Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định thực tế tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nhiều vụ việc tham nhũng lớn gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Tình hình tham nhũng thông qua lợi dụng cơ chế chính sách, tình trạng lợi ích nhóm đang diễn ra gây trở lực kìm hãm sự phát triển của đất nước ta” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết trong thời gian qua các vụ việc tham nhũng đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước gần 60.000 tỉ đồng và trên 400ha đất nhưng đến nay số tiền đã thu hồi cho Nhà nước chỉ gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200ha đất.
“Trong những năm gần đây, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt” - ông Sáu đánh giá.
Đánh giá về một trong những biện pháp được coi là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng ngừa tham nhũng là kê khai tài sản, thu nhập, ông Sáu cho rằng việc làm này vẫn còn nặng về hình thức. Mỗi năm có hàng triệu bản kê khai nhưng chỉ phát hiện được một vài trường hợp không trung thực, tham nhũng.
Qua 10 năm xác minh được gần 5.000 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. "Con số này chưa phản ánh đúng thực trạng, cho thấy việc thực hiện còn chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế rất khó kiểm soát do phụ thuộc vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức" - ông Sáu nói.
Từ thực tế điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn, thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng đối với những hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt, người dân ngại tố cáo, tố giác và nhiều khi có tố giác cũng khó đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật.
Những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng thường mang tính tập thể, có nhiều đối tượng tham gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định nên rất khó phát hiện.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhất là các nhóm lợi ích, vì tư lợi sẽ không tố giác, tố cáo mà còn tiếp tay cho tham nhũng” - ông Vương cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận