04/05/2014 10:35 GMT+7

Thắp lửa yêu thương trên biên ải...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Đầu giờ chiều, gần đến giờ vào lớp, trên đường ra bản Sam Lang 2, chúng tôi gặp thầy giáo Quàng Văn Trường đang chở sau xe máy một bé gái, nước mắt còn lăn dài trên má.

Kỳ 1: Mỗi một ngày trong bản nhỏ Kỳ 2: “Hiệp sĩ suối Nậm Pồ”

taPyCyyP.jpg
Thầy Quàng Văn Trường phải đến tận nhà để thuyết phục bé gái này đến lớp - Ảnh: Ngọc Quang

Gặp chúng tôi, thầy phân trần: “Đây là em Lầu Thị Tớ ở dưới Sam Lang 3. Sáng nay em lại thích ở nhà, vậy là trưa nay tôi chạy về nhà để thuyết phục đưa em đi học”.

Với cả yêu thương...

Đã leo lên xe máy cho thầy Trường chở, lại được thầy cho thêm mấy cây kẹo nhưng cô bé lớp 1 này vẫn nước mắt vắn dài thút thít trước khi vào lớp.

Thầy giáo Bùi Văn Chinh bảo: Chuyện phải qua suối bằng túi nilông đi dạy học trò chỉ là một trong số rất nhiều những gian nan mà thầy cô giáo cắm bản phải trải qua.

Như dịp này, đang là mùa làm nương của người Mông. Có đi qua những cung đường này, nhìn những mảnh nương chót vót trên đỉnh núi hút mắt, chỉ riêng đường đi từ bản lên nương là cả ngày trời.

Lên nương cuốc cày gieo giống phải tá túc trên những căn lều trên núi thêm cả tuần lễ nữa. Nhà nào có con nhỏ, bố mẹ lên nương đành phải đưa con theo chứ không thể để ở nhà.

Lần trước chúng tôi lên, anh Giàng A Hòa ở bản Sam Lang 1 đang tìm thầy Chinh để xin cho con mình, em Giàng Thị Xanh, nghỉ học... 10 ngày.

Anh Hòa bảo: “Vợ chồng mình lên nương, thầy giáo cho nó nghỉ học nhé!”.

“Ô, không được đâu, hôm nay học một bài, ngày mai học bài mới, muốn biết bài mới phải thuộc bài cũ, đưa con lên nương làm sao khi về nó hiểu được bài?”.

“Ô thầy giáo nói vậy thì để nó ở nhà ai chăm nó, ai nấu cơm cho con mình ăn, ai đưa con mình ra suối tắm?”...

Cuộc đối thoại rất dài, rốt cuộc thì anh Hòa cũng chấp nhận để vợ ở nhà chăm con, còn anh lên nương một mình. Nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng hiểu được điều đó, rốt cuộc cũng tìm được phương pháp hợp lý nhất để con được đến trường mà bố mẹ vẫn lên núi làm nương.

Những khi như thế, giải pháp tốt nhất là đưa con cái tới gửi ở nhà người bà con trong bản, song hằng ngày thầy giáo phải tới tận nhà chở giúp con đến lớp và tan học chịu khó đưa các em về nhà.

Hay chuyện khi vừa vào cắm bản, học sinh ở đây 100% là người Mông, vừa mới tới lớp, làm sao các em hiểu được tiếng Kinh.

Muốn dạy được học trò, thầy cô giáo phải tự học tiếng Mông, ít nhất cũng ở mức giao tiếp căn bản mới nói đến chuyện đứng lớp.

Để một em học sinh người Mông đọc thông viết thạo tiếng Kinh, em nào giỏi cũng phải tới hết lớp 3, em nào chậm học tới lớp 5 mới có thể nói gì hiểu nấy.

Trong câu chuyện về cô giáo Minh, chúng tôi đã kể chuyện đi “vận động phụ huynh” như anh em biên phòng đi vào bản vận động quần chúng, ngôn ngữ, phong tục, văn hóa... cái gì cũng phải biết ở mức căn bản mới có thể cắm bản.

Nhưng gian nan khi cắm bản đâu chỉ ở chuyện từng ngày từng giờ “đeo bám” học sinh của mình. Câu chuyện đường đến trường của các thầy cô cũng lắm điều để kể.

Hôm đi từ Nà Hỳ vào Sam Lang, anh Nguyễn Văn Thái - chủ tịch huyện Nậm Pồ - kể với chúng tôi rằng ở huyện này đường vào bản gian nan như đường vào Sam Lang nhiều lắm.

Các cô giáo chưa quen đi những con dốc hẹp, dựng đứng và cua gắt như thế này, chuyện ngã xe là cơm bữa. Năm ngoái, cô Tuyết, giáo viên dạy ở điểm trường Chà Tở, trên đường đi dạy về xuống dốc xe máy bị trôi. Khi ngã, chân chống xe máy đâm xuyên ruột thủng ra tận lưng, cô suýt mất mạng, may kịp đưa ra bệnh viện tỉnh cấp cứu!

Buổi trưa ăn cơm cùng mấy anh em lính đang xây dựng trường, thiếu tá Lò Văn Ván - chính trị viên đồn biên phòng Nà Hỳ - kể rằng năm ngoái có mấy lần anh đi công tác địa bàn, vào Sam Lang ở lại.

Mùa đông rét căm căm vậy mà sáng nào cũng thấy cô Minh dậy từ sớm đến từng nhà “khua” học sinh của mình dậy, nhắc bố mẹ cho con đến lớp học. Sáng nào cũng như sáng nào. Và cứ thế, từng ngày, từng ngày, bền bỉ để cho các em có được cái chữ.

Qqea8Iyw.jpg
Thầy Xen vá lưới để bắt cá suối - Ảnh: Ngọc Quang

Đến đây rồi ở lại đây...

Sam Lang là bản xa nhất của Nà Hỳ, nhưng phân trường Sam Lang 1 lại là phân trường xa nhất bản Sam Lang. Không để học sinh phải lặn lội về trung tâm bản để học ở điểm trường Sam Lang 2, các thầy cô giáo phải lên đây dựng một lớp học cho tám học sinh gồm năm em lớp 1 và ba em lớp 2.

Nếu không có mấy chiếc bàn được ghép bằng những cây gỗ rừng và mấy cuốn sách nhàu cũ trên bàn thì không ai nghĩ đó là lớp học. Thầy Bùi Văn Chinh với thâm niên cắm bản lâu nhất được phân công dạy lớp ghép ở phân trường này.

“Từ đây về điểm trường Sam Lang 1 cũng mất khoảng nửa tiếng đi bộ leo dốc, nhưng không lẽ để gần chục học sinh mỗi ngày lếch thếch dắt díu lên điểm trường. Muốn giữ sĩ số học sinh trong bản phải mở thêm lớp ở điểm bản này. Thầy vất vả hơn một chút, mỗi ngày mất mấy lượt đi về điểm trường, nhưng như thế còn giữ được học sinh. Nếu không yêu nghề, không yêu những học sinh này thì cũng có thầy cô bỏ bản về rồi.

Ở đây lâu, các thầy cô cũng sống như người dân trong bản. Ngày dạy học hai buổi, lúc rỗi rãi các thầy cũng phải lên rừng kiếm củi, xuống suối quăng lưới bắt cá như dân, rồi cuốc đất trồng rau để có thực phẩm ăn hằng ngày, chứ không thể mỗi ngày đi hơn 30 cây số về tận trung tâm để mua thực phẩm.

Ở điểm trường, không điện, không sóng điện thoại, chẳng có tủ lạnh gì nên mỗi tuần về xã, khi quay trở lại cũng chỉ mang gạo, ít thực phẩm khô, chứ rau thịt mang lên đây chẳng để quá được hai ngày. Cuối tuần, nếu nắng ráo còn đi xe máy về được, chứ mưa chỉ có nước chôn chân ở lại bản luôn”.

Thầy Hoàng Văn Xen, 27 tuổi, người dân tộc Mường, quê tận Phú Thọ, vừa tranh thủ ngồi đan lưới, vừa chuyện trò với chúng tôi.

Tốt nghiệp sư phạm năm 2011, thầy Xen xin lên huyện Nậm Pồ dạy, và được phân về “cắm bản” tại Nậm Chua, hồi đó còn thuộc xã Nà Hỳ, được một năm thầy Xen lại được điều chuyển về Sam Lang.

“Tân Sơn quê tôi cũng là huyện miền núi, nghèo khó vào loại nhất nhì tỉnh Phú Thọ, nhưng khi lên đến Mường Nhé, Nậm Pồ mới thấy những nghèo khó, thiếu thốn ở quê chả thấm tháp gì. Những ngày mới lên tôi hết sức ngỡ ngàng, hụt hẫng. Ban ngày dạy học có trò có thầy còn đỡ, chứ chiều tối học sinh về hết, điểm trường chỉ còn lại vài thầy cô, buồn não ruột. Thời gian đầu nhiều lúc muốn bỏ nghề...”.

Thầy Xen lên dạy được một năm ở Nà Hỳ thì quen rồi yêu cô y sĩ Lò Thị Tâm, nhân viên y tế ở xã Nà Hỳ. Một đám cưới đầm ấm được tổ chức trên quê mới.

Bây giờ vợ chồng Xen - Tâm đã có hai con trai. “Mọi thứ vẫn còn khó khăn lắm, nhưng mỗi cuối tuần được về trung tâm xã, nơi có căn nhà nhỏ mà hai vợ chồng thuê trọ, ôm những đứa con “made in Nà Hỳ” là tôi lại như quên hết khó khăn”.

Với thầy Chinh, lên đây từ năm 2002, lúc đầu dạy các điểm trường của xã Nà Bủng bên cạnh. Đến năm 2006 thì Chinh được điều về Nà Hỳ và lên Sam Lang luôn từ năm đó đến nay, đã gần chín năm gắn bó với mảnh đất này.

Vợ thầy Chinh là cô giáo Tòng Thị Ký, người dân tộc Thái, quê tận dưới Tuần Giáo. Họ cùng dạy học bên Nà Bủng, cùng cắm bản và nên vợ nên chồng.

Giờ vợ chồng Chinh cũng đã có hai con trai, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé mới hơn 1 tuổi. Khi chồng về dạy ở Sam Lang, cô giáo Ký cũng xin theo chồng về dạy ở Trường tiểu học Nà Hỳ 2.

Giờ hai vợ chồng thuê căn nhà ở tạm trong bản Sam Lang 3. Thầy giáo Quàng Văn Trường - 36 tuổi, người Thái, quê Tuần Giáo, Điện Biên - cũng đã nên vợ thành chồng với cô giáo Tòng Thị Mai dạy ở Trường mầm non Nà Hỳ.

“Chỉ thầy cô giáo cắm bản mới đồng cảm, chia sẻ khó khăn, thiếu thốn với nhau được. Cũng có lẽ vì thế mà những thầy cô cắm bản thường nên cặp với nhau. Ở nơi xa lắc, giáp biên thế này, dù người dân rất tốt, rất quý giáo viên, giúp đỡ giáo viên nhiều nhưng cũng không thể bằng đồng nghiệp hiểu nhau, tự giúp nhau” - thầy Chinh tâm sự.

_________

Kỳ tới: Đến trường, đi bộ 150km!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên