07/12/2023 14:48 GMT+7

Thấy gì khi khối ngoại miệt mài bán ròng hơn 16.000 tỉ đồng?

Áp lực bán ra của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong nhiều phiên gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng hơn 16.000 tỉ đồng.

Hành động khối ngoại chủ yếu là mua ròng mỗi khi thị trường sụt giảm với biên độ lớn, và bán ròng khi có sự hồi phục - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Hành động khối ngoại chủ yếu là mua ròng mỗi khi thị trường sụt giảm với biên độ lớn, và bán ròng khi có sự hồi phục - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Dữ liệu từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến ngày 5-12, giá trị bán ròng khối ngoại đạt gần 16.500 tỉ đồng. Trong khi năm ngoái, khối này mua ròng gần 27.000 tỉ đồng.

Vì sao khối ngoại miệt mài bán ròng?

Việc khối ngoại miệt mài bán ròng có tác động nhất đến thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ Online.

Chỉ chiếm hơn 10% giá trị giao dịch thị trường nhưng động thái bán ròng khối ngoại ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý hơn tác động điểm số. "Nhiều nhà đầu tư băn khoăn vì sao khối ngoại bán ròng?", ông Minh nói.

Theo ông Minh, việc rút ròng có thể đến từ việc cơ cấu lại danh mục cuối năm tại một số quỹ. Ở phiên tăng điểm tốt, họ tranh thủ chốt lời.

Ông Minh cũng quan sát nhiều quỹ dần rút ngắn hơn thời gian đầu tư. Thay vì nắm giữ dài hạn, một số cổ phiếu được mua đi bán lại nhanh hơn trước những lo ngại về biến động, rủi ro quốc tế.

"Cơ bản, không có gì đáng lo ngại. Vĩ mô Việt Nam ổn định, tỉ giá qua thời điểm căng thẳng, triển vọng phục hồi kinh tế đang sáng hơn", ông Minh nhận định.

Cũng theo vị này, năm 2020 và 2021, trước lo ngại về COVID-19, khối ngoại bán ròng mạnh nhưng thị trường vẫn tăng tốt. 90% động lực đến từ nhà đầu tư cá nhân.

Ông Bùi Nguyên Khoa - trưởng nhóm phân tích thị trường chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) - cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại chủ yếu liên quan đến vấn đề lãi suất.

Chênh lệch bất lợi giữa lãi suất thực của Mỹ và một số nước phát triển so với các thị trường đang phát triển khiến cho dòng tiền đảo chiều.

"Không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển ghi nhận rút ròng như vậy. Dòng tiền luôn vận động để tìm khu vực có hiệu suất cao hơn, an toàn hơn", ông Khoa nói. Ngoài ra, một số quỹ cũng tái cơ cấu danh mục.

Dòng tiền sẽ đảo chiều khi Mỹ giảm lãi suất. Khi lãi suất đồng VND cao hơn, bù lại phần rủi ro thị trường, sẽ kéo nhà đầu tư quay trở lại. Đó là lý thuyết chung, còn thực tế tại nhiều cổ phiếu được quỹ săn đón thông qua các thương vụ giao dịch M&A, theo ông Khoa.

Khối ngoại mua ròng biên độ lớn khi thị trường giảm sâu

Nói về tác động, ông Khoa cho rằng dù dòng tiền nội quyết định khi chiếm tỉ trọng lớn, nhưng lực bán khối ngoại mạnh cũng làm thị trường khó bật lên.

"Nhà đầu tư cá nhân vẫn đầu tư theo tâm lý và tăng cường giao dịch trong biên độ. Bởi vậy xu hướng VN-Index vẫn giằng co", ông Khoa nói với Tuổi Trẻ Online.

Nhìn vào dữ liệu từ FIDT, sau khi kết thúc chuỗi mua ròng vào tháng 8, khối ngoại chủ yếu là mua ròng mỗi khi thị trường sụt giảm với biên độ lớn và bán ròng khi thị trường hồi phục. Điển hình, khi thị trường chạm đáy vào cuối tháng 10, khối ngoại đã có 6 phiên mua ròng với khối lượng lớn.

"Không riêng khối ngoại "xanh bán, đỏ mua", các nhóm nhà đầu tư khác cũng vậy trong bối cảnh thị trường chưa tạo xu hướng rõ ràng", ông Bùi Nguyên Khoa nhận định.

Vậy khi nào dòng tiền khối ngoại trở lại thị trường mạnh mẽ hơn? Theo ông Khoa, sẽ khó có xu hướng này khi lãi suất nhiều nước vẫn cao.

Còn ông Minh cho biết các nhà đầu tư trên thế giới vẫn chờ động thái từ Fed trong cuộc họp sắp tới. "Nhìn chung Việt Nam có lợi thế khi vĩ mô ổn định, tỉ giá không còn căng thẳng, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại", ông Minh kỳ vọng.

Trong khi đó, chuyên gia FIDT nhận định xu hướng dòng vốn khối ngoại sắp tới sẽ còn phức tạp. Hành vi mua bán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bên cạnh biến động của USD.

"Xu hướng giao dịch của khối ngoại sẽ khó thay đổi trong tháng 12 này, tuy nhiên nhờ điều kiện vĩ mô tích cực hơn, chúng tôi cho rằng dòng vốn sẽ có sự khởi sắc trong nửa đầu năm 2024", FIDT dự báo.

Chứng khoán 2022: Giảm 52% so với đỉnh lịch sử, nhưng khối ngoại vẫn mạnh dạn mua ròngChứng khoán 2022: Giảm 52% so với đỉnh lịch sử, nhưng khối ngoại vẫn mạnh dạn mua ròng

Thị trường chứng khoán khép lại năm dương lịch 2022 trong sắc đỏ giảm điểm. Tính từ mốc đỉnh cao vào hồi đầu năm, đến nay chỉ số VN-Index đã 'bốc hơi' xấp xỉ 522 điểm (-52%). Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng khi khối ngoại liên tục mua ròng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên