29/06/2018 19:00 GMT+7

Thất thoát quản lý rượu thủ công: 2.000 tỉ đồng/năm?

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị Bộ Y tế làm rõ có hay không khoản thất thoát 2.000 tỉ đồng/năm trong việc quản lý rượu thủ công để xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý, kinh doanh rượu.

Thất thoát quản lý rượu thủ công: 2.000 tỉ đồng/năm? - Ảnh 1.

Quy định về khoảng cách điểm bán trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: T.V.N

Không chỉ có kiến nghị gởi tới Hội đồng thẩm định dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác, VBA còn cho rằng "có những quy định vẫn chưa được Bộ Y tế tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, dù đã là dự thảo lần thứ ba", cũng như "vì sao những bất cập đó chưa được ban soạn thảo điều chỉnh".

Theo VBA, trong dự thảo Luật chưa thể hiện được nội dung cần quan tâm nhất là quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, trong khi đây là nội dung cần phải quy định cụ thể nhất vì sản phẩm này là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và thất thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Mức thất thu này được Bộ Y tế ước tính nếu quản lý tốt rượu thủ công thì Nhà nước có thể thu thêm 2.000 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, VBA cho rằng theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, tổng thiệt hại tài chính từ thị trường bia, rượu trái phép (bao gồm cả rượu thủ công) tại Việt Nam ước khoảng khoảng 441 triệu USD/năm (hơn 10.000 tỉ đồng)

Do đó, việc cần phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, "nhất là chính quyền cấp cơ sở trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công là vô cùng cần thiết", VBA nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến dự thảo Luật nói trên, các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh sau khi được mời góp ý cho dự thảo hai lần trước, nhiều quy định bất cập, phi thực tế vẫn không được Bộ Y tế  tiếp thu, chỉnh sửa.

Đơn cử là quy định về đảm bảo khoảng cách bán kính giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia và giữa địa điểm kinh doanh rượu bia với các địa điểm không được bán rượu bia không nhỏ hơn 200m (trừ các tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực du lịch).

Các doanh nghiệp thắc mắc việc dự thảo quy định quy định khoảng cách bán kính 200m giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia được xây dựng trên cơ sở khoa học nào và quy định này sẽ phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm dụng hay tiêu thụ bia, rượu như thế nào?

Trong khi trên thực tế, VBA khẳng định "người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 200m để mua rượu hay bia".

Mặt khác, tại các thành phố lớn đang có xu hướng các cửa hàng bán lẻ tập trung vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại. Nếu dự thảo thông qua quy định nói trên, điều khoản này sẽ áp dụng như thế nào trong trường hợp các siêu thị hoặc trung tâm thương mại 'mọc' san sát như hiện nay?

Theo ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch VBA, quy định nói trên không những không phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị với việc thay thế các cửa hàng bán lẻ bằng các trung tâm thương mại, siêu thị, mà còn có thể tạo nên một cơ chế độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia.

Siết quản lý rượu thủ công Siết quản lý rượu thủ công

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ góp ý cho dự thảo nghị định về kinh doanh rượu.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên