01/06/2024 09:43 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân những gì chưa làm được, rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành

Sáng 1-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2024 nhằm thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang (Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza).

Những thách thức lớn từ thế giới

Cùng đó, giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực.

Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng các thị trường lớn của Việt Nam vẫn còn khó khăn. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể gây tác động lớn đến trong nước.

Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Điểm sáng nổi bật là công tác chỉ đạo điều hành về cơ bản chủ động, linh hoạt, phù hợp, quyết liệt, sát thực tiễn.

Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong đó, chủ động các phương án, đảm bảo cung cấp điện trong dịp nắng nóng (điện tiêu thụ đạt kỷ lục trên 1 tỉ kW/ngày); thúc đẩy quyết liệt các dự án hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng thể chế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Sức ép lạm phát, tiếp cận tín dụng còn khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, người đứng đầu Chính phủ cho rằng chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát, tỉ giá còn cao.

Thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn; phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tình hình ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, tội phạm diễn biến phức tạp…

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị cần tập trung thảo luận với tinh thần phản ánh đúng tình hình, đúng bản chất, đúng kết quả nhằm tạo khí thế mới, động lực mới, tạo thắng lợi mới. Trong đó một số nội dung trọng tâm là cần xác định rõ những mặt đã làm được, mặt chưa được, nguyên nhân vì sao? Rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành thế nào?

Ông cũng yêu cầu nhận định rõ tình hình tháng 6 và những tháng cuối năm, các vấn đề cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là nhiệm vụ đề ra cho tháng 6 và những tháng tới đây để góp phần thực hiện được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024?

Cần những cơ chế, chính sách, giải pháp gì để tập trung vào lĩnh vực nào, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hay các chính sách khác? Việc tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế: cơ chế nào, ở đâu, ai cần phải tháo gỡ?

Từ đó cần đưa ra các kiến nghị cụ thể, yêu cầu cần hoàn thành, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, yếu kém mà các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 7 này…

Gói phục hồi kinh tế chậm vì quá nhiều thủ tụcGói phục hồi kinh tế chậm vì quá nhiều thủ tục

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường, đã dành phần lớn thời gian thảo luận về việc thực hiện nghị quyết 43 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên