09/11/2016 17:37 GMT+7

​Thay nghi thức đập đầu trâu bằng hình thức hiến tế khác

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Đó là đề xuất của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tại hội thảo 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với lễ hội cầu trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và hội phết xã Hiền Quan'.

Cảnh tranh cướp tại hội phết Hiền Quan, Phú Thọ năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Cảnh tranh cướp tại hội phết Hiền Quan, Phú Thọ năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Hội thảo do UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) tổ chức ngày 9-11 tại địa phương.

Mở đầu hội thảo, ông Cao Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông đặt vấn đề: Những năm gần đây, một số lễ hội tại địa phương đã để lại những hình ảnh chưa tốt trong lòng du khách, đặc biệt có một số cơ quan báo chí phê phán những hành vi phản cảm trong hoạt động lễ hội như lễ hội cầu trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và hội phết xã Hiền Quan.

Tục hiến sinh: Cần đánh giá một cách khoa học

Ông Cao Văn Mỹ đặt vấn đề: “Việc tổ chức những lễ hội này còn chưa đảm bảo về trật tự, an ninh, còn có những hình ảnh phản cảm, bạo lực, làm mất đi nét đẹp của lễ hội, không mang tính giáo dục như dẫm đạp lên nhau, tranh cướp, xô xát trong lễ hội phết Hiền Quan, nghi thức đập trâu trong lễ cầu trâu” - ông Cao Văn Mỹ đặt vấn đề.

GS. TS Lê Hồng Lý - Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) nêu quan điểm, nghi lễ cầu trâu là tục hiến sinh và là một hiện tượng văn hóa trong lịch sử.

Ông đặt nhiều câu hỏi với các nhà quản lý và truyền thông: “Điều cốt lõi của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và báo chí truyền thông là trước khi lên án hay khuyến nghị điều gì liên quan đến những vấn đề này nên có sự tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học và nghiêm túc để tránh sự áp đặt hay lên án một cách vô lý cộng đồng hay người dân địa phương”.

Nhưng ông cũng thừa nhận, văn hóa luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh và môi trường tồn tại của nó:  “Lễ hội cầu trâu, chém lợn…không có gì là sai hay lạc hậu, phản cảm nếu nhìn nhận chúng một cách khoa học và dưới con mắt lịch sử. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu hội nhập quốc tế và sự thay đổi của xã hội hiện đại, những gì không còn phù hợp, cũng cần xem xét, điều chỉnh”.

Khắc phục sự hỗn tạp, tranh cướp

Giải pháp mà GS Lê Hồng Lý đưa ra là nghi thức đập đầu trâu thật nên làm thành biểu tượng qua một nghi lễ mô tả lại hành động này như điệu múa, trò diễn…sau đó trâu vẫn được giết thịt và đầu trâu được đem vào ban thờ tế thần.

Còn với hội phết Hiền Quan, chính quyền địa phương nên điều tra tỉ mỉ, tham vấn người dân cùng các nhà nghiên cứu để đưa ra một kịch bản tốt nhất cho lễ hội như: tổ chức thành các đội theo xóm, có quy định rõ ràng và phải ghi rõ trong điều luật tham gia của người chơi là không được mượn chỗ đua tranh văn hóa để trả thù lẫn nhau.

PGS. TS Lương Hồng Quang (Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia VN) cũng đồng tình với giải pháp không tổ chức nghi thức đập trâu mà thay bằng hình thức hiến tế khác, bảo đảm tính trang trọng và không mang yếu tố phản cảm, bạo lực.

Với lễ hội cướp phết, ông đề xuất cần tìm kiếm hình thức và không gian tổ chức cướp phết phù hợp để khắc phục sự hỗn tạp, tranh cướp, đảm bảo nghi lễ này vẫn có tính đua tranh, nhưng không biến nó trở thành nơi trình diễn như: giảm số lượng người chơi, chia theo đội, gián cách người chơi và người xem...

Tuy nhiên, PGS. TS Lương Hồng Quang nhấn mạnh về nguyên tắc, phải tiến hành từng bước và phải có sự đồng thuận của chủ thể văn hóa (người dân địa phương - PV).

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên