11/10/2021 10:24 GMT+7

Thầy hiệu trưởng 'bao đồng'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Hơn 35 năm vừa đi dạy vừa âm thầm "góp nhặt" những món quà, những hỗ trợ dù là nhỏ nhất cho học trò của mình. Đó là câu chuyện của thầy Võ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Mỹ, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Thầy hiệu trưởng bao đồng - Ảnh 1.

Thầy Võ Văn Dũng (trái) trong một lần phát quà hỗ trợ học sinh - Ảnh: NVCC

Đi quyên góp, nhờ nhà hảo tâm giúp đỡ, với công việc của mình hiện tại là người quản lý giáo dục thì cũng rất nhạy cảm. Nếu nghĩ sâu, vì an toàn, tôi có thể không đi xin tài trợ hay quyên góp. Nhưng tôi không sợ việc làm của mình có "tiếng ra tiếng vào" vì mình làm từ trái tim, từ những mối quan hệ giao tiếp thật lòng.

Thầy Võ Văn Dũng

Ngoài những giờ ở trường, thầy Dũng quên mình là người quản lý, luôn hòa mình và lăn lộn với những hoàn cảnh khó khăn để "góp một ít cho đời".

"Sao ông bao đồng quá!?"

Liên lạc với thầy Dũng trong một chiều khi thầy đang bận rộn lên danh sách đi phát gạo cho những người nghèo trong xóm, thầy vẫn hồ hởi kể về công việc của mình: "Trong xóm tôi đang ở, vào mùa dịch có nhiều gia đình khổ cực thấy thương quá. Nên có mấy anh em thân thân, tôi nhắn xin họ hỗ trợ. Họ có của, mình có công, giờ đi phát liền để bà con kịp có gạo nấu cơm cho bữa tối".

Thoạt nhìn và qua tiếp xúc, mấy ai nghĩ những lời mộc mạc, những việc bận rộn kia là hình ảnh của một hiệu trưởng. Thầy Dũng vào nghề được 36 năm, chính thức làm quản lý từ năm 1992 (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Hạ), đến nay chưa bao giờ công việc "góp nhặt" những dụng cụ học tập hay vận động những hỗ trợ khác đến tay học sinh nghèo bị đứt quãng.

Còn nhớ năm 1985, khoảng thời gian thầy Dũng mới ra trường. Lúc đó thầy chỉ gửi tặng cho một học sinh nghèo vài quyển tập thôi nhưng sau này học sinh nhớ và luôn nhắn cảm ơn thầy. "Em học trò này giờ đã đi Hàn Quốc, nhưng mỗi khi liên lạc hỏi thăm tôi là nhắc về chuyện những cuốn vở. Tôi mới nghĩ trong lòng, ngoài việc dạy dỗ, quản lý, nếu mình quan tâm học trò dù chỉ một xíu thôi thì cũng đã đi vào trái tim của các em" - thầy Dũng kể lại.

Đang là hiệu trưởng một ngôi trường có 91 học sinh nghèo và cận nghèo không có điều kiện học trực tuyến, mới đây thầy Dũng xin danh sách xác nhận của UBND xã, sau đó viết xin hỗ trợ trên Facebook, Zalo. Sau 3 ngày, thầy đã vận động được gần 48 triệu đồng để mua điện thoại cho học sinh có thêm điều kiện học online.

Không chỉ giúp học trò nghèo, thầy Dũng luôn quan tâm đến đời sống giáo viên và cả những người xung quanh mình. Từ những cuốn vở, những chiếc bánh trung thu, những bộ áo dài cho giáo viên trường mình và cả đồng nghiệp trường khác; những muối, gạo, lương thực cho bà con nghèo gần nhà... hay những buổi tiệc tri ân giáo viên ở trường, thầy Dũng một tay đi vận động.

"Có người bạn thân ngăn can và điện thoại nói nhỏ: "Mệt mỏi vì dịch giã, sao ông bao đồng quá!?". Tôi chỉ cười. Tôi biết mình đang làm đúng. Người giúp đỡ thì từ tâm, họ rất thoải mái; người nhận giúp đỡ thì mừng rỡ; người làm cầu nối trung gian là tôi, lại rất vui" - thầy chia sẻ.

"Góp một ít cho đời"

Người thì trách móc, người khen ngợi việc thầy Dũng âm thầm làm suốt nhiều năm qua, nhưng với thầy, làm những gì mà không mang lại cho riêng mình thì 10 năm, 20 năm nữa thầy vẫn tiếp tục công việc "góp một ít cho đời".

Facebook, Zalo được cho là "ngôi nhà đặc biệt" để thầy Dũng xây dựng chỗ kết nối khi cần. Ngôi nhà đặc biệt này được "xây" 8 năm nay với các "thành viên" là giáo viên, bạn bè, đồng nghiệp, người quen, học trò cũ... Vì thế, với thầy Dũng, công việc mình làm rất rõ, rất cụ thể, người thật, việc thật. 

Thầy kể: "Có nhiều em vào nhắn tin sau khi tôi đăng xin hỗ trợ "thầy ơi, xưa thầy tặng con 5 cuốn vở, giờ con trưởng thành rồi thầy cho con góp lại 1 triệu đồng". Hay có người nhắn "tôi biết thầy, nhờ thầy chuyển tay giúp tôi 500.000 đồng"... Nói như thế để hiểu rằng, mình cứ thật thì chẳng có gì phải ngần ngại".

Anh Nguyễn Tấn Luận (chủ lò mổ heo ở xã Thái Mỹ) đã chứng kiến nhiều việc làm của thầy Dũng 10 năm qua. "Thầy nói với tôi một năm có 3 mùa quan trọng: lễ ngày 20-11, lễ khai giảng và tổng kết. Thầy muốn những ngày này không phải tặng quà vật chất mà thầy trăn trở muốn có bữa cơm ân tình như người nhà ở dưới mái trường. 

Tôi hiểu được tấm lòng đó là thật, cứ một năm tôi tặng trường 3 con heo quay, suốt 10 năm qua. Tuy "đời thường", nhưng từ sự chăm lo như vậy, mới thấy được sự giản dị, chân thành, tốt bụng của thầy Dũng" - anh Luận nói.

Là một học sinh cũ của thầy từ năm 1990, chị Nguyễn Thị Thu cũng cảm mộ tấm lòng của thầy giáo dạy lớp 1 mình năm xưa, nên mỗi status thầy viết trên Facebook, chị đều chia sẻ với thầy như một lời tri ân. 

"Ngày xưa thầy cũng giúp tôi, tôi nhớ đó là lần nợ học phí và những lần đóng góp nhỏ. Mẹ tôi xin thầy vì nhà quá khó khăn, thầy chậc lưỡi nhưng vẫn tìm cách tính toán để giúp đỡ tôi khoản này. Giờ thầy lại tiếp tục như một "ông Bụt" trong trường, chung tay cùng thầy cũng là việc tôi nên làm" - chị Thu chia sẻ.

Động lực gia đình

Một nguồn động lực tiếp sức cho thầy Dũng chính là gia đình. Vợ thầy, giáo viên đã về hưu, ủng hộ ông xã một tay khi lên kế hoạch, còn các con của thầy phụ cài đặt công nghệ, máy móc hỗ trợ cho học trò. Cả gia đình xắn tay vào cùng nhau làm như làm cho chính mình.

Thầy Dũng kể lại ngày mua được gần 20 điện thoại cho các em học online: "Khi có máy, con tôi mở ra cài đặt sẵn cho các em. Vì 20-9 học trực tuyến rồi mà ngày 24 mới có máy nên tôi thúc con làm nhanh lên, không phải phụ huynh nào cũng rành máy móc. Tặng quà cho học trò mà tặng đúng thời điểm, đúng lúc nên cả gia đình cùng nhau hỗ trợ".

Từ bức tâm thư của thầy hiệu trưởng: ‘Hãy cố lên, mọi thứ sẽ qua!’ Từ bức tâm thư của thầy hiệu trưởng: ‘Hãy cố lên, mọi thứ sẽ qua!’

TTO - Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online tin và động viên nhau như vậy sau khi đọc nội dung bức tâm thư của thầy hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Nam Trực, Nam Định) gửi các giáo viên, học sinh của trường phải cách ly vì COVID-19.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên