Phóng to |
Thầy Nguyễn Văn Minh Bằng (trái) và cậu học trò Lê Thành Long - Ảnh: Hà Bình |
Từ TP.HCM, Long nhắn tin cho thầy Nguyễn Văn Minh Bằng - giáo viên chủ nhiệm của mình ở Trường THPT Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long: “Chắc con nghỉ học thầy ơi, ngoại con lo không nổi...”.
Vì trò, gõ cửa khắp nơi
Tối hôm ấy, thầy Bằng trằn trọc cả đêm không ngủ được. “Tôi nhớ lại mình ngày xưa - thầy Bằng kể - 12 năm đi học phổ thông cũng chỉ cơm nguội đến trường. Rồi ngày đậu đại học, gia đình cũng khó khăn nhưng có cha mẹ xoay xở. Long chỉ có một mình, cha mẹ không ở cùng, bà ngoại thì đau yếu không giúp được gì. Cả đêm, tôi cứ đau đáu trong lòng. Có cái gì đó cắn rứt lương tâm khi học trò của mình đậu đại học nhưng phải dừng bước...”.
Và Long kể nếu không có thầy Bằng và bạn bè giúp đỡ, chắc bạn đã bỏ học từ lâu chứ chưa nói đến chuyện đậu đại học. Đó là đầu năm lớp 12, thầy Bằng vào lớp không thấy Long. Lớp trưởng bảo Long đã nghỉ học đi phụ bán quán cà phê. Thương cậu học trò nghèo khó, thầy Bằng tất tả đi vận động hội phụ huynh, nhà hảo tâm, nhà chùa gom góp cho Long đến trường. Các bạn cùng lớp - theo gợi ý của thầy Bằng - cũng tỏa ra khắp trường vận động cho Long. “Nhiều em ở lớp khác góp thêm 500 đồng, 1.000 đồng... Không nhiều nhưng cũng giúp Long được phần nào” - thầy Bằng nhớ lại.
Long trở lại trường, thầy Bằng lại tiếp tục đi vận động các thầy cô trong trường cho Long học thêm không phải đóng học phí. Cứ thế, thầy cùng trò vượt qua khó khăn cho đến ngày Long thi đậu vào ngành điện tử - viễn thông Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ngày bạn bè báo tin “mày đậu rồi kìa Long” là lúc cậu học trò nghèo đang phụ quán cơm ở ngã tư Thủ Đức, TP.HCM. Thi xong đại học, Long theo một người anh trong xóm lên TP.HCM làm cho một xưởng cơ khí. “Cầm mũi khoan chĩa xuống tấm sắt dày cộp, hai tay em tê cứng. Làm không nổi, em xin chuyển qua phụ quán cơm” - Long nói. Sức cậu học trò nhà nghèo sao làm việc nặng cỡ đó được.
Có hôm đói xỉu
Cha mẹ ly dị, Long ở với bà ngoại từ nhỏ. Kiếm tiền nuôi cháu, bà ngoại của Long lên TP.HCM giúp việc nhà. Và từ năm lớp 8, trong căn nhà trống trải ở ấp An Nhơn (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) Long ở nhà một mình tự lo mọi chuyện về ăn uống, sinh hoạt, học hành. “Sáng em bắc nồi cơm lên đó. Trưa về ăn rồi đi học, đi làm” - Long kể. Rồi cũng do thiếu thốn, có những khi ăn mì gói trường kỳ, đuối sức, Long bị xỉu ở trong nhà mà không ai hay biết. May mà sau đó có người phát hiện kịp.
Ở nhà một mình, sau giờ học cậu bé Long đi lượm ve chai, bán vé số, đi mót lúa, tìm những cây thuốc nam đem bán. Long bảo công việc này tiền không nhiều nhặn gì nhưng cũng có thêm được chút ít mua vài dụng cụ học tập. “Những năm cấp III là những năm khó khăn nhất. Nhưng cũng trong năm này, em được bạn bè, thầy cô giúp đỡ nhiều. Bạn bè đi quyên tiền góp cho em sinh hoạt, ăn uống. Trường miễn học phí. Thầy chủ nhiệm thì xin cho sách, vở để học... Vì vậy em thấy mình cần phải nỗ lực hơn để không phụ lòng thầy cô, bạn bè” - Long kể.
Trên con đường học tập gập ghềnh của Long luôn có sự hỗ trợ, sát cánh của thầy chủ nhiệm Nguyễn Văn Minh Bằng. Hỏi thầy Bằng đã bao nhiêu lần đi kêu gọi hỗ trợ Long, thầy bảo “hổng nhớ hết đâu”. Hôm Long đi nhập học nhưng không đủ tiền phải quay về (ngày 23-8), thầy Bằng lặn lội đến nhà tìm. Khoác vai cậu học trò đen nhẻm, ốm yếu của mình, thầy nhắn nhủ: “Cố lên Long ơi. Đã hết 12 năm gian khó rồi, đã đậu đại học rồi. Coi vậy chứ bốn năm qua cái vèo à. Khó khăn thì mình phải cố gắng hơn. Em phải học để có cái nghề. Chứ giờ em bỏ học, cuộc đời em cứ luẩn quẩn đến đời con, đời cháu cũng không thoát ra được...”.
Những dòng tin vỏn vẹn vài từ Chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của Tuổi Trẻ nhận được thông tin vỏn vẹn: “Mồ côi, tự đi làm để đi học. Mấy tháng qua làm cật lực vẫn không đủ tiền học”. Gọi vào số điện thoại để lại mới biết người gọi đến là một thầy giáo “kêu cứu” cho học trò của mình. Cảm động nghĩa cử của người thầy, khâm phục nghị lực của trò, chúng tôi đã tìm về huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Dù có tiết dạy, thầy Bằng đã nhờ giáo viên khác đứng lớp giúp để đưa chúng tôi đến nhà Long. Có vẻ như nghe thầy báo “có khách” nên Long ăn mặc tươm tất hơn với áo sơmi xanh nhạt và quần tây. Dù vậy, nét xanh xao, ốm yếu, suy nhược do thiếu ăn và làm việc quá sức vẫn hiện lên trên mặt cậu học trò. “Tôi cứ trăn trở hoài, không biết làm sao để giúp Long. Rồi tôi đọc báo Tuổi Trẻ, biết chương trình “Tiếp sức đến trường” thấy lóe lên một đốm lửa hi vọng. Tôi gọi thử, phải làm hết mọi cách, biết đâu giúp được học trò mình...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận