19/11/2013 09:18 GMT+7

Thắp lửa lòng yêu nghề

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Một bàn tròn ấm áp mà ở đó, nhiều thế hệ nhà giáo và cả những nhà giáo tương lai cùng trao truyền để giữ ngọn lửa nghề cháy mãi trong nhau.

kNQ3d87D.jpgPhóng to
Cô Nguyễn Thị Khánh Ly (Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận) tư vấn, hướng nghiệp cho các bạn học sinh Trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè) - Ảnh: Q.LINH

Tọa đàm “Thắp lửa lòng yêu nghề” tại ĐH Sư phạm TP.HCM trước thềm ngày 20-11 là dịp để các nhà giáo trẻ và nhiều bạn sinh viên sư phạm san sẻ cùng nhau nhiều câu chuyện nghề nghiệp.

Truyền lửa

Tuyên dương 118 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2013

Tối 19-11, 118 thầy cô giáo từ 35 tuổi trở xuống đã được Thành đoàn TP.HCM vinh danh và trao thưởng danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2013. Nay nay có 518 hồ sơ của các trường học từ mầm non đến đại học trên địa bàn TP.HCM tham gia xét chọn danh hiệu này. Trong đó, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) có số thầy cô đoạt giải đông nhất với 11 người.

Đây là lần thứ sáu Thành đoàn xét tặng danh hiệu này, trong đó thạc sĩ Võ Trung Tín (ĐH Luật TP.HCM) nhận giải thưởng sáu lần liên tiếp, giảng viên Tống Xuân Tám (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận năm lần. Ngoài ra còn có 10 thầy cô giáo được trao danh hiệu này ba năm liên tiếp.

Vẫn lối nói chuyện sang sảng và đầy cảm hứng như những giờ giảng văn học trên lớp, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ với mọi người cơ duyên ông đến với nghề giáo. Ông kể cuộc đời mình may mắn khi gặp được rất nhiều ông thầy tốt.

Ấy là lời khuyên ông hãy về quê dạy học của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ấy là ông thầy đã tặng ông cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Ấy là ông thầy lén tặng ông cuốn sổ tay chép lại rất nhiều bài thơ của phong trào Thơ mới hoàn toàn bị cấm lúc đó. Ấy là GS Hoàng Như Mai đã dẫn ông đến với ngành giáo dục tại TP.HCM. Và ông trăn trở: “Những người thầy vĩ đại đã truyền cho tôi ngọn lửa yêu nghề, sao tôi lại không thể truyền cho người khác?”.

Một sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM hỏi thầy Ký: “Điều gì khó khăn nhất trong cuộc đời dạy học mà thầy đã vượt qua?”. Ông đáp lời: “Buổi học đầu tiên tôi không viết một chữ nào lên bảng vì không thể dùng chân viết, như thế là sai mô phạm. Nhưng học trò của tôi tiếp thu tốt. Nên quan trọng của người thầy không phải là viết gì lên bảng mà phải là viết được gì trong tâm hồn học sinh”.

Và ông khuyên: “Phải tạo được tâm thế của người dạy và người học. Thầy cô đến lớp bằng sự háo hức chứ không phải tâm lý nặng nề, dạy cho hết tiết. Để có một tiết dạy hoàn chỉnh, mỗi chúng ta phải chuẩn bị có khi là 15 tiết trước đó”.

Trước câu hỏi “Thầy muốn nhắn nhủ gì với thế hệ nhà giáo hôm nay” của giảng viên Tống Xuân Tám (ĐH Sư phạm TP.HCM), thầy Ký nói ngay: “Các bạn phải biết chấp nhận và hi sinh khi chọn nghề giáo”.

Ông lý giải: “Mỗi người thầy phải mẫu mực hóa không chỉ trong bài giảng mà từ ngay cuộc sống, dạy bằng chính hành động chứ không chỉ giảng bằng lời. Lên lớp phải là bước vào thế giới của niềm vui, đến với cái đẹp chứ đừng bao giờ mang chuyện buồn gia đình, ngoài đường rồi trút giận lên học trò kiểu “giận cá chém thớt”. Cũng đừng bước lên bục giảng mà không biết hôm nay sẽ dạy bài gì. Thầy phải có cái uy của người thầy để học trò nể nhưng đi kèm với uy phải luôn luôn là chữ tín, thầy hứa gì với trò mọi cách phải làm cho bằng được”.

Và cùng giữ lửa

Một nhà giáo tương lai phân vân: “Có trường hợp giáo viên mới ra trường dạy thêm bị bắt, không cho dạy nhưng lương không đủ sống, chúng ta phải nghĩ đến việc dạy thêm chứ!”. Không đồng ý, nhà giáo trẻ Trần Đình Dũng (THCS Đức Trí, Q.1), cho rằng không nên nghĩ đến việc dạy thêm ngay từ lúc còn chưa trở thành nhà giáo bởi “nếu bạn nỗ lực hết mình, hoàn thành việc học thật tốt chắc chắn sẽ được đền bù xứng đáng vì nếu kết quả tốt nghiệp cao, bạn hoàn toàn có quyền chọn nhiệm sở”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký bổ sung: “Dạy học là nghề sáng tạo của sáng tạo, quá trình dạy là không ngừng sáng tạo nên trước khi trở thành người thầy, các bạn phải biết học, biết mình”.

Khá nhiều sinh viên sư phạm cùng băn khoăn liệu nên làm một nhà giáo nghiêm khắc để học sinh sợ hay gần gũi, thân thiện để trò có thể chia sẻ với mình mọi chuyện. Cô giáo Bùi Thị Thùy (THPT Lê Thánh Tôn, Q.7) bày tỏ: “Tùy vào thực tế lớp học để mỗi thầy cô cần nghiêm hay tạo thân thiện ngay từ đầu”.

Kinh nghiệm của cô Thùy là luôn dẫn dắt học sinh vào bài bằng những câu chuyện, trò sẽ bớt căng thẳng, kết bạn trên Facebook để có thể biết học trò mình đang nghĩ gì và khi đi chơi cô với trò luôn hết mình nhưng luôn phải có nội quy của lớp học khi đứng trên bục giảng.

Và câu chuyện của bàn tròn ấy còn là thắc mắc mất bao lâu nhà giáo mới đủ tự tin và bản lĩnh đứng lớp. Thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo (THPT Marie Curie, Q.3) chia sẻ: “Có nhiều nỗi lo với một nhà giáo trước khi ra trường nhưng các bạn hãy tin bốn năm học giúp chúng ta đủ kiến thức, bản lĩnh để làm một người thầy, đừng bao giờ mất tự tin vào chính mình”.

Anh Bảo động viên: “Khi thực tập, các bạn hãy mạnh dạn hỏi các thầy cô tại nơi thực tập vì đó là quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế. Cũng đừng ham dạy quá nhiều khi mới làm nghề và không ngại học sinh đánh giá mình. Chính học sinh sẽ là người đánh giá đúng nhất quá trình giảng dạy giúp người thầy dần hoàn thiện mình”.

Đến với cộng đồng

Các thầy cô giáo khối THPT được tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2013 đã đến tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp tại Trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM). Thông qua các trắc nghiệm về tính cách, xu hướng, các thầy cô đã tư vấn cho từng trường hợp để giúp các bạn định hướng, lựa chọn nghề phù hợp.

Ngoài tư vấn tại chỗ các thầy cô đều để lại thông tin và sẵn sàng tư vấn qua điện thoại, email khi các bạn có nhu cầu, vào bất kỳ lúc nào, cả tư vấn tâm lý, tình cảm riêng tư chứ không riêng việc học với mong muốn giúp các bạn tự tin nhất khi vào đời.

Trong khi đó, giảng viên trẻ các trường ĐH, CĐ đã đến tham quan Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Củ Chi để hiểu hơn định hướng, chính sách phát triển của TP.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hướng về ngày 20-11, nhiều “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” TP.HCM các năm qua cùng đóng góp, vận động để tặng học bổng cho các học sinh nghèo tại Bến Tre với tổng số tiền 56 triệu đồng. Tham gia tư vấn tâm lý, kỹ năng sống cho học sinh, tặng ba máy tính cho các đồng nghiệp khó khăn tại Bến Tre và hai tủ sách với hơn 500 đầu sách cho học sinh.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên