26/02/2014 17:49 GMT+7

Thấy gì qua vụ Asiana Airlines bị Mỹ phạt nửa triệu USD?

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Tất nhiên là chuyện Hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines bị Bộ Giao thông vận tải Mỹ phạt 500.000 USD hôm 25-2 có liên quan tới vụ tai nạn gây chết người của hãng này tại sân bay quốc tế San Francisco (SFO) hồi giữa năm ngoái.

45Zk9MtJ.jpgPhóng to
Xác chiếc máy bay Boeing 777 gặp nạn trên đường băng sân bay San Francisco - Ảnh: Reuters

Phi công Asiana Airlines không thấy đường băng trước khi máy bay rơiĐã xác định được hành khách VN trên chuyến bay gặp nạn

Lý do phạt là do phía Mỹ nhận thấy Hãng Asisia đã không chăm sóc tốt gia đình các hành khách, cụ thể là không liên lạc nhanh chóng và không duy trì thông tin cho họ biết về tình trạng những người thân yêu của mình sau tai nạn.

Điều đáng lưu ý đây là lần đầu tiên Bộ GTVT Mỹ đưa ra hình phạt về những chuyện như vậy. Chưa bao giờ trước đây bộ này kết luận rằng một hãng hàng không vi phạm luật Mỹ quy định phải trợ giúp ngay lập tức và đầy đủ đối với người thân của các nạn nhân gặp tai nạn. Chẳng rõ là do không có hãng nào từng vi phạm hay chỉ tại trước đây phía Mỹ không tính tới chuyện này?

Đây mới là “màn dạo đầu” của trường thiên hậu tai nạn mà Hãng Asiana Airlines phải gánh chịu. Hiện nay Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra về nguyên nhân tai nạn. Gia đình một số nạn nhân cũng khởi kiện Hãng Asiana về việc phân biệt đối xử khi cho rằng hành khách đi hạng thường dễ bị chấn thương nặng hơn khi gặp tai nạn so với hành khách ở khoang thương gia do sự khác nhau về cơ cấu thắt lưng an toàn. Người ta cũng kiện hãng đã huấn luyện phi công không tốt, cũng như máy bay có hệ thống tự động điều chỉnh lực đẩy (auto-throttle) không phù hợp.

Bộ GTVT Mỹ cho biết mình đã cho Hãng Asiana 5 ngày để liên lạc với gia đình của tất cả 291 hành khách trên chuyến bay xui tận mạng đó, bao gồm thân nhân của 3 học sinh Trung Quốc bị thiệt mạng. Nhưng hãng Hàn Quốc này đã làm không tốt. Ngoài ra, không biết có phải do lỗi kỹ thuật không mà hồi ban đầu, số điện thoại nóng (hotline) về vụ tai nạn lại được dẫn tới một đường dây… đặt chỗ tự động!

Có 3 người chết và hàng chục người bị thương trong vụ tai nạn ngày 6-7-2013 khi chuyến bay Asiana Flight 214 từ Hàn Quốc tới va chạm phải vách ngăn biển ngay đầu đường băng dẫn tới tai nạn bị đứt khúc đuôi và bốc cháy khi đang đáp xuống sân bay SFO. Trong số người thiệt mạng có 1 nữ sinh Trung Quốc 16 tuổi sau khi bị văng ra khỏi máy bay rơi xuống đường băng đã bị một chiếc xe cứu hỏa chạy tới cán chết.

Nhiều gia đình nạn nhân sống ở Hàn Quốc và Trung Quốc, có nghĩa là hãng hàng không là nguồn thông tin chính của họ khi họ ở cách xa nơi xảy ra tai nạn tới nửa vòng Trái đất.

Bản kết luận điều tra của Bộ GTVT Mỹ ghi rõ:

- Hãng Asiana nói chung “không cung cấp được các nguồn lực đầy đủ để thực hiện việc trợ giúp gia đình”, và nhân viên của hãng đã không thực hiện được tất cả trách nhiệm của mình trong vòng 5 ngày sau tai nạn do theo luật Mỹ. Ngoài ra, hãng hàng không thiếu phiên dịch và nhân viên được đào tạo về phản ứng sau tai nạn.

- Phái mất hơn 18 giờ, Hãng Asiana mới lập được số điện thoại nóng miễn phí (toll-free) đáng tin cậy để người nhà nạn nhân có thể liên lạc.

- Luật Mỹ quy định gia đình phải được báo tin càng sớm càng tốt, nhưng trong vòng 2 ngày sau tai nạn, Hãng Asiana chỉ liên lạc được với 3/4 số gia đình.

Hãng hàng không Asiana Airlines đã ký Bộ GTVT Mỹ văn bản chấp nhận chịu phạt. Cụ thể, hãng Hàn Quốc này sẽ phải nộp 400.000 USD tiền phạt và chi 100.000 USD tài trợ cho các cuộc hội thảo toàn ngành hàng không và các khóa tập huấn trong suốt năm 2015 để thảo luận về những bài học rút ra từ vụ tai nạn này.

Trong một thông cáo gửi qua email tới Hãng tin Mỹ AP, Hyomin Lee, người phát ngôn của Hãng Asiana, cho biết hãng hàng không “đã cung cấp sự hỗ trợ rộng lớn và lâu dài cho các hành khách và gia đình của họ sau vụ tai nạn và sẽ tiếp tục làm như vậy”. Tuy nhiên, hãng cũng thừa nhận việc phản ứng sau tai nạn đó của họ có bị chậm vì lúc đó vào thời điểm nghỉ cuối tuần, nhân sự bị thiếu hụt. Trong vòng vài ngày sau tai nạn đó, hãng đã phân công một đại diện đặc biệt cho mỗi hành khách và gia đình, chuyên chở các thành viên gia đình nạn nhân từ nước ngoài tới chỗ nạn nhân lâm nạn, và cung cấp tư vấn khủng hoảng chuyên nghiệp thông qua Hội Chữ thập đỏ.

Hãng Asiana Airlines cũng “bật mí” rằng mình đâu phải là hãng duy nhất trong số các hãng hàng không nước ngoài “chỉ có vài nhân sự được huấn luyện để làm nhiệm vụ phản ứng sau tai nạn”.

Hồi cuối thập niên 1990, sau khi các hãng hàng không bị phê bình liên miên về việc lơ là với các yêu cầu được thông tin sau những tai nạn, Quốc hội Mỹ đã ra luật yêu cầu các hãng hàng không phải dành riêng nguồn nhân lực để phục vụ gia đình các hành khách. Hãng tin Mỹ AP cho biết trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái với 20 hãng hàng không nước ngoài, họ đã ghi nhận được những trường hợp hãng hàng không đã không cập nhật các kế hoạch trợ giúp gia đình hành khách theo luật định. Sau khi bị Hãng AP lên tiếng, nhiều hãng hàng không mới vội vàng cập nhật cho Bộ GTVT Mỹ về các kế hoạch này. Trong số đó có Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air, đối thủ lớn hơn của Asiana.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên