[OFFICIAL MV] CỨ MƠ THÔI - Thanh Bùi ft SOUL Club ft The Young Lyricist ft Dreams Family
Và nghệ sĩ Thanh Bùi - người dành nhiều tâm huyết và cũng là giám khảo của chương trình - cũng đã có những trải lòng xoay quanh chương trình này.
* Khi chưa ra mắt, ai cũng nghĩ Thần đồng âm nhạc sẽ khó tiếp cận với khán giả Việt. Nhưng đến nay, sau 5 tập phát sóng, chương trình lại khá thu hút và được yêu thích.
Anh có thể chia sẻ những khó khăn khi Việt hóa chương trình âm nhạc cổ điển cho trẻ em được mua bản quyền từ Đan Mạch này?
- Xây dựng một chương trình có tư duy âm nhạc hoàn toàn mới như Thần đồng âm nhạc - WonderKids tại Việt Nam thì khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Trong đó, khó nhất là chúng tôi phải tìm được sáu thí sinh thực sự có tài năng.
Thứ hai, là chúng tôi phải chọn và chuyển tải được những sản phẩm âm nhạc mang tính nghệ thuật đỉnh cao mà vẫn gần gũi với người Việt mình.
Điều này đòi hỏi chương trình phải được biên tập kỹ lưỡng về cả nội dung và hình thức thể hiện.
Một điều khó khăn nữa, chính là áp lực của các thí sinh khi phải học những tác phẩm khó trong thời gian ngắn.
Cứ mỗi tuần, các bé phải hoàn thành một thử thách khác nhau mà chương trình đặt ra, trong đó, việc phải kết hợp ăn ý cùng band, cùng nghệ sĩ khách mời để biểu diễn những tác phẩm khó là điều vốn không dễ dàng ở lứa tuổi của các em.
* Tên gọi "Thần đồng âm nhạc" của chương trình liệu có quá áp lực cho các thí sinh tham gia không?
- Không! Tôi không nghĩ vậy. Thần đồng âm nhạc là cách dịch sát nghĩa nhất của từ WonderKids mà thôi.
Chương trình không chủ trương loại thí sinh qua các đêm diễn nên tôi không cho đây là một cuộc thi.
Chúng tôi gọi đây là sân chơi để đào tạo ra những tài năng âm nhạc, thậm chí là thần đồng âm nhạc trong tương lai.
Tôi nghĩ áp lực lớn nhất không nằm ở chương trình mà chính là áp lực các em tự đặt ra với các em, đó là làm thế nào để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình sau cuộc chơi này.
Thanh Bùi
Nghệ sĩ Thanh Bùi trong chương trình Thần đồng âm nhạc - Ảnh: Purpose Media
* Vậy riêng anh có áp lực khi thực hiện chương trình này?
- Tôi nghĩ trong cuộc sống, làm bất kỳ việc lớn nhỏ gì cũng đều cần có ‘áp lực’ để lấy đó làm ‘động lực’ thực hiện.
Với tôi, thành công chỉ có 1% là tiềm năng, còn 99% là nỗ lực.
Thời sinh viên, tôi dùng tiền học bổng đầu tư cho phòng thu và làm việc điên cuồng để đảm bảo đạt được những mục tiêu của mình.
40 tiếng/tuần cho việc học và 40 tiếng/tuần cho chơi nhạc.
Trong khi bạn bè vui hưởng những kỳ nghỉ hè, tôi vẫn lao đầu vào học nhằm rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân từ 4 năm xuống còn 3 năm để tôi có thể nhanh chóng toàn tâm cho sự nghiệp âm nhạc.
Với Thần đồng âm nhạc - Wonderkids, tôi tự đặt áp lực với chính mình là làm thế nào để đưa chương trình vươn xa nhất có thể, đem âm nhạc cổ điển đến gần với khán giả nhất có thể.
Tôi tin, với mục đích tôn vinh những tài năng thực sự và nói không với scandal, tôi sẽ làm được.
* Một chương trình truyền hình muốn thu hút khán giả, ngoài yếu tố chất lượng vẫn luôn cần những chiêu trò. Với Thần đồng âm nhạc, anh thấy nên cần có chiêu trò hay không?
- Tôi nghĩ "chiêu trò" lớn nhất ở chương trình này chính là tài năng của các em.
Ở Thần đồng âm nhạc - Wonderkids, ban giám khảo chúng tôi muốn chấm điểm thấp hơn mà không thể thấp hơn được.
Vì sao? Vì các em thật sự tài năng, ngay cả nghệ sĩ dương cầm quốc tế lừng danh Adam Gyorgy đến tham gia chương trình cũng bất ngờ và công nhận các tài năng Việt này.
Chính sự tài năng, cái hồn, cái chất và sự say đắm trong âm nhạc của các em đã khiến cho nghệ sĩ quốc tế Vanessa Võ nhận lời làm giám khảo khách mời cho Thần đồng âm nhạc - Wonderkids tập 5 vừa qua.
Đây là lần đầu tiên chị ngồi ghế nóng trong một chương trình truyền hình tại Việt Nam.
Những người làm chương trình chúng tôi thật sự cảm thấy rất vinh dự vì chị từng đoạt giải Emmy và liên tục được mời làm giám khảo giải Grammy, chị cũng là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên biểu diễn tại Nhà Trắng.
Tôi chỉ thích "chiêu trò chất lượng" như thế.
Nghệ sĩ Thanh Bùi trong chương trình Thần đồng âm nhạc - Ảnh: Purpose Media
Kinh thánh có nói "Ai muốn lên thiên đàng thì phải đi qua cửa hẹp". Thiên đàng trong mơ ước của tôi hiện nay là Việt Nam sẽ đạt đến một nền tảng âm nhạc nghệ thuật bắt kịp với trình độ của thế giới.
* Chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids tôn vinh âm nhạc cổ điển trong khi thị hiếu của số đông là các dòng nhạc như pop hay gần đây là bolero. Vì sao anh lại muốn đi qua "cửa hẹp" như vậy?
- Đi qua cửa hẹp mới lên thiên đàng được! (cười to)
Tôi đã may mắn lớn lên ở một đất nước văn minh và có cơ hội đi qua nhiều nước có nền tảng âm nhạc rất mạnh như Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., do đó tôi thấy được sự khác biệt giữa nền âm nhạc Việt Nam và thế giới.
Nên biết là toàn bộ các thể loại âm nhạc chúng ta có ngày hôm nay đều có gốc rễ từ nhạc cổ điển.
Dù bạn chơi nhạc pop hay rock hay jazz, bạn cũng cần có nền tảng vững chắc, nghĩa là cần học hành bài bản, bắt đầu từ nhạc cổ điển, có như vậy bạn mới bay cao và bay xa.
Hầu như tất cả các nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đều học qua nhạc cổ điển. Khi hiểu được điều đó, mọi người sẽ hiểu chúng ta cần mạnh dạn bước qua nhiều "cửa hẹp" như chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids để xây dựng được những giá trị cốt lõi về âm nhạc cho thế hệ trẻ, từ đó mở ra con đường phát triển mới cho nền âm nhạc Việt Nam.
Trước khi muốn đưa các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, trước khi muốn tiếp cận với thế giới, chúng ta nên nhìn lại mình xem mình có đủ tư duy và đủ hiểu về nghệ thuật để sánh với người ta. Chỉ khi người Việt Nam mình tự nhận ra mình đang thiếu cốt lõi, nền tảng và những cái rất cơ bản thì mình mới hiểu các thế hệ trẻ hiện nay cần được giáo dục đúng đắn hơn về âm nhạc nghệ thuật để mình có thể tiếp cận thế giới và đưa ra những sản phẩm đại diện được cho nền văn hóa của mình.
Nghệ sĩ Thanh Bùi trong chương trình Thần đồng âm nhạc - Ảnh: Purpose Media K
* Khán giả Việt Nam vẫn biết đến anh như một nghệ sĩ pop. Vậy anh đã bước qua "cửa hẹp" cùng âm nhạc cồ điển ra sao?
- Giáo dục ở gia đình và nền tảng âm nhạc cổ điển là hai yếu tố quyết định tạo nên Thanh Bùi hôm nay.
Ba tôi thường bảo "Làm gì cũng phải có sự sắp xếp và tính nhẫn nại".
Còn mẹ tôi thì luôn nhấn mạnh rằng: "Một người không bỏ cuộc sẽ rất khó thua cuộc".
Cha mẹ tôi đã lao động cật lực đến hơn 12 tiếng mỗi ngày để có tiền cho anh em tôi học nhạc, hầu hết là thể loại cổ điển: jazz ballet, hát thính phòng, chơi piano cổ điển…
Những năm tháng học hành bài bản với âm nhạc cổ điển không chỉ cho tôi kiến thức về âm nhạc mà còn giúp tôi phát huy khả năng sáng tạo và đặc biệt là tính kỷ luật, có tổ chức.
Chính âm nhạc cổ điển là nền tảng vững chắc giúp tôi phát triển những hoạt động sau này.Lẽ ra thì với hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi lúc ấy, cha mẹ tôi chẳng dám nghĩ tới việc cho con học nhạc.
Tất cả xuất phát từ một giấc mơ kỳ lạ. Lúc ấy ba tôi đang mong có thêm con gái. Một đêm nọ, ông bỗng mơ thấy hình nốt nhạc. Tỉnh dậy ông bảo mẹ tôi: "Thôi mình không nên có con gái nữa, để dốc sức lo cho hai đứa con trai và cho chúng học nhạc".
Trở về Việt Nam, tôi như nhìn thấy chính mình ngày xưa trong bao nhiêu trẻ em Việt Nam và từ trải nghiệm của bản thân, tôi khao khát được đóng góp vào sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam, nhất là giáo dục qua âm nhạc cổ điển.
Tôi mong những người làm cha mẹ đều mơ thấy hình nốt nhạc như ba tôi, tôi hy vọng mọi người hiểu rằng tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận âm nhạc cổ điển chính là giúp trẻ phát triển sự tự tin, sáng tạo và hoàn thiện nhân cách để trẻ có thể bay cao, bay xa trong vùng trời mơ ước.
Và giờ đây, tôi cũng phát hiện đam mê lớn nhất của tôi không phải là đứng trên sân khấu trình diễn mà là một nhà giáo dục.
Nghệ sĩ Thanh Bùi và đại diện các nước khác tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowships 2017
* Được biết anh đã vinh dự đại diện Việt Nam tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowship năm 2017.
Đây là một học bổng danh tiếng của Mỹ, quy tụ những lãnh đạo có suy nghĩ sáng tạo, đột phá và mong muốn tạo nên những thay đổi tốt đẹp cho xã hội nơi mình đang sống.
Việc anh đang chọn đi qua những "cửa hẹp" như Thần đồng âm nhạc - Wonderkids có phải xuất phát từ những cảm hứng và động lực anh nhận được từ Eisenhower Fellowship?
- Đúng vậy! Trong hai tháng tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowship và đi qua gần 20 thành phố ở Mỹ, tôi đã có cơ hội kết nối với những nhà giáo dục hàng đầu về giáo dục tính sáng tạo, tôi đã đến thăm nhiều trường học, những nơi đã đưa âm nhạc vào giáo trình giảng dạy như là môn học chính bắt buộc chứ không chỉ là môn phụ.
Tôi được nghe họ chia sẻ về chính sách định hướng, cách đào tạo giáo viên… để tạo điều kiện cho trẻ học nhạc.
Họ còn đưa ra những nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ học nhạc sẽ học các môn khác như toán, lý… giỏi hơn.
Họ đúc kết rằng âm nhạc không chỉ để giải trí mà là phương pháp tuyệt vời giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về trí óc, kỹ năng lẫn tính cách cũng như hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như tự kỷ, trầm cảm…
Tôi cũng đã có cơ hội ngồi lại với tướng Colin Powell và được nghe ông chia sẻ nhiều điều về một đất nước Việt Nam ông từng biết cách đây hơn 40 năm cũng như những đổi thay của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Có được sự ủng hộ của ông, tôi thấy tự tin hơn để bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
Và để chia sẻ thông điệp giáo dục qua âm nhạc thì tôi nghĩ thực hiện một chương trình như Thần đồng âm nhạc – Wonderkids là cách nhanh nhất để tiếp cận hàng triệu khán giả và hàng triệu gia đình.
Quỹ Eisenhower là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1953 bởi một nhóm các công dân nổi tiếng của Mỹ để tôn vinh Tổng thống Dwight D. Eisenhower cho những đóng góp của ông trong vai trò một người lính, chính khách, và nhà lãnh đạo thế giới.
Học bổng Eisenhower được trao cho những nhà lãnh đạo sáng tạo và đột phá với mục đích truyền thêm cảm hứng, động lực và kỹ năng để họ triển khai thành công những dự án của mình trong nỗ lực hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Nói về việc nghệ sĩ Thanh Bùi được chọn tham gia chương trình học bổng Eisenhower Fellowship 2017, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Chương trình Eisenhower Việt Nam, đánh giá:
"Thanh Bùi được chọn vì niềm đam mê đem lại kiến thức về âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn cho trẻ em Việt Nam, ngoài vai trò là Đại sứ âm nhạc và các vai trò thiện nguyện quan trọng khác mà Thanh đang đảm nhiệm cả trong lẫn ngoài nước.
Với các quan hệ, động lực và kiến thức mới mà Thanh tích lũy được qua chương trình này, tôi tin là Thanh sẽ còn đóng góp được nhiều hơn nữa cho việc phát triển con người Việt Nam".
Nghệ sĩ Thanh Bùi cùng tướng Colin Powell (bên phải) và ông George De Lama, Chủ tịch chương trình Eisenhower Fellowships (bên trái)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận