Thành phố Tây Ninh đang làm cùng lúc các kế hoạch đầu tư công trung hạn theo giai đoạn và đầu tư hạ tầng theo định hướng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của đô thị loại II.
Vào năm 2013, thị xã Tây Ninh được công nhận là thành phố. Đến nay, UBND thành phố Tây Ninh đã và đang cùng các bên liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất.
Tây Ninh sẽ sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định xét, công nhận thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 giúp địa phương xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống..
Về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có 16 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I).
3 đô thị loại III là Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông), 5 đô thị loại IV là Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng), 7 đô thị mới loại V là Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên, Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.
Riêng về phát triển thành phố Tây Ninh được tỉnh đánh giá là vùng trung tâm, ưu tiên. Tuy nhiên trong thời gian xây dựng đô thị, ngoài những thuận lợi đã có và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, thì thành phố Tây Ninh cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng như đầu tư mở rộng các đường giao thông đúng lộ giới, giao thông kết nối khu vực, hệ thống xử lý nước thải, công viên cây xanh cảnh quan… khi triển khai đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn.
Do đó để đáp ứng các yêu cầu đô thị loại II, thành phố Tây Ninh đang làm hiệu quả các dự án lớn, ưu tiên các dự án xử lý nước thải đô thị và khẩn trương làm đề án chống ngập.
UBND thành phố sẽ đề xuất với tỉnh một số tuyến đường chính đầu tư ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đến năm 2023. Đồng thời đầu tư chỉnh trang các tuyến phố có tiềm năng, phù hợp phát triển kinh tế đêm.
Hiện nay, thành phố Tây Ninh cũng đã và đang đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo định hướng phát triển đáp ứng yêu cầu đô thị loại II. Đồng thời điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phân khu, thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới và sớm làm dự án xây dựng quảng trường trung tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tây Ninh có nhiều tiềm năng phát triển
Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 5 vừa qua ở tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Tây Ninh cần khai thác thế mạnh là điểm kết nối vùng Đông Nam Á.
Theo Thủ tướng, Tây Ninh là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp của vùng Đông Nam Á, hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có dư về tài nguyên đất, nước ngọt, không thiên tai và nguồn lực con người dồi dào nên phải khai thác tất cả những tiềm năng này.
Về quy hoạch, Tây Ninh đã xác định được mục tiêu, giải pháp, có nhiều điểm sáng vì vậy cần xây dựng thêm cách thực hiện, ưu tiên rõ việc nào cần làm trước. Tăng cường phát triển hạ tầng giao thông, tập trung vào các dự án lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận