09/07/2015 12:02 GMT+7

Thận trọng khi xin sữa mẹ

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Nhiều chị em lên mạng xã hội rao tặng sữa mẹ hoặc xin sữa mẹ cho con mình bú. Nên thận trọng khi dùng sữa "lạ" cho con

Bú mẹ là cách tốt nhất để trẻ nhận đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm quý giá này - Ảnh: Chu Đức
Bú mẹ là cách tốt nhất để trẻ nhận đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm quý giá này - Ảnh: Chu Đức

Có chị rất nhiều sữa sau khi sinh nhưng cũng có chị không đủ sữa cho con bú. Từ thực tế này, nhiều chị em lên mạng xã hội rao tặng sữa mẹ hoặc xin sữa mẹ cho con mình bú.

Các bà mẹ rao cho sữa mẹ hoặc đi xin sữa mẹ đều mong muốn có thật nhiều trẻ em được bú sữa mẹ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ, giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ một cách tốt nhất.

Nhiều cho, ít xin

Một chị ở Hà Nội chia sẻ: “Con yêu không ăn hết sữa mẹ nên phải hút ra trữ đông. Giờ tủ cũng đầy, không lẽ ngày nào cũng hút sữa bỏ đi, thấy tiếc ghê. Mẹ nào ít sữa hay cần phụ thêm sữa nuôi con thì liên hệ Facebook mình tặng sữa nhé. Sữa mình tốt cho bé vì bé nhà mình tăng cân tốt, mới được 2 tháng 3 ngày mà tháng đầu lên 1,5kg, tháng thứ hai tăng 1,3kg”.

Chị X.B. ở Hà Nội thông báo: “Mình có khoảng 10 -15 túi sữa muốn gửi tặng các mẹ. Mẹ nào có nhu cầu thì nhắn mình nhé...”.

Việc cho và xin sữa mẹ hiện nay phát triển và lan rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Chị H. (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) thông báo: “Mình sinh con được gần hai tháng rồi. Mình nuôi con bằng sữa mẹ và hiện dư sữa nhiều, nếu mẹ nào cần liên lạc với mình nhé”.

Có chị ở Đắk Nông lại mời: “Các mẹ ơi, em ở Đắk Mil, Đắk Nông. Hiện tại em có tám bịch sữa loại 250ml. Mẹ nào có nhu cầu nói em nhé, em sẽ chuyển ạ vì để trong tủ lạnh miết sợ hết thời gian. Sữa em vắt hằng ngày, từ đầu tháng 2 tới giờ”.

Trong khi đó, nhiều bà mẹ ít sữa cũng lên mạng xã hội hỏi xin sữa cho con. Như chị T.H. (ở Đà Nẵng) than: “Em sinh đôi hai nhóc nhưng sữa ít quá, nhìn con mà thấy tội. Có mẹ nào ở Đà Nẵng chia sẻ cho hai cháu nếu nhiều sữa được không ạ”.

Mong muốn có sữa mẹ cho con của chị T.H. được đáp ứng ngay. Có chị chưa lập gia đình nhưng vì thương cháu thiếu sữa mẹ nên cũng lên mạng xin sữa: “Cháu của em sinh non 32 tuần. Mẹ của cháu phải mổ u ở thận nên không có sữa, cháu không chịu ăn sữa công thức dành cho trẻ sinh non và cố ăn được ít thì bị nóng. Chị có thể cho sữa không cho em xin với”.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo ThS.BS Lê Văn Hiền - phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Mêkông TP.HCM, việc kêu gọi cho con bú sữa mẹ rất tốt nhưng nuôi con bằng sữa mẹ từ sữa của các bà mẹ khác thì cần phải có cái nhìn đúng đắn.

“Các bà mẹ chia sẻ nhau thông tin những người viêm gan siêu vi B và HIV, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo vẫn cho con bú được nên việc xin sữa cũng không cần biết người kia có mắc bệnh truyền nhiễm gì không. Đây là thông tin không đúng” - bác sĩ Hiền nói.

Theo bác sĩ Hiền, những người viêm gan siêu vi B khi sinh, con của họ được chích một mũi văcxin ngừa viêm gan siêu vi B và một mũi kháng thể thụ động, nên họ vẫn cho con họ bú được, còn cho con người khác bú thì không đảm bảo.

Với người bị nhiễm HIV khi mang thai cũng được chích thuốc phòng lây nhiễm cho con và sau sinh con họ cũng được chích thuốc phòng lây nhiễm, nhưng việc cho con người khác bú thì không được. Ngoài ra, những người bị các bệnh này khi cho con bú cũng được bác sĩ dặn dò rất kỹ, không để chảy máu núm vú, và niêm mạc miệng của bé cũng phải nguyên vẹn.

Bác sĩ Hiền cho biết tại Thụy Sĩ có ngân hàng sữa mẹ để cung cấp sữa cho những người không đủ sữa hoặc không đủ điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. Họ nhận sữa của người hiến và xét nghiệm đảm bảo người hiến không mắc các bệnh truyền nhiễm, sức khỏe tốt.

Sau đó họ hút sữa và đưa vào tiệt trùng, đóng gói, bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt. Còn tại VN, các bà mẹ lại tự vắt sữa bỏ vào tủ lạnh đựng đồ ăn, rồi đem cho nhau nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Hiền cảnh báo một sai lầm khác có thể gặp ở các bà mẹ là vắt sữa non từ những tháng cuối của thai kỳ để trữ lạnh, đến khi sinh mang theo cho con bú. Việc vắt sữa non như vậy có thể kích thích cơn gò tử cung gây sinh non. Hơn nữa sữa non ở những tháng cuối của thai kỳ không đủ dinh dưỡng và kháng thể cho trẻ so với sữa khi người mẹ mới sinh xong. Chưa kể việc bảo quản sữa vắt ra không đảm bảo có thể gây nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử cho trẻ.

Ngoài ra, nhiều chị còn nghe thông tin trên mạng là vắt sữa để trong ngăn mát tủ lạnh có thể lưu trữ cả tuần, để ngăn đông lưu tới sáu tháng. Tuy nhiên đó là bảo quản sữa trong tủ lạnh chuyên dụng, chỉ để sữa và đảm bảo điều kiện về nhiệt độ và vô khuẩn. Trong khi đó sữa vắt ra các chị thường để tủ lạnh gia đình chung với nhiều đồ ăn sống, chín, rau củ quả thì không thể để lâu được như vậy.

Đảm bảo nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ

TS.BS Vũ Tề Đăng, phó khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, khuyến cáo chỉ nên xin sữa mẹ cho trẻ uống khi biết chắc người cho sữa không mắc những bệnh truyền nhiễm. Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất dành cho trẻ nhỏ, tuy nhiên đó phải là loại sữa từ người mẹ không bị bệnh và quy trình hút/vắt sữa, bảo quản, vận chuyển được đảm bảo đúng. Với những bà mẹ có nhiều sữa, muốn vắt/hút sữa cho trẻ khác cần vệ sinh bầu ngực cũng như rửa tay sạch sẽ trước khi thao tác. Mặt khác, dụng cụ hút sữa, bình đựng sữa phải được tiệt trùng...

Để đủ sữa cho trẻ bú trong tối thiểu sáu tháng đầu, theo TS Tề Đăng, các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay trong những giờ đầu sau sinh. Các bà mẹ cần uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ chất, tránh ăn kiêng khem quá mức. Những người thân trong gia đình nên tạo bầu không khí thoải mái, phụ giúp công việc nhà cho các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

T.DƯƠNG

Chưa có bệnh viện đề nghị thành lập ngân hàng sữa mẹ

Bà Lưu Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, nhận định phong trào nuôi con bằng sữa mẹ đang lên rất cao, nhiều bà mẹ vắt sữa từ khi được nghỉ sinh để trữ lạnh, dành cho con dùng khi mẹ đi làm lại, hay có ông bố Trình Tuấn (Tuổi Trẻ ngày 21-6-2014) nổi tiếng sau khi đi xin sữa nuôi con gái và từ đó có phong trào “ngân hàng sữa” cho các bé thiếu sữa mẹ. Tuy nhiên đây là phong trào tự phát, các mẹ dù có kiến thức nhưng việc cất trữ một loại thực phẩm quan trọng cho trẻ rất cần chú ý các yếu tố bảo quản để sữa được trữ đảm bảo an toàn và dinh dưỡng. Vì vậy, nếu các bệnh viện thành lập được ngân hàng sữa mẹ sẽ an toàn hơn cho trẻ thiếu sữa, song hiện nay chưa có bệnh viện nào có đề nghị thành lập ngân hàng đặc biệt này.

L.ANH

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên