa trang. Mộ thầy vẫn nghi ngút khói hương. Trong làn nước mắt và sau làn khói mỏng manh, tôi thấy thầy hiện ra. Vẫn khuôn mặt hiền từ, ánh mắt trìu mến nhìn tôi như khẽ mỉm cười.
Tôi sụp xuống bên mộ thầy nức nở.
-Thầy ơi… ! Con có lỗi với thầy... Hãy tha thứ cho con thầy nhé!...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận