25/12/2015 10:07 GMT+7

Thất nghiệp: cử nhân, thạc sĩ chiếm 20%

THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)
THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Cả nước có 225.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp. Con số này được Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) công bố ngày 24-12.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội “Phỏng vấn - tuyển dụng” lần 10 tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội “Phỏng vấn - tuyển dụng” lần 10 tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Hiện có 7,3% thanh niên trong độ tuổi 15-24 thất nghiệp. Điều đáng nói là trong số đó có hàng trăm ngàn người có trình độ ĐH, CĐ trở lên không tìm được việc làm.

Thanh niên thất nghiệp đang gia tăng

Ông Doãn Mậu Diệp - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi tăng đáng kể so với số liệu thống kê được bộ công bố ba tháng trước (6,68%).

Con số này cũng cao gấp ba lần so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chung của cả nước là 2,35%.

Các chuyên gia của Viện Khoa học lao động và xã hội (KHLĐ&XH) cảnh báo: “Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đang tăng nhanh, trong đó đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lên đến 12,12%”.

Tỉ lệ này cao gấp 5 lần so với con số thất nghiệp chung. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm đáng kể thì tình trạng thất nghiệp của thanh niên đi ngược lại.

Đó là chưa kể “tình trạng thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng không có việc làm” cũng trầm trọng hơn, tăng từ 22,7% ở quý trước lên 25% - TS Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng Viện KHLĐ&XH, cho hay.

Đi liền với tỉ lệ thất nghiệp cao là tình trạng có sự chênh lệch rất lớn ở một số nhóm ngành nghề. Bộ LĐ-TB&XH cho biết kết quả khảo sát tình hình cung cầu lao động trên thị trường khu vực Hà Nội cho thấy ngành/nghề hành chính - văn phòng có cung cao hơn cầu 12,6 lần.

Tỉ lệ chênh lệch cung cầu này đối với kế toán - kiểm toán là 11,8 lần, nhân viên kinh doanh, bán hàng từ 3-5 lần, IT (cả phần cứng và phần mềm) là khoảng 2-3 lần...

Hơn 110.000 cử nhân làm việc giản đơn

Hiện cả nước có 225.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp.

Số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá: trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.

Chỉ riêng trong quý 3-2015, có thêm hơn 50.000 người có trình độ ĐH, CĐ rơi vào hàng ngũ thất nghiệp. Nếu xét theo trình độ đào tạo, nhóm người có trình độ CĐ, ĐH trở lên đang dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp (xấp xỉ 8% đối với CĐ, gần 5% đối với ĐH) - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.

Các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH đều có chung ý kiến: tình trạng thất nghiệp gia tăng đối với lao động có trình độ ĐH, CĐ trở lên là do mất cân đối trong cơ cấu lao động giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỉ lệ tương quan giữa trình độ ĐH trở lên - CĐ - trung cấp - sơ cấp là 1 - 0,36 - 0,60 - 0,35.

Sự thừa thãi lao động có trình độ đào tạo ĐH dẫn đến tình trạng có tới 114.000 cử nhân ĐH đang làm những công việc giản đơn, không yêu cầu phải có bằng cấp - theo số liệu do Viện KHLĐ&XH cho biết.

Con số này ở trình độ CĐ là 135.000 người, chủ yếu làm những công việc giản đơn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương phân tích: “Thất nghiệp tăng ở người có chuyên môn kỹ thuật cao cho thấy lao động kỹ thuật cao đang thừa so với nhu cầu thị trường lao động. Tình trạng mất cân đối này cần được điều chỉnh...”.

Chỉ 10% học sinh tốt nghiệp THPT chọn trường nghề

“Nguyên nhân lớn nhất khiến công tác tuyển sinh các trường nghề gặp khó khăn là do phân luồng học sinh chưa cân xứng, quy mô tuyển sinh ĐH tăng quá nhanh” - đó là đánh giá của TS Dương Đức Lân, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH).

Theo ông Lân, trong khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm thì có tới 90% thi vào các trường ĐH, CĐ, chỉ có khoảng 10% học sinh đăng ký học nghề.

Ông Dương Đức Lân cho biết trong 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề (2011 - 2015), kết quả tuyển sinh học nghề được hơn 9,17 triệu người, đạt 95,5% so với mục tiêu đặt ra. Kết quả tuyển sinh vào các trường nghề giai đoạn 2011 - 2015 dù tăng 18% so với giai đoạn trước nhưng công tác tuyển sinh vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh dạy nghề là quy mô tuyển sinh ĐH trong những năm gần đây tăng quá nhanh, rất ít học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề. Dù Bộ Chính trị đã có chỉ thị về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhưng việc thực hiện cũng chưa hiệu quả.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề nhưng thực tế hiện nay chỉ có khoảng 2,5 - 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

* TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT):

Cung cầu chưa gặp nhau về chất lượng

Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải nhìn vào tỉ lệ lao động có trình độ ĐH trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Tỉ lệ này ở các nước phát triển là 25 - 30%. Tỉ lệ lao động trình độ ĐH của chúng ta hiện nay là 7%, còn rất thấp. Cho nên, theo tôi, chưa thể nói chúng ta đang thừa lao động có trình độ ĐH nếu chúng ta muốn đạt các mục tiêu phát triển.

Vậy tại sao người tốt nghiệp ĐH, CĐ lại đang thất nghiệp nhiều? Theo tôi, do nhiều nguyên nhân, trước hết là tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn chậm, nhu cầu sử dụng nhân lực có trình độ cao còn thấp.

Tiếp đến là nguyên nhân về chất lượng của sản phẩm đào tạo. Chất lượng lao động có trình độ ĐH, CĐ chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, cung và cầu chưa gặp nhau về chất lượng.

Chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện để có chiến lược lâu dài về nhân lực. Đào tạo nhân lực là phải đi trước một bước, đón đầu, chứ không thể để đến khi cần mới bắt tay vào đào tạo.

Với quan điểm này, tôi muốn khẳng định rằng lao động có trình độ ĐH của ta hiện nay chưa phải là thừa.

Đó là chưa kể sắp tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, lao động nhiều ngành nghề của VN được di chuyển, làm việc trong các nước ASEAN, phải đáp ứng yêu cầu về khung trình độ đào tạo chung của ASEAN.

T.HÀ ghi

* TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

Nhiều trường ĐH chỉ lo đầu vào

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người có bằng cấp cao bị thất nghiệp, trong đó nguyên nhân lớn nhất là sự kết nối thiếu hiệu quả giữa các bên trong việc xác định cung, cầu.

Ngoài lý do nêu trên, tôi cho rằng nhiều cơ sở đào tạo quan tâm đến số lượng sinh viên hơn chất lượng, dẫn tới việc năng lực người học không đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường.

Trong khi đó, các công ty hiện có xu hướng tuyển dụng người làm được việc hơn là những người có bằng cấp này nọ.

Một số trường ĐH vì muốn đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh nên tạo điều kiện tối đa cho đầu vào, điều này dẫn tới cánh cửa đến với các trường nghề dù rộng mở nhưng do tư tưởng chuộng bằng cấp nên không mấy ai chịu vào học.

C.Nhật ghi

THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên