Cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghẻ, TP.HCM chết chất đống chờ đưa đi xử lý - Ảnh: Hữu Khoa |
Trên đây là trăn trở của kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường khi chứng kiến cảnh hàng chục tấn cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM chết do ô nhiễm sau mưa đầu mùa.
Là người làm công trình cầu đường, bạn đọc này đã chứng kiến nhiều cảnh "đau lòng" xung quanh con kênh này và khẳng định: nếu người dân sống xung quanh đây còn tiếp tục xem chuyện làm sạch dòng kênh, làm sạch môi trường sống của cá là "chuyện của ai đó" thì việc khôi phục con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sạch - xanh là ước mơ không tưởng.
Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này:
"Là người làm công trình cầu đường có nhiều lúc tôi bức xúc khi thấy người bán quán ăn, kể cả nhà hàng đổ trực tiếp các thùng thức ăn còn thừa xuống hố ga thoát nước, tới vận động thì bị cho là nhiều chuyện và có khi phải đón nhận ánh mắt hung tợn.
Bảo vệ môi trường nước là trách nhiệm và lòng tự trọng ở mỗi người công dân, nếu không thể làm được thì để xây dựng thành phố đáng sống là ước mơ không tưởng. |
Kỹ sư Trần Văn Tường |
Nhiều cống thoát nước đấu nối trực tiếp ra kênh sông còn hứng chịu nào là rác do nhà dân và cơ sở sản xuất thải ra như dầu nhớt, hóa chất, dung môi, chất độc hại… Vậy nên rất dễ thấy cống có nước thải đen ngòm, nổi bọt trắng, hôi thối và có mùi khó chịu…
Vì đâu nên nỗi? Vì có những người chỉ biết sống vì mình, chỉ lo nhà mình sạch, mọi chất thải ra không cần biết ảnh hưởng môi trường nước và cộng đồng. Đã có quy định nhưng ít thấy ai bị phạt khi vi phạm, lâu dần thành thói quen khó bỏ ở nhiều người.
Tác hại ô nhiễm môi trường nước rất lớn, gây bệnh sốt xuất huyết, hủy diệt sự sống, làm chết cá. Rồi đến việc xử lý và khắc phục rất tốn kém, TP.HCM đã mất hàng chục năm và tốn rất nhiều chi phí để khắc phục ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Một số cơ quan, chức năng cũng đã kêu gọi bảo vệ môi trường nước nhưng hình như không hiệu quả. Tôi nghĩ đã đến lúc không thể bảo vệ môi trường bằng những khẩu hiệu tuyên truyền suông hoặc làm theo phong trào mà cần có quy chế phù hợp thực tế, biện pháp chế tài khả thi, lực lượng đủ mạnh để kịp ngăn chặn và xử lý các vi phạm.
Cá chết dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cần giải pháp tổng thể về lâu dài và trước mắt, xử lý tận gốc vấn đề, kịp thời ngăn chặn nước ô nhiễm đổ ra kênh.
Sớm hoàn thành dự án xây dựng nhà máy và hệ thống thu gom để xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi đổ ra kênh. Đây là việc quan trọng, xem ra đã chậm so với kế hoạch.
Ở địa phương, bắt đầu ngăn chặn từ tổ dân phố bám sát địa bàn quản lý, vận động người dân phân loại rác thải và nước thải để đơn vị lấy rác xử lý theo quy trình.
Chủ động ngăn chặn từ khâu đầu tư kinh doanh, chỉ cấp phép cho tổ chức và cá nhân khi đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu.
Với những cá nhân vi phạm xả rác và thải nước ô nhiễm sẽ bị phạt thật nặng, buộc khôi phục lại nguyên trạng, giao cho tổ dân phố theo dõi nhắc nhở, không cho tái phạm.
Với tổ chức hoặc cơ sở sản xuất và gia công bị đình chỉ hoạt động khi phát hiện gây ô nhiễm môi trường nước, xả nước thải chưa qua xử lý, buộc bồi thường giải quyết hậu quả.
Rồi đến khâu quản lý, kịp ngăn chặn từ phía các cơ quan chức năng và cương quyết xử lý, kiểm tra theo hệ thống, không theo phong trào. Cần có hệ thống pháp luật về ngăn chặn, bảo vệ môi trường nước sát thực tế, chế tài và phạt thật nặng là cần thiết.
Tạo kênh tiếp nhận thông tin kêu gọi mọi người cùng bảo vệ môi trường nước, thưởng cho những ai phản ảnh tình trạng xả nước bẩn có chất độc hại, gây ô nhiễm. Một vài người lên tiếng rồi sẽ có nhiều người hưởng ứng và dần loại bỏ cái xấu gây nguy hại.
Bảo vệ môi trường nước là trách nhiệm và lòng tự trọng ở mỗi người công dân, nếu không thể làm được thì để xây dựng thành phố đáng sống là ước mơ không tưởng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận