Ca dao xưa có câu: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng".
Đây là một trong những chợ cổ của đất Thăng Long xưa, cùng chợ Mơ là một trong số ít các chợ ngày nay vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói chợ Bưởi là "một trong những điểm du lịch đầu tiên của Thăng Long - Hà Nội".
Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Xưa, cứ các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi bán các sản vật trong vùng.
Gồm lĩnh của Bái Ân, Trích Sài, kẹo mạch nha của Nghĩa Đô, dân Quảng Bá Nhật Tân thì bán cây bán hoa, nông cụ của các vùng Xuân La, Xuân Đỉnh...
Theo nhà văn Tô Hoài, vào tháng chạp, "chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường.
Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là cho có Tết nhất".
Nhà văn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi "có bánh pháo tép dài bằng gang tay", "chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm", "u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới"…
Tô Hoài kể: "Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ Tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán".
Nhớ thời dễ mua dễ bán và niềm nở
Bà Nguyễn Thị Trung (74 tuổi, làng Yên Thái, phường Bưởi, quận Tây Hồ) gọi đó là những "phiên chợ cổ của tổng Bưởi ngày xưa" (cách gọi của vùng Bưởi, Kẻ Bưởi cũ).
Hôm nay, bà ra giúp con dâu phụ soạn hàng ở chợ Bưởi. Bà Trung kể vanh vách "chỗ này", "chỗ kia" trước đây là gì:
"Dọc bờ sông Tô Lịch ngang qua chợ Bưởi (nay đã lấp) là cửa hàng kem, hai bên là hai dãy hàng rau. Chỗ kia là những hàng rơm rạ, củi do người ở mạn Xuân La, Diễn gánh về đây bán.
Cả khu vực kia ngày xưa bán ngan, gà, vịt, chó, mèo đủ cả. Chỗ kia kìa, là hàng ăn quà vặt của các bà gánh gồng ngày xưa… Còn chỗ kia nữa, mây tre đan, rồi các quầy hàng khô, bóng, miến, măng, nấm, đủ cả, chẳng thiếu gì".
Làng Yên Thái hồi đó còn làm giấy nên bà Trung hay theo bố đi ra chợ Bưởi mua rơm để về hun giấy cho nhanh khô.
Những ngày chợ họp phiên, bà lại hay theo bố ra mua mía xương gà (giống mía tím, mềm mềm nhưng có màu vàng vàng, hơi ánh đỏ) cho sáu anh chị em ăn như một thức quà vặt sau khi ngủ trưa dậy.
Bà Đỗ Thị Cúc (70 tuổi) - một người bán hàng ở chợ - kể khi người Pháp chiếm Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 thì người Pháp cho xây dựng lại chợ và lợp mái.
40 năm trước khi bà bán hàng ở đây, chợ vẫn còn 4 - 5 cầu nhà (hay còn gọi là cầu chợ) do người Pháp dựng.
Bà Nguyễn Thị Trung nói ngày nay chỗ nào cũng có chợ và siêu thị nên chợ Bưởi của bà không còn cảnh "mùa nào thức nấy, sầm uất, nhộn nhịp, đi phải chen chân nữa".
Chợ bây giờ vắng quá, chỉ bằng 1/10 chợ ngày xưa; nhưng bà vẫn ra chợ đều, đôi khi chỉ vì những kỷ niệm ngày xưa vẫn nguyên đó.
Cuộc sống thời đó không được như bây giờ nhưng trong lòng bà Trung, "người ta dễ mua, dễ bán, sống tình cảm, niềm nở, không bon chen như bây giờ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận