![]() |
Kỹ sư Hoàng Ngọc Châu và KS Nguyễn Thị Hồng Cẩm (Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM) đang phân tích mẫu thuốc do báo Tuổi Trẻ gửi đến - Ảnh: TỰ TRUNG |
Kỳ 1: Thần dược... cứu nhân vật?! Kỳ 2: Truy tìm... “thần dược” Kỳ 3: Loạn “thần dược” ở... xứ “thần dược”
“Thần dược”... chứa thuốc gây nghiện!
Ngày 14-5, chúng tôi gửi một bịch thuốc gồm 100 gói nhỏ còn nguyên bao bì đóng gói của “nhà sản xuất” đến phòng thí nghiệm của Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM. Theo quảng cáo của người sản xuất trên toa thuốc thì “dân tộc cứu nhân vật” là “thần dược”, trong thuốc có đến 18 loại thuốc bắc và nhiều loại thực vật, rễ cây, củ cây, ngải, vỏ cây của đất nước Campuchia được bào chế thành bột.
Thế nhưng ngày 16-5 khi nhận được kết quả kiểm nghiệm thuốc, chúng tôi đã vô cùng sửng sốt và phẫn nộ khi biết được kết quả cho thấy thuốc này có pha trộn tân dược Dexamethasone ở hàm lượng 212mg/kg, Paracetamol ở hàm lượng 54g/kg và Diazepam ở hàm lượng 2,3g/kg.
Rõ ràng, người sản xuất biết rất rõ tâm lý người bệnh là muốn khỏi bệnh nhanh, ăn ngon, ngủ ngon. Và họ cũng biết rõ tác dụng phụ nguy hiểm của các tân dược pha trộn trong thuốc (kể cả chất gây nghiện) nhưng vẫn bất chấp hậu quả để lại cho người sử dụng. Trong khi đó, người dân không biết, cứ vô tư rỉ tai giới thiệu cho nhau uống “thần dược” mà không biết nguồn gốc, chất lượng thế nào. Điều đáng nói, trong quá trình tiếp cận thực tế, chúng tôi còn phát hiện những nhà hảo tâm vì không biết đã mua thuốc này đem đi làm từ thiện, phát miễn phí cho người nghèo bị bệnh.
Nhiều tác dụng phụ nguy hiểm
Trong tây y, các loại tân dược có trong thuốc “thần dược dân tộc cứu nhân vật” được chỉ định sử dụng điều trị những bệnh gì, dùng lâu dài có nguy hiểm không? Trả lời vấn đề này, TS.DS Nguyễn Hữu Đức - khoa dược Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết Dexamethasone là thuốc thuộc nhóm glucocorticoid (gọi tắt là corticoid). Đây là loại tân dược cần thiết trong y khoa nhưng sử dụng có chỉ định chặt chẽ, theo dõi sát và giảm dần liều, không được dùng kéo dài.
Corticoid có tác dụng kháng viêm rất tốt, làm giảm đau nhức, dùng trong điều trị bệnh viêm khớp, bệnh lý tai mũi họng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra, corticoid còn dùng để điều trị ức chế miễn dịch, bệnh lupus đỏ, bệnh lý huyết học... Nhưng thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng lâu dài, dùng không đúng chỉ định của bác sĩ. Ở một số nước, người dân muốn mua Dexamethasone bắt buộc phải có đơn của bác sĩ, nhưng ở VN và những nước lân cận mua thuốc này và nhiều loại thuốc khác rất dễ dàng.
Còn Diazepam là loại thuốc nằm trong bảng thuốc độc gây nghiện. Đây là thuốc có tác dụng an thần, rất nguy hiểm vì có thể gây nghiện. Ở VN cũng như nhiều nước trên thế giới, nhà nước có qui định quản lý việc mua bán Diazepam rất chặt chẽ, muốn mua thuốc phải có đơn của bác sĩ. Diazepam là thuốc hướng thần, chỉ có chỉ định sử dụng cho bệnh nhân bị lo âu, mất ngủ và bác sĩ cũng chỉ cho bệnh nhân sử dụng trong thời gian ngắn một tuần, chứ không bao giờ cho dùng kéo dài.
Riêng Paracetamol là thuốc hạ nhiệt, giảm đau thông thường có chỉ định sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị cảm cúm, nóng sốt... nhưng cũng có tác dụng phụ gây độc cho gan. Trừ Paracetamol, hai loại thuốc Diazepam và Dexamethasone nếu sử dụng không đúng chỉ định sẽ trở thành độc chất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Hậu quả khôn lường
Theo TS Hữu Đức, Paracetamol khi dùng quá liều, lâu dài rất có hại cho gan, nhất là những người đã có sẵn bệnh lý về gan, suy gan; người già, người uống rượu nhiều... sẽ gây ngộ độc, hoại tử tế bào gan. Tác dụng phụ của thuốc nhiều hay ít, nhanh hay chậm tùy thuộc thể trạng từng người. Có người xảy ra rất nhanh, có người dùng thời gian lâu hơn mới xảy ra.
Còn Dexamethasone có tác dụng phụ giữ nước và natri lại trong cơ thể, kích thích sự thèm ăn, gây tăng cân và mập rất nhanh. Thời gian đầu khi mới dùng thuốc thấy trong người rất khỏe, hết đau nhức, da hồng hào..., nhưng dùng lâu dài, không đúng chỉ định của bác sĩ dễ bị tai biến nguy hiểm do các tác dụng phụ của thuốc gây ra. Người bệnh sẽ bị loãng xương bệnh lý, loét bao tử, tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, mặt to phính, đỏ (hội chứng cushing) nhưng chân tay lại khẳng khiu, teo tóp, trên da có vết rạn nứt và xuất huyết dưới da, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
Theo một số bác sĩ điều trị, lạm dụng Dexamethasone có thể gây “hội chứng thiếu thuốc” với các biểu hiện ói mửa dữ dội, tiêu chảy, không ăn được. Có thuốc thì thấy khỏe, sảng khoái; không có thuốc thì đau nhức trở lại và các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn trước khi dùng thuốc, không có thuốc chịu không nổi. Thường chỉ cần dùng thuốc này kéo dài từ ba tuần trở lên đã có thể bị lệ thuộc thuốc. Có trường hợp bệnh nhân không thể “cai” thuốc được mà phải dùng suốt đời.
Bác sĩ Đào Trần Thái - chủ nhiệm bộ môn tâm thần Trường đại học Y dược TP.HCM - cũng cho biết thuốc Diazepam được xếp vào nhóm tân dược gây nghiện cùng với ma túy, khi người bệnh dùng kéo dài sẽ bị nghiện thuốc. Nếu không có thuốc sẽ không ngủ được, người bồn chồn, bứt rứt, lo âu. Lâu dần lại phải tăng liều uống mới ngủ được.
Người dùng thuốc Diazepam lâu dài còn bị ảnh hưởng giảm trí nhớ, nhất là với người lớn tuổi. Đang dùng thuốc mà ngưng đột ngột người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng lo âu. Nếu dùng liều cao mà ngưng đột ngột có thể xuất hiện cơn co giật giống như động kinh. Do có tác dụng gây ngủ nên nếu người uống là tài xế sẽ rất nguy hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông. Thuốc này cũng chống chỉ định với những bệnh nhân bị nhược cơ, suy hô hấp mất bù trừ.
TS Hữu Đức cho rằng thường những loại đông dược giả mạo hay trộn thêm Dexamethasone đã là nguy hiểm cho người sử dụng. Nhưng “dân tộc cứu nhân vật” lại trộn vào tới ba thứ tân dược, trong đó có đến hai loại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm thì hậu quả cho sức khỏe người sử dụng thuốc này là vô cùng nghiêm trọng, không thể lường hết được. Vì vậy, với những loại đông dược trôi nổi, không rõ nguồn gốc, người dân không nên sử dụng theo lời mách bảo của người khác.
Khi muốn dùng đông dược để điều trị, bệnh người bệnh nên đến nhà thuốc, cơ sở y tế có giấy phép của Nhà nước, không mua thuốc trôi nổi (không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế...) vì không thể biết chất lượng thuốc thế nào, có pha trộn tân dược nguy hiểm không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận