11/03/2015 09:05 GMT+7

Thắp lên niềm đam mê khoa học

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Học sinh không chỉ có sách vở và trường lớp. Những niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn vượt xa hơn thế khi đang có rất nhiều học sinh chủ động khám phá những điều mới mẻ nhưng thực tế.

Mùi Văn Cương đến từ Trường THCS Tạ Khoa, Sơn La với chiếc máy giặt đa năng không cần sử dụng điện - Ảnh: N.Khánh

Những ngày qua ở Bắc Ninh, học sinh từ 30 sở GD-ĐT (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) cùng với ba trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT với tổng số sản phẩm dự thi là 205 của 371 học sinh THPT và THCS thuộc 15 lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã nói lên điều đó.

Nghĩ về những điều có ích

Tại hội thi, nhiều người chú ý hai cô học sinh bé nhỏ đến từ Lai Châu - địa phương xa xôi, khó khăn - lần đầu tiên có mặt tại sân chơi trí tuệ này. Đó là Dương Minh Ngọc và Lý Uyển Nhi. Nhanh nhẹn, thân thiện và giải thích một cách mạch lạc về sản phẩm, hai cô bé học sinh lớp 9 Trường THCS Đoàn Kết khiến nhiều khách tham quan ngạc nhiên với đề tài của mình: “Ứng dụng dung dịch chiết xuất từ lá cải tím làm chất chỉ thị màu”.

Chiều 10-3, ban tổ chức đã công bố giải thưởng với ba giải nhất được trao cho các đề tài: “Thiết bị đưa nước lên cao dùng sức nước” (máy bơm áp lực cao dùng sức nước) cho Nguyễn Tuấn Hùng (Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình), “Quy trình xanh chuyển hóa phế phụ phẩm nông nghiệp thành nhựa sinh học” cho Đinh Bảo Ngọc (Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm, Hà Nội), “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm” cho Nguyễn Quang Minh (Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Ngoài ra còn có 15 giải nhì và 21 giải ba được trao cho các dự án ở nhiều lĩnh vực.

“Cây cải tím ở quê em rất nhiều và là thứ rau ăn hằng ngày mà mọi đứa trẻ đều quen thuộc. Nước rau cải tím luộc lên, vắt chanh vào có màu đỏ, vị chua dễ chịu. Khi thầy cô gợi ý cho học sinh tìm đề tài nghiên cứu khoa học, Nhi nhớ ngay đến nước rau cải tím và trao đổi với em” - Ngọc cho biết.

Dung dịch từ cây cải tím này có khả năng sử dụng vào việc kiểm tra độ kiềm hay độ chua của đất, giúp người nông dân biết rõ tình trạng của đất để tiện việc trồng trọt. 

“Bình thường người dân phải tốn nhiều chi phí hơn để biết tình trạng đất, hoặc có khi cứ trồng cây, chờ cây lớn lên, nhìn vào đó mới biết tình trạng đất. Chúng em thấy như thế lãng phí thời gian, công sức quá. Với sản phẩm này, chúng em rất hi vọng được hỗ trợ nhân rộng để có thể thật sự mang một điều có ích cho những người dân quê em” - Ngọc chia sẻ.

Ngọc và Nhi đều thừa nhận sản phẩm của các em đơn giản, có thể khó cạnh tranh với những công trình nghiên cứu quy mô hơn của các bạn ở thành phố nhưng “chúng em vui vì đã và đang làm một việc có ích. Ít nhất điều đó khiến chúng em nhen nhóm ước mơ được tiếp tục học, nghiên cứu, ứng dụng”.

Trong khi đó hai học sinh Nguyễn Thị Hồng Ngọc và Hoàng Thị Mai, lớp 11 Trường THPT Tam Dương, Vĩnh Phúc thì “hi sinh” cả một kỳ nghỉ hè vui vẻ để “chọn một đề tài có thể ứng dụng kiến thức là điểm mạnh của mình. Nhưng điều đó cũng phải gắn với cuộc sống xung quanh, có khả năng mang lại lợi ích cho mọi người”. 

Thế là Mai và Ngọc hì hụi cả ngày với đống tài liệu, sách vở, rồi phơi nắng ở “hiện trường” để thử nghiệm việc xây dựng hệ thống cảnh báo đất lở.

“Ở quê em tuy chưa có sự cố nào gây hậu quả lớn nhưng mùa mưa tình trạng lở đất khá nhiều và cũng trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người. Bởi vậy chúng em chọn đề tài này. Ứng dụng kiến thức vào nghiên cứu khoa học là đam mê nhưng cũng là một cách thể hiện mong muốn của chúng em vào một việc có ích” - Ngọc nói.

Đề tài “Thiết bị đưa nước lên cao dùng sức nước” của Nguyễn Tuấn Hùng (Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) đoạt giải nhất hội thi - Ảnh: N.Khánh

Những ứng dụng thú vị

Gian trưng bày sản phẩm của Nguyễn Văn Hoan, cậu học sinh lớp 11 Trường THPT Lạng Giang, Bắc Giang, cũng được nhiều người tìm đến tại hội thi năm nay. Lý do vì em từng là “chàng trai bé hạt tiêu” nổi tiếng ở hội thi năm 2013 với ba giải thưởng cho sản phẩm “Băng tải tự xúc”. 

Nếu ý tưởng làm “băng tải tự xúc” xuất phát từ việc muốn cha mẹ đỡ vất vả hơn thì ở hội thi này “robot cứu hộ đa năng” là mong ước của Hoan với mục đích “có thể cứu giúp được nhiều người trong các sự cố hỏa hoạn, đuối nước, lũ lụt với ưu điểm là có thể di chuyển cả trên cạn và dưới nước, khắc phục được một số hạn chế của thiết bị cứu hộ hiện nay”.

Không còn vẻ hồn nhiên của cậu bé lớp 9 năm nào, Hoan suy nghĩ nhiều hơn cho sản phẩm mới của mình. So với sản phẩm robot cứu hộ mà em thử nghiệm hồi cuối năm 2014, Hoan đã thay thế một số chi tiết, chất liệu với mục đích để robot di chuyển nhanh, vật liệu rẻ hơn. Đề tài này đem về giải nhì cho Hoan trong hội thi năm nay.

Hầu hết học sinh tại hội thi đều cho biết các em đã phải tranh thủ tối đa giờ nghỉ để đến phòng thí nghiệm, ra hiện trường, đến các nhà máy, công ty nơi cần quan sát, học hỏi để phục vụ đề tài của mình. Từ chỗ không mường tượng ra những thiết bị thí nghiệm, các em phải học cách sử dụng thành thạo.

Có những đề tài đòi hỏi việc thực hiện thử nghiệm phải cực kỳ chính xác, tỉ mỉ và tuân thủ đúng quy trình, nguyên tắc. Thất bại nhiều lần giúp các em tự tìm ra lý do để khắc phục, để điều chỉnh.

Phần lớn các em học sinh mất 3-5 tháng cho việc nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm tham dự hội thi. Trong đó có những sản phẩm từng được các em thực hiện chưa thành công hoặc đã có giải nhưng nâng cấp, phát triển cái mới.

Trần Minh Tâm - học sinh Trường THPT Minh Khai, Hà Nội - có một đề tài nghiên cứu khiến nhiều người trầm trồ vì tính chất phức tạp với những kiến thức vượt ra ngoài những gì em được học trong nhà trường, đó là “Nghiên cứu thu nhận collagen từ gân và da bò bằng collagenase từ sinh vật và thực vật, định hướng ứng dụng trong băng gạc điều trị vết thương hở”.

Đề tài này giúp Minh Tâm đoạt giải nhì lĩnh vực và giải nhì toàn cuộc trong hội thi cấp thành phố. May mắn có mẹ là một tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Minh Tâm được mẹ giới thiệu thầy hướng dẫn. 

Bắt đầu chỉ là sự tò mò khi thấy lò mổ ở cạnh trang trại của bố mẹ vứt bỏ nhiều gân, da bò gây ô nhiễm môi trường, Minh Tâm muốn làm gì đó để tận dụng gân, da bò và chống ô nhiễm. Nhưng ý muốn của em đã vấp phải quá nhiều khó khăn.

“Chỉ riêng việc tạo màng collagen, em đã nhiều lần thất bại bởi không chỉ tính toán tỉ mỉ mà còn phải đạt độ vô trùng tuyệt đối. Vốn là học sinh chỉ học tốt môn văn, việc làm quen với thiết bị thí nghiệm với em thật khó. Nhưng khó mà làm được khiến em bắt đầu thấy say mê và muốn tiếp tục” - Tâm kể.

Cũng như Tâm, Lương Thị Ngoan - học sinh Trường THPT Vân Tảo Hà Nội - chưa từng bao giờ nhìn thấy thiết bị chưng cất chiết xuất dung dịch.

“Thấy bà hay dùng lá lốt chữa đau xương, em muốn chế lá lốt thành sản phẩm để điều trị bệnh này. Ban đầu em định nấu thành cao nhưng không thành. Rồi em tán nhỏ thành bột, chế phẩm cũng khó bảo quản do ẩm mốc... Cuối cùng nhờ sự gợi ý của cô giáo, em mới nghĩ đến quy trình chưng cất qua hơi nước.

Để thực hiện em phải đọc nhiều tài liệu về cách sử dụng thiết bị, làm thử bằng nước bình thường rồi mới làm thật. Không phải việc dễ như em tưởng, nhưng nó là bài học thật thú vị” - Ngoan nhận xét.

Gắn với thực tiễn cuộc sống

Dự án “đèn giao thông thông minh” của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với mong muốn ứng dụng tại các điểm giao thông đồi núi có địa hình hiểm trở và các cung đường khuất tầm nhìn - Ảnh: N.Khánh
Không chỉ khuyến khích học sinh làm quen và đam mê nghiên cứu khoa học, hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức hằng năm trong ba năm qua đã và đang góp phần thay đổi cách dạy học, chuyển từ dạy học chủ yếu truyền thụ một chiều sang dạy học tích cực, phát huy sáng tạo của học sinh, gắn dạy học với thực tiễn cuộc sống, học tập và nghiên cứu, thực hành, ứng dụng, gắn nhà trường phổ thông với trường ĐH và các cơ sở nghiên cứu khoa học, sản xuất
Ông PHẠM VŨ LUẬN (bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên