16/03/2021 07:05 GMT+7

Tháng 3 đến tháng 6, TP.HCM sẽ phạt, tịch thu loại xe nào?

MINH HÒA
MINH HÒA

TTO - Sáng 15-3, CSGT TP.HCM ra quân xử lý xe "nát", xe "mù" đang lưu thông trên đường. Theo đó, người đi xe không kính chiếu hậu, không biển số, đèn, còi, xe thay đổi kết cấu... có thể bị xử phạt nặng hoặc tịch thu xe.

Tháng 3 đến tháng 6, TP.HCM sẽ phạt, tịch thu loại xe nào? - Ảnh 1.

Những chiếc xe quá đát không đèn, không kính chiếu hậu và không biển số được nhiều cửa hàng tận dụng làm phương tiện chuyên chở (ảnh chụp trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TP.HCM ngày 15-3) - Ảnh: TỰ TRUNG

Những xe nào sẽ thuộc diện bị xử nghiêm trong đợt cao điểm 3 tháng sắp tới?

Sau nhiều giờ ra quân xử lý vào buổi sáng 15-3, các tổ công tác CSGT trên địa bàn TP.HCM đã lập biên bản xử phạt, tạm giữ khoảng 200 xe không đảm bảo an toàn...

Ông V.V.Đ. đi xe Wave không có gương chiếu hậu, thay đổi kết cấu. Khi Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM ra hiệu dừng xe, ông Đ. cũng không xuất trình được giấy phép lái xe nên CSGT tiến hành lập biên bản tạm giữ xe. Ông Đ. cho biết xe này ông mua lại của người khác với giá 200.000 đồng để đi chở hàng thuê.

"Chuyên đề xử lý xe cũ nát tôi xem trên truyền hình rồi, nhưng giờ tôi không có tiền mua xe mới. Tôi phạm luật, mấy anh CSGT làm đúng luật, tôi không cãi nhưng giờ tôi không có xe đi làm...", ông Đ. phân trần. 

Tương tự, anh L.V.B. cũng bị lập biên bản tạm giữ xe vì chiếc Cub 50 anh đang đi không gắn biển số, không kính, không đèn, không còi... Anh cho biết xe đi đã nhiều năm nay, giờ xe xuống cấp, bán không được giá nên giữ lại để chạy. Anh chấp hành xử phạt và cho biết sẽ mua xe mới hơn để đi cho an toàn.

Cùng ngày, một người đàn ông (khoảng 35 tuổi) bị CSGT lập biên bản xử lý nhiều lỗi. Anh cho biết mình chở hàng thuê, xe cũng do chủ giao cho chạy. "Tôi làm thuê đâu có quyền đòi hỏi chạy xe xịn. Chủ đưa xe nào, tôi chạy xe đó thôi", người đàn ông phân bua.

Theo trung tá Đoàn Văn Qưới - phó trưởng Phòng PC08, phòng triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế... từ ngày 1-3 đến hết ngày 14-6-2021. 

Đơn vị sẽ tập trung xử lý người đi xe cũ nát, xe tự chế, không có giấy đăng ký xe hoặc xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn, còi, thắng, hoặc có nhưng không có tác dụng; xe vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ...

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM): Pháp lý chặt mới xử lý triệt để

Hiện nay việc xử lý xe môtô, gắn máy hết niên hạn đang nằm "ngoài vùng phủ sóng" của các quy định pháp luật có liên quan như nghị định 95/2009/NĐ-CP hay thông tư 15/2014/TT-BCA...

Hiện tại vẫn chưa có hành lang pháp lý nào được đưa ra để giải quyết triệt để tình trạng xe cũ, xe nát, chẳng hạn như niên hạn sử dụng, việc xử lý sau khi xe hết niên hạn và chế tài xử phạt... Khi xảy ra vi phạm giao thông hoặc tai nạn, chủ các phương tiện này thường "bỏ của chạy lấy người" và gần như không thể truy nguồn gốc xe do xe đã qua nhiều lần mua, bán.

Hiện nay, CSGT chỉ có thể xử lý về lỗi hành vi của chủ phương tiện và phương tiện tại thời điểm kiểm tra (lỗi người điều khiển và xe không có đèn, còi, biển số, gương chiếu hậu...), phần lớn trường hợp này sau đó không đến nộp phạt để nhận lại xe vì số tiền phạt đôi khi còn lớn hơn giá trị xe.

Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến niên hạn sử dụng xe môtô, gắn máy hoặc thông qua các thông số kiểm định chất thải để loại bỏ các phương tiện "quá date", hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Vì sự phát triển, đã đến lúc phải thực hiện ngay việc này.

Đ.THUẦN ghi

Giờ là lúc nói chuyện lý

Ở dãy phòng trọ gần nhà tôi có anh nhân viên giao hàng của một cửa hàng kinh doanh gas. Anh được ông chủ "cấp" cho chiếc xe gắn máy không thể cũ hơn, hầu như không còn nhận ra màu xe, loại xe vì đã được độ chế để chở được những bình gas loại 12kg. Anh có một chiếc xe khác, trị giá gần 20 triệu đồng nhưng chỉ dành cho việc đưa đón con đi học.

Cũng có lần anh va quẹt xe, gây thương tích cho người khác. Chủ cơ sở đứng ra bồi thường, dàn xếp vụ việc. Chiếc xe kia anh vẫn tiếp tục lái đi giao gas mỗi ngày. Tôi hỏi anh sao không đi chiếc xe còn tốt hơn cho yên tâm trên đường, anh vô tư: "Chở xe mình thì xót quá. Với lại mọi việc có chủ "lo" hết rồi".

Điều đó cũng lý giải phần nào nguyên nhân những chiếc xe cũ nát chở gas, nước đóng bình, đá lạnh... vẫn bon bon trên đường. Trách nhiệm của người sử dụng lao động ở đâu khi chỉ muốn "tiết kiệm" mà "quên" đi nguy cơ tai nạn cho người lái xe và mọi người trên đường. Xe không đủ tiêu chuẩn lưu thông, người lái xe cũng "quên" luật. Chở cồng kềnh, phóng xe bạt mạng là điều rất dễ thấy trên đường.

Xử phạt "xe mù" đã được cân nhắc nhiều, rất thận trọng, đảm bảo hợp tình, hợp lý, có lộ trình. Nhưng nếu cứ tiếp tục vị tình, lâu lâu tăng cường xử phạt một đợt rồi đâu sẽ vào đó, tương tự câu chuyện TP.HCM chi tiền khủng để hỗ trợ dẹp xe tự chế nhưng mấy năm sau thống kê lại thì lượng xe này nhiều hơn khi chưa dẹp!

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân từ phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Xe cũ nát bị thổi phạt, không tịch thu cũng thành xe vô chủ khi mức tiền phạt cao hơn giá trị chiếc xe. Xử lý mớ xe này là chuyện không dễ cho các đơn vị xử phạt và người chạy "xe mù" cũng không ngán ngại nếu bị giam xe.

Giờ là lúc nói chuyện lý và luật. Xe cũ nát nhả khói đen ngòm tấn công lá phổi thành phố, thành nỗi ám ảnh của bao người. Phải quyết liệt làm chuyện này vì lợi ích lớn nhất vẫn hướng về số đông người dân. Xe đủ an toàn mới được phép lăn bánh. Phần lớn người trực tiếp điều khiển "xe mù" không phải là chủ sở hữu của xe.

Số lượng người khó khăn phải mua và sử dụng xe cũ nát mưu sinh không nhiều. Việc xử phạt phải thường xuyên, nghiêm túc. Tịch thu phương tiện là việc buộc phải làm. Hi sinh lợi ích nhỏ để được kết quả tốt cho lâu dài thì người dân chắc chắn sẽ ủng hộ. Việc kiểm tra, xử lý xe cũ nát không hề mới, có chăng là chưa duy trì thường xuyên, quyết liệt.

Những chính sách hỗ trợ đã và đang được áp dụng cần tiếp tục phát huy. Địa phương nào cũng nắm được danh sách hộ nghèo, người nghèo (nếu có) trên địa bàn. Vì vậy, việc trợ vốn, giúp "đổi xe" đảm bảo đúng người đúng việc không hề khó. Thực tế cho thấy hiện nay người dân được vay tiền hoặc mua xe trả góp khá phổ biến. Đây cũng là một cách tháo gỡ cho vấn đề này.

NGHĨA ĐỊNH

CSGT xử lý xe cũ, nát: CSGT xử lý xe cũ, nát: 'Chủ đưa xe nào chạy xe đó, tôi đâu có quyền đòi xe xịn'

TTO - Sáng 15-3, CSGT TP.HCM ra quân xử lý xe 'nát', xe 'mù' trên địa bàn. Đa số các đội CSGT lập biên bản xe cũ, 'nát' các lỗi như: không gương chiếu hậu, không biển số, đèn, còi... Có trường hợp người lái xe phân trần 'chủ đưa xe nào chạy xe đó'.

MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên