Chiều 15-8, ông Nguyễn Văn Nghĩa - giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư) - cho biết đang tổ chức đào rãnh, khoan sâu tháo nước ngầm trong quả đồi 1 triệu m3, tránh nguy cơ hồ Đắk N'ting (Đắk Glong, Đắk Nông) vỡ đập.
Đập hồ Đắk N'ting vẫn lún nhẹ
Theo ông Nghĩa, sau khi xảy ra sự cố sạt trượt khiến đập tràn hồ thủy lợi Đắk N'ting bị nứt lún, xô lệch, đơn vị đã thường xuyên tổ chức quan trắc độ lệch các vị trí lệch, mực nước thấm qua thân đập.
Ông Nghĩa cho biết tin vui là hiện nay thời tiết khu vực này suốt 7 ngày nay nắng, khô ráo nên công tác xử lý các vết sạt trượt thuận lợi hơn. Trên quả đồi phía vai phải bờ đập (khối trượt) gần như không có sự xê dịch và xuất hiện ba vị trí nước ngầm nhưng lưu lượng không thay đổi so với các ngày trước đó.
Cũng theo ông Nghĩa, tại bờ đập thì các vị trí quan trắc cho thấy không có sự thay đổi nhiều, chỉ có sự lún nhẹ 0,3-1,3cm. Đối với vị trí cầu qua đập tràn bị nứt, xô lệch cũng bị ảnh hưởng nhẹ, bị dịch chuyển thêm 1,8cm, lún 0,8cm. Như vậy, so với vị trí ban đầu, tràn xả lũ bị dịch chuyển về phía đập đất gần 106cm.
Ngoài ra, việc thấm nước tại các vị trí trên thân đập gần như không có, mực nước hồ đang hạ dần.
Tháo nước ở quả đồi 1 triệu m3
Để tránh nguy cơ vỡ đập do sức dồn từ quả đồi hơn 10ha, phía vai phải bờ đập, các đơn vị chức năng đang tập trung "tháo ngòi" của khối tụ thủy trong khối trượt này.
Theo ông Nghĩa, các đơn vị thi công đang thực hiện việc đào rãnh bằng thủ công, máy móc để thoát nước mặt trên quả đồi. Đồng thời thực hiện việc 'vá' các vết nứt bằng cách đầm trám các khe hở không cho nước chảy xuống.
Theo đó, đơn vị thi công phải hoàn thành đào 100 rãnh, tổng chiều dài 850m trên bề mặt của quả đồi để thoát nước. Đồng thời sẽ tổ chức khoan 7 lỗ sâu (30-50m) vào quả đồi để thoát nước ngầm.
"Đơn vị cũng tổ chức khoan, cắt sâu vào tràn xả lũ để hạ mực nước, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du", ông Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận