Chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên Đặng Ngọc Anh, đại biểu Phan Thị Hà Phước nói tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép vẫn diễn ra phức tạp, việc khai thác sai thiết kế, vượt công suất… gây bức xúc trong nhân dân; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng tuy có thực hiện nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Cấp phép khai thác khoáng sản chậm
"Trách nhiệm quản lý nhà nước trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản và quản lý sau cấp phép như thế nào? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh?" - đại biểu Phước đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Ngọc Anh cho biết thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý hoạt động khoáng sản, đặc biệt khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.
Về công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đối với dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam, đến nay sở đã tiếp nhận 14 hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, phương pháp, thiết bị… khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đã tham mưu UBND tỉnh cấp 12 bản xác nhận khai thác.
Để được khai thác khoáng sản, nhà thầu phải hoàn tất các thủ tục liên quan khác mới đưa mỏ vào khai thác như thỏa thuận với người sử dụng đất để hoàn thành thủ tục đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các mỏ thuộc đối tượng chuyển mục đích sử dụng rừng...
Vì thế, đến nay các nhà thầu mới khai thác được 7/12 điểm mỏ đã cấp bản xác nhận, trong đó 5 mỏ cát và 2 mỏ khai thác đất trên tuyến cao tốc.
Quản lý sau cấp phép thế nào cho hiệu quả?
Đối với công tác quản lý sau cấp phép, ông Ngọc Anh nói Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện nhiệm vụ "thuê dịch vụ lưu trữ, quản lý thông tin về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên".
Hệ thống này sẽ giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ thông qua hệ thống camera giám sát kết nối với trạm cân và truyền tải dữ liệu trực tiếp về các cơ quan quản lý như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND cấp huyện... và sẽ đưa vào hoạt động chính thức trong tháng 12-2023.
Về giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác kinh doanh, khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng chở vật liệu xây dựng bán ra ngoài công trình thi công, hoặc ở ngoài tỉnh, ông Anh cho biết UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt.
"Tỉnh đã thành lập 2 tổ liên ngành để thực hiện công tác kiểm tra tại các công trình trên địa bàn. Sau khi triển khai đã phát hiện, xử phạt một số công ty sai phạm khi khai thác, sử dụng cát đất thi công cao tốc Bắc - Nam.
"Việc tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất đều được UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt" - ông nói.
Tại phiên chất vấn, đại tá Phan Thanh Tám - giám đốc Công an tỉnh Phú Yên - khẳng định vừa qua rất nhiều doanh nghiệp vi phạm trong việc khai thác khoáng sản đã bị công an xử lý rất nghiêm, kể cả xử lý hình sự.
Công an tỉnh cũng tham gia với các đoàn liên ngành để tiếp tục phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên ông cũng nói có một số việc vượt quá thẩm quyền và chức năng của ngành công an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận