Nhân viên nhà mạng chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật để đối phó việc thiếu băng tần, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ 4G vào các dịp cao điểm - Ảnh: T.H.
Hiện VN đang làm 4G trên băng tần được cấp cho 2G, 3G nên không thể đạt được tốc độ như mong muốn, dẫn đến chất lượng dịch vụ 4G thấp hơn.
Chất lượng 4G bị hạn chế
Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng thế hệ thứ 4 (4G) đã được Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cấp cho các doanh nghiệp viễn thông tháng 10-2016. Đến nay, ngoại trừ Gmobile, 4 trong tổng số 5 nhà mạng tại VN hiện đã cung cấp dịch vụ 4G. Theo thống kê của các nhà mạng, hiện cả nước có khoảng 30 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 4G, bao gồm cả các thuê bao di động và thuê bao chỉ sử dụng gói data 4G. Trong đó, Viettel chiếm khoảng 50%.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, lưu lượng dữ liệu trao đổi trung bình qua mạng di động tại VN hiện cao gấp đôi so với năm 2016. Sóng 4G đã phủ toàn bộ lãnh thổ VN. Tuy nhiên, thực tế lưu lượng băng thông dùng cho 4G trên băng tần 1.800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ 4G.
Hiện tốc độ trung bình Internet của VN đứng thứ 75 trên thế giới. Theo số liệu được Tổ chức Open Signal công bố, tốc độ kết nối 4G của VN năm 2018 xếp thứ 46 trên tổng số 88 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng tốc độ 4G của Open Signal.
Băng tần 1.800 MHz mà các doanh nghiệp đang triển khai 4G hiện nay không đủ để nhà mạng cung cấp 4G chất lượng tốt.
Ông Hoàng Sơn (phó tổng giám đốc Viettel)
Lãng phí vì thiếu băng tần
Trong khi đó, các nhà mạng đều đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm tổ chức đấu giá băng tần 4G hoặc cho doanh nghiệp được mượn băng tần 2,6 GHz để cung cấp dịch vụ 4G. Trong một hội nghị ở Bộ TT&TT, ông Hoàng Sơn - phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - khẳng định băng tần 1.800 MHz đang triển khai 4G hiện không đủ để cung cấp 4G chất lượng tốt. Ông Sơn kiến nghị nếu chưa đấu giá được 4G thì cho doanh nghiệp mượn băng tần 2,6 GHz và vẫn đóng phí tần số như quy định để đảm bảo chất lượng 4G.
Ông Sơn nhấn mạnh nhu cầu có thêm băng tần để đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2,6 GHz đang bỏ không, gây lãng phí. Đây là lần thứ 4 Viettel chính thức kiến nghị cấp thêm băng tần cho 4G. Không chỉ có Viettel, đại diện VNPT cũng cho rằng rất cần mở rộng thêm băng tần để đảm bảo chất lượng cho dịch vụ 4G và từng bước thử nghiệm 5G.
Bộ TT&TT cũng đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2,6 GHz và hiện có bốn doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép triển khai mạng 4G đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép. Vì vậy, đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành đấu giá được băng tần 4G.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho hay về cấp phép băng tần 2,6 GHz, Bộ TT&TT đang xin ý kiến Bộ Tài chính về xác định giá trị tài sản. Theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, họ đã sử dụng băng tần này rất sớm để khai thác hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ việc cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng cấp phép khai thác băng tần 2,6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.
Gỡ cho 4G, tiến tới 5G
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT vừa qua, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, đề xuất thúc đẩy các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TT&TT phát triển, trong đó có vấn đề giải phóng băng tần 4G. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2,6 GHz để nâng chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G.
Ngay sau đó, người đứng đầu Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ cần tháo gỡ khó khăn trong cấp phép băng tần. Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ sớm cấp phép tần số để các doanh nghiệp tiến hành triển khai mạng di động 4G. Riêng đối với 5G, cần phải quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm ngay dịch vụ 5G tại VN. "Đây là nhiệm vụ mà Bộ TT&TT sẽ ưu tiên triển khai trong những tháng còn lại của năm 2018" - quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo lộ trình mà Bộ TT&TT từng đưa ra, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ chỉ được cấp một giấy phép 4G ở băng tần 2,6 GHz. Các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong lần đấu giá này không chỉ có các mạng di động hiện nay mới có quyền tham gia mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông cũng có thể tham gia đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G. Như vậy, ngoài các nhà mạng thì hàng loạt doanh nghiệp khác như FPT, CMC... cũng có thể tham gia đấu giá.
13 triệu thuê bao di động 4G
Theo Bộ TT&TT, sau hơn 1 năm triển khai, cả nước hiện có hơn 13 triệu thuê bao băng rộng di động 4G phát sinh lưu lượng qua mạng. Trong đó, riêng Viettel có khoảng 7 triệu thuê bao đã đăng ký chuyển từ dịch vụ 3G sang 4G. Số thuê bao này chiếm gần 30% tổng số thuê bao di động và tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Chất lượng sẽ tăng, chi phí giảm
Theo một nguyên lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện, 4G khác căn bản 3G ở tốc độ truy cập mạng. Tốc độ truy cập lại phụ thuộc vào độ rộng của băng tần. Vì vậy, phải có thêm băng tần là việc tối cần thiết để có dịch vụ 4G đảm bảo chất lượng. Nếu không, thuê bao chỉ có thể dùng 4G để lướt web hoặc có chất lượng tốt khi ở gần các trạm BTS.
Thiếu băng tần như hiện nay sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ muốn đảm bảo chất lượng 4G phải "cấy" thêm nhiều trạm BTS, như vậy là đầu tư lãng phí khi có băng tần không sử dụng.
Việc cho phép sử dụng băng tần 2,6 GHz để khai thác 4G sẽ trực tiếp giúp 4G có tốc độ cao hơn, sử dụng được các ứng dụng mạng tốt hơn, đặc biệt là ở những nơi có mật độ người sử dụng lớn. Nhà mạng cũng cung cấp được 4G chất lượng với giá đầu tư hợp lý hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận