Hội quán đầu tiên của Tây nguyên được tổ chức tại trung tâm thị xã An Khê, Gia Lai, trở thành điểm check in cho người dân dịp tết - Ảnh: B.D
Những ngày này, công viên Ao cá Bác Hồ ở trung tâm thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai nườm nượp người. Những dãy bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thư pháp do những thanh niên các ngôi làng tại thị xã An Khê đã được đưa về bày biện.
Không gian chung của người trẻ
Câu chuyện của Hội quán Thanh niên do nhóm bạn trẻ - đa phần hoàn cảnh khó khăn - được mở tại vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm thị xã An Khê cũng là minh chứng cụ thể cho sự cổ vũ của chính quyền đối với khát khao làm ăn lập nghiệp ngay trên quê hương.
Lê Đức Trí - bí thư Đoàn phường Ngô Mây - cho biết nhóm Thư pháp Tre Việt của anh tập hợp và duy trì hoạt động từ nhiều năm nay. Từ lâu, nhóm luôn mong muốn sẽ có một "vườn chơi" đủ rộng, đủ không gian thoải mái để tập hợp nhau lại trình diễn, giới thiệu sản phẩm cho khách.
Sản phẩm của các thành viên hội quán bày biện và giới thiệu cho khách - Ảnh: B.D
Giữa năm 2019, khi được lãnh đạo thị xã An Khê mở lời về vườn ươm khởi nghiệp - mô hình hội quán vốn rất thành công tại tỉnh Đồng Tháp, các thành viên Tre Việt đã lên ý tưởng rồi thông qua Thị đoàn An Khê mở hội quán khởi nghiệp tại khuôn viên Ao cá Bác Hồ - vị trí "vàng" tại trung tâm thị xã An Khê.
"Lúc trình ý tưởng, anh em không có nhiều vốn, nên 5 thành viên bàn nhau góp lại mỗi người 40 triệu để có 200 triệu đầu tư mở hội quán. Khi được bố trí hội quán ngay view hồ trung tâm thị xã - một khu đất đắc địa, anh em đều rất phấn khởi", anh Lê Đức Trí nói.
Hơn cả một "món quà lớn"
Lý do chọn cái tên "Hội quán", theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị uỷ An Khê, tỉnh Gia Lai, là mô hình này đang rất thành công ở Đồng Tháp. Hội quán của nhóm Tre Việt với 5 thành viên, mỗi người một mảng gồm anh Lê Đức Trí (34 tuổi), Trần Khương Minh (36 tuổi), Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Khúc Việt và Võ Chí Khanh.
Hội quán không lúc nào vãn khách - Ảnh: B.D
Mọi công việc của hội quán được gấp rút. Các thành viên Hội quán tự tay hàn sắt, dựng khung, mua tranh tre về dựng quán để tiết kiệm chi phí. Ngày 9-1, những dãy lều nhỏ được dựng lên dọc khuôn viên hồ trung tâm, hội quán có tổng diện tích hơn 200 m2 đã nườm nượp người ngay trong ngày đầu khai trương.
Khuôn viên nơi thị xã bố trí cho mở hội quán Tre Việt là đất vàng. Nhiều doanh nghiệp đã tới và đặt vấn đề thuê nhưng chúng tôi quyết tâm dành cho người trẻ khởi nghiệp. Suy cho cùng, sự thành công lớn nhất của một bộ máy chính quyền là làm sao mỗi người dân đều có được sinh kế
bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - bí thư Thị uỷ An Khê, Gia Lai
"Mọi thứ ngoài mong đợi"
Từ thời điểm khai trương tới nay Hội quán Thanh niên của nhóm người trẻ thị xã An Khê không lúc nào ngớt khách. Người dân thấy ngay ở thị xã mình có một hội quán được tổ chức y hệt như mô hình "chợ quê hoài cổ", với các ông đồ bận áo dài khăn đóng, miệt mài viết thư pháp cho người xem chợ thì tới rất đông. Hàng của các thành viên bày bán ra tới đâu được mua hết tới đó. Trẻ con lẫn người lớn kéo nhau ra để xem "ông đồ", mua hoa, sắm tết.
Sản phẩm thủ công của thanh niên địa phương - Ảnh: B.D
Các thành viên hội quán trực tiếp pha chế, phục vụ khách tới tham quan, vừa là người làm ra các sản phẩm mỹ nghệ - Ảnh: B.D
"Thấy bà con tới đông vui quá, tụi em còn bán thêm cả cà phê, nước uống, thuê thêm 15 nhân viên làm, nhưng ngày nào cũng chạy mướt mồ hôi từ 6h cho tới khuya. Không kể tiền thư pháp, chỉ riêng tiền nước uống, cà phê mỗi ngày bán được không dưới 5 triệu đồng. Đây là mức doanh thu mà anh em chưa từng nghĩ tới, mọi thứ ngoài mong đợi", anh Trần Khương Minh khấp khởi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận