Người biểu tình phản đối Brexi t cứng tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh ngày 3-9 - Ảnh: Reuters
Điều này cho thấy cuộc "ly hôn" gây nhiều tranh cãi giữa Anh và EU sẽ không kết thúc sớm.
Nổi loạn vì Brexit
Rạng sáng 4-9, lo sợ kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ trở thành sự thật, một nhóm 21 nghị sĩ Đảng Bảo thủ của ông Johnson đã quyết định đứng về phe Công Đảng đối lập, tước quyền ấn định thời gian Brexit khỏi tay chính phủ.
Trong số các nghị sĩ "nổi loạn", có những cái tên nổi tiếng như Nicholas Soames, cháu trai của cố thủ tướng Winston Churchill.
Đây được xem là thất bại lớn nhất của ông Johnson kể từ khi trở thành thủ tướng cách đây 6 tuần, theo báo The Guardian. Hệ quả, như ông Johnson đã cảnh báo từ trước, những nghị sĩ này lập tức bị khai trừ khỏi Đảng Bảo thủ, đồng nghĩa đảng do ông lãnh đạo mất thế đa số ở Hạ viện.
Việc chấp nhận mất thế đa số cho thấy ông Johnson vẫn rất cương quyết với lựa chọn rời khỏi EU vào ngày 31-10 tới cho dù có đạt được thỏa thuận hay không (Brexit cứng).
Cách đây vài ngày, khi Nữ hoàng Elizabeth II chấp thuận yêu cầu đình chỉ quốc hội của Thủ tướng Johnson đến giữa tháng 10, nhiều người đã gọi đó là một cuộc "đảo chính".
Về lý thuyết, ông Johnson có quyền làm điều đó bởi nó là đặc quyền của thủ tướng Anh đối với quốc hội. Song việc đình chỉ quốc hội cũng đồng nghĩa các nghị sĩ Anh phản đối Brexit cứng chỉ có 2 tuần để xoay xở.
Và họ đã quyết định đáp trả bằng cuộc bỏ phiếu ngày 4-9. Các nghị sĩ phản đối Brexit cứng đang lên kế hoạch thông qua một dự luật, trong đó tuyên bố thúc đẩy Brexit không thỏa thuận là một hành động trái pháp luật.
Dự luật đó dự định sẽ được thảo luận và thông qua trước cuối tuần này, ngay trước thềm quốc hội bị đình chỉ.
Trong tính toán của các nghị sĩ, động thái này sẽ buộc chính phủ của ông Johnson phải đẩy nhanh việc tìm ra một thỏa thuận mới với EU và trình lên quốc hội, hoặc đề nghị EU hoãn thời hạn Brexit sau ngày 31-10 trong cuộc họp với các lãnh đạo EU vào ngày 17-10.
EU vẫn dang tay với Anh
Hôm 2-9, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg tiết lộ các nước còn lại của EU vẫn rộng tay giữ Anh ở lại sau ngày 31-10.
"Điều đó không có nghĩa sự kiên nhẫn của EU là vô tận. Chúng tôi đã tổn hao tâm trí rất nhiều trong suốt 2 năm qua để hỗ trợ cho một cuộc Brexit có trật tự. Bởi vì chúng tôi hiểu Brexit không thỏa thuận sẽ có những hậu quả nghiêm trọng như thế nào".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Schallenberg nhấn mạnh chính Anh phải là người nói với EU đề xuất gia hạn, cũng như London đang muốn gì trong tiến trình Brexit.
EU ngày 4-9 đã lên kế hoạch kêu gọi các nước thành viên chấp thuận giải ngân gần 600 triệu euro từ một quỹ chung của khối, để giúp đỡ người lao động Anh trong trường hợp không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về Brexit.
Quỹ chung được thành lập từ năm 2002 này vốn chỉ được sử dụng để hỗ trợ các thành viên đối phó với những thảm họa thiên nhiên như động đất, cháy rừng hay lũ lụt và bão tố.
Trong mắt của những người lãnh đạo EU giờ đây, một Brexit không thỏa thuận đã có sức tàn phá tương đương những thảm họa thiên nhiên.
"Brexit là một sự kiện đặc biệt và có thể trở thành một thảm họa lớn. Do đó, kích hoạt nguyên tắc đoàn kết, vốn là cốt lõi của quỹ, là hoàn toàn hợp lý", một đoạn trong văn bản kêu gọi của EU viết rõ.
Tổng tuyển cử sớm treo lơ lửng
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu rạng sáng 4-9, Thủ tướng Johnson đã tuyên bố sẽ không yêu cầu EU gia hạn Brexit cho dù đã có những sự phản bội và nổi loạn trong nội bộ Đảng Bảo thủ.
Ông Johnson tuyên bố người dân Anh sẽ sớm quyết định chuyện này thông qua một cuộc tổng tuyển cử sớm được ấn định vào ngày 15-10.
Theo phân tích của The Guardian, khả năng tổng tuyển cử sớm sẽ bị chặn lại bởi quốc hội là khá cao. Đảng Bảo thủ hiện đã mất thế đa số tại Hạ viện trong khi cần nhận được ít nhất 2/3 sự ủng hộ tại cơ quan này để tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận