31/10/2014 09:05 GMT+7

​Tham nhũng thông qua quan hệ đã có ở Việt Nam

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TRÀ MY Ghi
Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TRÀ MY Ghi

TT - Hiện nay, ở VN những dạng tham nhũng thông qua quan hệ đã có, nếu không nêu ra trong luật thì rõ ràng là tạo điều kiện cho nó phát triển mà không bị trừng trị.

Đại biểu  Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: TTO

Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc và kinh nghiệm của nhiều nước đã chỉ ra vấn đề tham nhũng thông qua các mối quan hệ. 

Hiện nay, VN đang bổ sung, sửa chữa Bộ luật hình sự và một trong những điểm cần bổ sung, sửa chữa là tội danh hối lộ.

VN tham gia Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc và cũng được khuyến cáo là cần sửa chữa, bổ sung luật pháp để đáp ứng yêu cầu của công ước này.

Có những khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc như UNDP là VN phải mở rộng khái niệm hối lộ. Thứ nhất là mở rộng đối tượng tham nhũng. Cho đến nay, luật quy định chỉ truy cứu tham nhũng từ những quan chức trong khu vực công, chưa truy cứu những quan chức trong khu vực tư.

Thứ hai là luật hiện hành không truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân, trong khi nhiều nước đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Điểm thứ ba mà các chuyên gia khuyến cáo VN là nên lưu ý cả những của hối lộ hữu hình và vô hình. Của vô hình có thể là:

a. Quyền (chẳng hạn quyền được mua căn hộ, khu đất nào đó với giá rẻ, trong lúc giá thị trường đang lên cao).

b.  Cơ hội (quyền được nhập học trường tốt, quyền được gia nhập câu lạc bộ cao cấp...).

c. Các mối quan hệ như phe phái, thân tộc và quan hệ nam nữ (ví dụ những cô nhân tình của quan chức sẽ được chỉ vẽ, gợi ý, tạo điều kiện để có được cơ hội, quyền lợi...).

Có những ý kiến cho rằng ngay cả hiện vật còn tìm không ra thì những điều vô hình, quan hệ làm sao truy?

Giữa khả năng và yêu cầu luôn luôn có khoảng cách. Nhưng nếu muốn tiến kịp với thế giới, muốn đất nước phát triển thì phải đề ra những yêu cầu phù hợp với xu thế quốc tế và yêu cầu của đất nước.

Hiện nay, ở VN những dạng tham nhũng thông qua quan hệ đã có, nếu không nêu ra trong luật thì rõ ràng là tạo điều kiện cho nó phát triển mà không bị trừng trị.

Về vấn đề năng lực điều tra hạn chế, những quy định chưa hoàn chỉnh thì cứ tiếp tục hoàn thiện những vấn đề đó. Khi bổ sung, sửa đổi luật pháp thì phải nghĩ đến tương lai. Thiết kế luật cho tương lai thì sẽ có những yêu cầu cao hơn để định hướng xã hội và buộc mọi người phải phấn đấu, nỗ lực. Có như vậy mới thúc đẩy đất nước phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Phát (nguyên phó chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM): 

Phải chứng minh được hành vi và hậu quả

Hiện nay luật chưa quy định tội danh nhận hối lộ bằng tình dục nhưng thật ra hiện tượng này đã xảy ra ở VN và thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng chưa ghi nhận về việc luật pháp có quy định về tội nhận hối lộ bằng tình dục.

Bởi đây là loại hối lộ phi vật chất nên không thể quy thành diện “nhận” hối lộ. Tuy nhiên, pháp luật có thể xử lý trong tình huống quan hệ phi vật chất dẫn đến làm sai. Ví dụ, bà A “hối lộ” tình dục cho ông B để nhận được một khoản vật chất khác: dự án, thăng chức; hoặc việc ông B nhận hối lộ bằng tình dục của bà A và ra những quyết định sai, gây hậu quả thì xử lý việc làm sai ấy.

Việc xử lý hành vi hối lộ tình dục này phải chứng minh được mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả. Từ đó xử lý những sai phạm xảy ra sau khi việc hối lộ hoàn tất. Và quan trọng là xử lý người chủ mưu đưa hối lộ và người nhận hối lộ.

Ở VN đã từng xảy ra những vụ việc “hối lộ tình dục” từ rất lâu nhưng luật hình sự không quy định việc xử lý, bởi nếu hành vi đó xảy ra thì được xem như thuộc phạm trù đạo đức. Hoặc thực tế cũng có những ông quan chức nuôi bồ nhí, mua xe, mua nhà bằng tiền tham ô, ăn hối lộ nhưng pháp luật cũng chỉ xử lý được bằng việc tịch thu tài sản chứ không xử lý quan hệ tình dục.

HÀ CHÂU ghi

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - TRÀ MY Ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên