28/09/2013 09:32 GMT+7

Thầy Hoàng Như Mai với những câu chuyện thầy - trò

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày tháng cuối đời sức yếu, lực kiệt, nhiều nỗi niềm khó nói như câu Kiều quen thuộc “Sầu đong càng lắc càng đầy”, nhưng ánh mắt thầy Hoàng Như Mai vẫn sáng lên, mái tóc màu mây phấn vẫn rung lên mỗi khi có người đến thăm, nhất là khi đó là các học trò cũ.

Nghề giáo, với thầy, đã là cả cuộc đời, dù cái tên Hoàng Như Mai đã có thời sáng lên dưới ánh đèn sân khấu, cũng đã có lúc lấp lánh ký dưới những bài báo...

Thầy Hoàng Như Mai kể chuyện Bác HồGiáo sư Hoàng Như Mai - tài năng và đức độVĩnh biệt giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai

nrDEt4S0.jpgPhóng to
Giáo sư Hoàng Như Mai - Ảnh: Nguyễn Á

“Thầy tôi...”

Gần 70 năm với sự nghiệp giáo dục, đã được xưng tụng là “thầy của các thầy”, đã được phong tặng tất cả các danh hiệu cao quý của ngành giáo dục, trong những buổi nói chuyện với học trò, bao giờ thầy Hoàng Như Mai cũng trân trọng nhắc: “thầy tôi”.

Đó là thầy đang nói đến các bậc thầy Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giàu... “Thầy Bửu là một bộ trưởng đúng thật là bộ trưởng”, thầy Mai thường bắt đầu khi kể chuyện. Ấy là khi thầy tham dự một buổi sinh hoạt tập trung với học sinh trước kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Trong quá trình chuẩn bị, đọc qua các quy định mà ban tổ chức soạn để thông báo với học sinh, thầy Mai cau mày.

Từ trên xuống dưới là những điều cấm: “1. Không được...; 2. Không được...”. Thầy cầm bản quy định đến bàn thầy Bửu: “Thưa thầy, các em học sinh của chúng ta để đến trường đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, để học giỏi đã cần bao nhiêu nỗ lực vượt bậc, để đến được đây cũng phải vượt bao đường đất, núi đồi, sông suối và cả bom đạn nữa... Cái đầu tiên các em được nghe lại là những điều cấm, tôi thấy như vậy không phải là khuyến khích, động viên các em, hơn nữa là chưa trân trọng các em đúng mức”.

Thầy Bửu lắng nghe. Buổi sinh hoạt bắt đầu, và thay cho bản quy định, các em học sinh được nghe một bức thư của thầy bộ trưởng: “Mong các em hãy bước vào kỳ thi với tất cả lòng tự hào của bản thân, của gia đình, của các thầy cô, bè bạn, bà con làng xóm của mình...”.

“Thầy của tôi là như vậy đó”, thầy Mai lại nhắc và lại kể chuyện về giáo sư Trần Văn Giàu. Những buổi làm việc đến toát mồ hôi với sự nghiêm khắc của thầy Giàu ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những bữa cơm, bữa cỗ tết ở nhà thầy Giàu ngày mới từ Hà Nội vào TP.HCM.

Và nhất là những buổi thảo luận, tranh luận về các bài học trong lịch sử, những soi rọi của lịch sử vào ngày hôm nay: “Thầy Giàu có cái nhìn rất thẳng, rất sắc vào lịch sử. Là người miền Nam, chính thầy đã vạch ra cho tôi sáng rõ những được mất của con người, của các gia đình miền Nam trong và sau chiến tranh. Thầy nói: “Các cậu là người Bắc, muốn sống với người miền Nam, xây dựng được miền Nam thì phải hiểu rõ miền Nam, hiểu rõ Nam bộ trước đã”. Lời thầy, tôi không bao giờ quên, và luôn luôn tìm học về người miền Nam ngay trong chính các học trò mình”.

Câu chuyện của thầy Hoàng Như Mai lại xoay quanh các học trò.

PSC1yjis.jpgPhóng to
Giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai phát biểu tại buổi hội thảo giáo dục ở TP.HCM năm 2005 - Ảnh: Như Hùng

“Học trò tôi...”

Các thế hệ học trò của thầy Hoàng Như Mai hầu hết đều đã thành nhân, thành danh: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Huy Thông, Trần Hữu Tá, Nguyễn Ngọc Ký... Không thể đếm hết những lời học trò của thầy nhắc nhớ, kể về người thầy tài hoa, đức độ của mình.

Biết bao nhiêu câu chuyện về thầy Mai đã được lưu truyền qua các lớp sinh viên thế hệ sau. Lớp sinh viên nào thầy cũng nhớ, và nhớ nhất là những người phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nguyễn Ngọc Ký là một trường hợp đặc biệt. Suốt mấy mươi năm, tình thầy trò vẫn nồng ấm như ngày nào. Mỗi lần thầy Nguyễn Ngọc Ký lõng thõng hai tay áo đến thăm, thầy Mai vẫn run run bàn tay gầy rót chén nước trà, tự tay đưa lên môi cho Ký.

Thầy cười: “Nói hoài mà mấy chục năm hắn vẫn thế, không dám đưa chân lên cầm chén nước uống trước mặt thầy. Hồi tới nhà tôi nghe giảng để làm luận văn, say bài không để ý, thế là hắn ngồi nhịn khát cả buổi”.

Thầy không chỉ động viên Ký trong những ngày học đại học, làm luận văn, thầy còn nhớ để tạo điều kiện cho Ký những ngày chờ phân công công tác, còn đạp xe vượt hàng trăm cây số về quê Ký dự đám cưới, còn chu đáo viết bài báo “Một học sinh có chí” để tạo điều kiện cho Ký vào TP.HCM công tác và chữa bệnh, tổ chức buổi nói chuyện đầu tiên ở Trường cao đẳng Sư phạm mở ra chuỗi mấy ngàn buổi giao lưu của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trên khắp các trường học...

“Đúng ra là thầy đã mở ra một con đường rộng lớn cho đời tôi”, thầy Nguyễn Ngọc Ký hạnh phúc nói khi cuốn tự truyện thứ hai Tôi học đại học của mình ra đời. Bản đầu tiên vừa ra khỏi nhà in, thầy Ký vội trân trọng mang đến tặng thầy Mai. Trên giường bệnh, thầy Hoàng Như Mai mỉm cười, ra dấu hài lòng.

Thế nhưng trong lòng thầy vẫn còn nhiều tâm sự đắng đót khác.

“Giá như...”

Một lần nói chuyện về nghề, thầy bảo: “Khi còn trẻ tôi từng làm nhà báo, rồi rẽ qua nghiệp diễn viên kịch, rồi lại làm nhà giáo cả đời. Nếu có một nghề thứ hai để chọn, tôi sẽ chọn làm nhà báo”, và thầy nói thêm: “Tôi muốn làm nhà báo để sửa những cái sai của nghề báo hiện nay”.

Câu nói ngỡ như tình cờ mà chất chứa cả tầng sâu chiêm nghiệm. Biết chúng tôi chờ đợi để nghe, thầy Mai nói tiếp, ánh mắt thâm trầm: “Nghề giáo và nghề báo đều đang cần phải sửa chữa, sửa chữa từ cái căn bản. Trong cuộc sống mênh mông, nhà giáo thường chỉ chọn cái hay để dạy mà bỏ qua những cái dở; nhà báo thì lại còn nói cho hay cả những cái dở. Điều đó gây tác hại lớn lắm, phải sửa”. Cả đám học trò chúng tôi nhìn nhau, giật mình.

Cái giật mình ấy thầy không nhìn thấy, không nghe thấy nhưng lại biết. Thầy nói tiếp: “Không trách các anh chị đâu vì có nhiều ràng buộc bởi khách quan, thời cuộc, nhưng chúng ta phải biết. Biết thì mới sửa được khi có cơ hội”. Chúng tôi lại giật mình lần nữa. Chưa kịp nói gì thì đã nghe thầy ngậm ngùi: “Đời dạy học của tôi qua rồi, cơ hội sửa chữa không còn nữa. Tôi còn mang nhiều ân hận với học trò của tôi...”.

Một trời tâm sự rất riêng của thầy đã mở ra.

Thầy nhắc đến khóa sinh viên khoa ngữ văn ở Đại học Sư phạm TP.HCM năm 1975. Là giảng viên được đưa từ Hà Nội vào, thầy Hoàng Như Mai đã bước lên bục giảng, thổi vào bài giảng của mình tất cả niềm vui thống nhất, niềm vui có cánh vượt lên trên tất cả những gian khổ, mất mát, đau thương, tang tóc.

Chất giọng hào sảng của thầy đã truyền đến từng học trò sự lạc quan “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang san” của lý tưởng cộng sản. Các sinh viên của thầy, những thanh niên Sài Gòn còn nhiều hoang mang trước chế độ mới đã mở tròn đôi mắt, nghe như uống lấy từng lời của người thầy đáng kính. Được truyền nhiệt huyết của thầy, lòng họ đã lại nở hoa.

Từ giảng đường nhìn xuống, mỗi ngày lớp học mỗi vắng. Thầy đắng lòng tìm nghe những lời thì thầm mà sinh viên rỉ tai nhau: đứa này “đi”, đứa kia “đi”, lại sững người nữa khi nghe tin ai đó đã phải bỏ mình trên đường tìm một cuộc sống mới.

“Giá như khi ấy tôi có được những trải nghiệm của hôm nay. Giá như việc sửa sai đã sớm hơn vài năm. Giá như...”, thầy nhắc mãi, và thở ra: “May mắn là tôi đã sống đến tuổi này, đã được chứng kiến mọi sự đổi thay, đã được thấy các học trò tôi quay lại với quê hương...”.

Cái duyên khiến thầy gắn bó với nghề

Nhắc đến những cống hiến rất quý của thầy Hoàng Như Mai cho ngành giáo dục có nghĩa là phải lược kể đến chặng đường đằng đẵng hơn hai phần ba thế kỷ. Thầy bắt đầu đứng trên bục giảng từ năm 1943, ở Trường trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương). Việc nhận lên lớp rất tình cờ và có phần ngẫu hứng lúc thầy đang là sinh viên Đại học Luật khoa Đông Dương, thể theo lời mời của một người bạn. Tưởng rằng việc này chỉ mang tính nhất thời, giúp bạn “chữa cháy”, không ngờ đó là cái duyên, khiến thầy gắn bó với nghề cao quý này cả một đời người. Từ những năm đó trở đi, đất nước ta trải qua biết bao biến động dữ dội. Cũng như nhiều nhà trí thức chân chính khác, GS Hoàng Như Mai - xuất thân trong một gia đình quan lại cao cấp - đã đứng vững, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của tình thế. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh, thầy đã cùng các giáo sư, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tường Phượng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... bình tĩnh giảng dạy trong vòng vây ngày càng thắt chặt của giặc Pháp.

Năm 1950, thầy đã cùng các đồng nghiệp chấp nhận cảnh ăn đói mặc rét, xây dựng thành công một trong vài ba cỗ máy cái của ngành giáo dục lúc đó: Trường Sư phạm Việt Bắc. Cứ thế, bất chấp mọi thách thức, thầy đã lần lượt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình - lúc trên bục giảng, khi trong cương vị lãnh đạo - ở Trường Sư phạm trung cấp trung ương, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp (sau tách ra là ĐH KHXH&NV) TP.HCM.

Vĩnh biệt giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai sinh ngày 3-8 năm Kỷ Mùi (26-9-1919) tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang; quê quán: thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã qua đời vào chiều ngày 27-9-2013 tại Bệnh viện 175, TP.HCM.

Giáo sư Mai bắt đầu đi dạy từ năm 1943 khi còn là sinh viên Đại học Luật khoa Đông Dương. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, giáo sư được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh. Bất chấp sự kiểm soát ngặt nghèo của giặc Pháp, thầy đã cùng các giáo sư, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tường Phượng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... hoàn thành trách nhiệm “đưa đò” của mình.

Năm 1950, thầy cùng các đồng nghiệp chấp nhận cảnh ăn đói mặc rét, xây dựng thành công Trường Sư phạm Việt Bắc. Thầy đã trải qua nhiều nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu, làm lãnh đạo ở Trường Sư phạm trung cấp trung ương, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp (bây giờ là ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).

Thầy không chỉ viết nghiên cứu phê bình mà còn sáng tác thơ, văn, kịch, để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993). Tác phẩm nghiên cứu gồm: Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo Dục, 1961), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989), Hoàng Như Mai tuyển tập (NXB Giáo Dục, 2005).

Từ năm 1997, giáo sư Hoàng Như Mai làm hiệu trưởng Trường trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM. Từ năm 1988 đến nay, ông làm chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM. Năm 1982, ông được Nhà nước phong chức danh giáo sư. Năm 1990, ông được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Theo thông tin từ gia đình giáo sư, lễ khâm liệm sẽ tiến hành lúc 11g ngày 28-9 tại Bệnh viện 175. Sau đó, 6g ngày 29-9, gia đình sẽ đưa linh cữu giáo sư về nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 29-9. Lễ truy điệu: 7g30 ngày 1-10.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên