01/10/2021 07:56 GMT+7

Thanh Như đã vượt được COVID-19

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Hết ca làm ở xưởng nấu ăn dành cho F0 ở Khu chế xuất Tân Thuận, chúng tôi mới nói chuyện được với Như. Nhắc đến mẹ, cô bé chỉ còn rưng rưng nước mắt.

"Mình không thể là cô bé được ba mẹ úm nữa. Mình phải lớn, phải mạnh mẽ" - Video: TỰ TRUNG - PHẠM VŨ - HUỲNH VY - TRINH TRÀ - Video: TỰ TRUNG - PHẠM VŨ - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

Thanh Như đã vượt được COVID-19 - Ảnh 2.

Thanh Như tham gia hoạt động tình nguyện tại Công ty chế biến thực phẩm KCX Tân Thuận Q.7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Lách qua khe hẹp giữa tấm rào chắn barie và bức tường, con hẻm từ đường Đặng Thị Rành, phường Linh Tây, Thủ Đức vắng tanh, nhiều đôi mắt nhìn qua khe cửa.

Đến cuối hẻm, anh Bùi Văn Quanh ra đón, bùi ngùi nói: "Ba tháng nay, cô là người đầu tiên bước vào hẻm này...".

Căn phòng vắng 12m2

Ba tháng, anh còn nhớ rõ từng mốc thời gian. Con gái Bùi Thị Thanh Như thi tốt nghiệp phổ thông vừa xong, thành phố bắt đầu giãn cách chặt theo Chỉ thị 16. Quầy sữa đậu nành nổi tiếng khắp khu chợ Thủ Đức của anh và vợ nghỉ hẳn. Các gánh bánh, bún của những người trong xóm cũng vậy. 

Nghỉ bán, nghe tin chị gái ở Linh Trung bị bệnh, chị Trịnh Thị Mỹ Hạnh bảo chồng chở đi thăm. Vài ngày sau chị bắt đầu ho, sốt, uống thuốc cảm không đỡ. Vài ngày nữa, biết tin chị gái mắc COVID-19, anh Quanh chở vợ đi xét nghiệm rồi trở về một mình, đóng cửa nhà. Chị Hạnh có kết quả dương tính, 51 tuổi, bệnh nền cao huyết áp, được giữ lại để đưa đến bệnh viện dã chiến.

Ngày nào anh và con gái cũng thay nhau gọi điện thoại. Ngày nào chị cũng trả lời: "Mẹ vẫn khỏe, bình thường, bớt ho, hết sốt. Con có điểm thi chưa?". 

Một tuần trôi qua. Tối ấy là thứ sáu, lúc chiều đã nói chuyện điện thoại rồi, nhưng đến khuya Như bảo ba: "Sao con thấy lo lắng, sốt ruột quá". Hai cha con lại gọi điện. Chị bắt máy, trả lời: "Mẹ khỏe. Chắc tuần sau mẹ sẽ được về, vừa lúc con biết điểm thi tốt nghiệp là vui".

7h sáng hôm sau, bệnh viện gọi điện báo tin: chị Hạnh đã ra đi trong giấc ngủ. Không có bàng hoàng nào hơn. Căn phòng trọ nhỏ xíu, bề bộn của cả gia đình ngập trong nước mắt. Rồi những tin dữ liên tiếp tới: anh trai, chị gái của chị Hạnh cũng đều ra đi. Kết quả xét nghiệm của anh Quanh, của Như, của hai em trai và nhiều người trong xóm trọ đều dương tính.

Nước mắt chưa kịp khô, bình tro cốt của chị Hạnh được đưa về. Không có chỗ nào đặt bàn thờ, anh Quanh để tạm lên nóc tủ lạnh, cắm nén nhang vào cái cốc. Mấy cha con nấu bữa cơm cúng mẹ. Cúng xong, đội chống dịch đến đưa cả nhà vào Bệnh viện dã chiến số 3.

"Ở đó 4 ngày, tôi và hai đứa nhỏ được về. Phòng trọ nhỏ vậy, chật chội vậy mà bỗng trống trải, hoang vắng. Bé Như bị sốc nặng vì sự ra đi của mẹ khiến sinh nhiều triệu chứng bệnh. Như phải ở lại bệnh viện dã chiến tới 25 ngày", anh Quanh buồn bã kể. 

Mãi đến cuối tháng 8, Như mới được trở về nhà. Rồi em nói với ba: "Nhà không có mẹ, con không chịu nổi". Như đăng ký vào chương trình tình nguyện ATM F0.

Anh Quanh lo lắng. Con chưa từng xa nhà, trước nay chỉ dựa vào cha mẹ, tâm trạng bất ổn, mất mát. Anh bảo: "Đi đâu có ba, có con. Nhưng còn hai em nhỏ nên ba không đi được, con ở nhà cho ba yên tâm". Nhưng Như cứ khóc mãi trong một góc phòng trọ.

Chị Phạm Thị Nga kể: "Tôi bán bánh quai vạt, vợ chồng Hạnh thì bán sữa đậu nành. Ở phòng trọ sát vách, chị em hủ hỉ thương nhau. Cả hai vợ chồng sống tốt lắm, nghèo nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang người khác. 

Hai đứa nhỏ cô gặp ở nhà đó, mỗi đứa là một xuất thân khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ cha mẹ đang đều phải đi thi hành án, mà án nặng. Bơ vơ, vợ chồng Hạnh mang về nuôi, cho ăn học, nhà chút xíu vậy vẫn đùm bọc chúng suốt từ nhỏ đến lớn. 

Đứa lớn Hạnh nuôi từ khi mới 8 tháng, nay đã học lớp 7. Đứa nhỏ mang về lúc nó học lớp 1, giờ đã lớp 5. Hạnh mất, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng thì đến lượt mình dương tính, rồi cả xóm. Điều trị xong rồi bé Như xin đi tình nguyện, tôi đi cùng để ba hắn yên tâm, mẹ hắn cũng yên lòng".

"Con lớn rồi, mẹ ơi"...

Trong một xưởng nấu suất ăn dành cho F0 ở Khu chế xuất Tân Thuận, Như được phân công khâu phân cơm, thức ăn vào hộp. Đã gần một tháng, bàn tay Như đã quen việc, thoăn thoắt giữa những khay cơm, khay thịt.  

Anh Minh Việt, quản lý bếp ăn, cho biết: "Hôm mới đến Như nhát lắm, không nói chuyện với ai. Nghe nói về biến cố lớn trong gia đình em nên ai cũng thương, cố gắng, kiên nhẫn giúp em cởi mở hơn. Đến hôm nay thì hòa đồng được với mọi người rồi, làm việc có trách nhiệm lắm...".

Hết ca làm việc chúng tôi mới có thể nói chuyện với Như. Cô bé đã thôi khóc. Nhắc đến mẹ, nước mắt chỉ rưng rưng. 

"Ba chắc không nói đâu, nhưng ba buồn lắm. Mẹ mất thật rồi, vẫn còn phước phần là được ra đi thanh thản trong giấc ngủ. Mình không thể là cô bé được ba mẹ "úm" nữa, mình phải lớn, phải mạnh mẽ. Khóc hoài, mẹ vẫn không sống lại được, ba lại suy sụp theo. Bữa giờ mình mới chỉ về nhà thắp nhang cho mẹ được mấy ngày. Tham gia hết chương trình ATM F0 này, mình sẽ về làm cơm cúng mẹ, xin phép ba mẹ một chuyện...". 

Như ngập ngừng rồi nói tiếp: "Khi đăng ký vào đại học (Như được xét tuyển thẳng với kết quả 3 năm cấp III là học sinh giỏi), mình đã đăng ký ngành sư phạm tiểu học nhưng đó lại không phải ước mơ, sở thích của mình. Đó là ước mơ của ba mẹ, mong muốn mình được làm cô giáo. Mẹ bảo làm cô giáo sẽ có cuộc đời bình yên, sẽ biết chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái. Ba bảo làm cô giáo sẽ được tất cả mọi người tôn trọng, lúc nào cũng được gọi là "cô". 

Thêm vào đó nữa là ngành sư phạm không phải đóng nhiều học phí. Vì vậy mà mình đã đăng ký sư phạm là nguyện vọng 1, còn những ngành mình thích, năng động hơn, thiên về kinh doanh hơn thì là nguyện vọng 2.

Mẹ mất rồi, mình định nghỉ một năm, xin đi làm để ba không phải lo, phụ ba nuôi hai em. Nhưng nay nếu được học bổng "Tiếp sức đến trường", mình muốn xin phép ba mẹ để chuyển ngành học sang logistics hoặc marketing. Những ngày làm việc ở đây đã giúp mình học hỏi và kiểm chứng xem công việc nào sẽ phù hợp với bản thân hơn".

Cô bé quả đã rắn rỏi lên nhiều sau biến cố, trưởng thành hơn sau khi tự tìm cho mình liều thuốc chữa lành bằng những ngày dấn thân tham gia vào cuộc chống dịch.

Được thông báo việc Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ sẽ có tên Bùi Thị Thanh Như, anh Quanh mới rơi nước mắt: "Mừng quá! Đúng là trước đây vợ chồng tôi ép con theo mình. Chúng tôi mơ nhà mình sẽ có một cô giáo. Ở nhà Như cũng dạy học cho hai em, nhưng hai đứa con trai nghịch phá quá làm con nản lòng. Giờ vợ mất rồi, nếu được giúp đỡ tôi sẽ cố gắng làm việc để giúp con đạt được mong ước của mình".

Anh suy tính về sự chông chênh của quầy sữa đậu nành "chị Hạnh" nay đã vắng chị. "Tôi lãnh việc xay đậu, nấu sữa. Vợ đứng bán, cột bao từng lít một khéo lắm. Sữa nóng vậy mà vợ chiết, cột rất nhanh, rất chắc. Giờ thiếu cô ấy rồi, chưa biết tôi sẽ phải tập bao lâu mới thành thục, làm được như vậy. Nhưng khó mấy cũng phải làm được, phải khôi phục như xưa để lo cho bé Như học đại học".

Chỉ mới 3 tháng mà trong gia đình ấy những thay đổi đã như trời - vực. Nhưng trời hay vực thì vẫn cùng nhau đón ánh nắng mặt trời...

Thanh Như đã vượt được COVID-19 - Ảnh 4.

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi đơn học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.

'Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học...'

TTO - Nhận tin cháu ngoại đậu đại học, bà Đặng Thị Khế rơm rớm nước mắt. Bà sợ ở tuổi 73, đôi chân già nua này chẳng còn đủ sức rong ruổi trên phố bán hàng rong được nữa. Tiền đâu cho cháu đi học bây giờ?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên