12/07/2016 11:13 GMT+7

10 năm phát hiện gần 60.000 tỉ đồng tham nhũng, thu hồi 5.000 tỉ

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Đó là con số tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng do ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ trình bày sáng 12-7.

Các đại biểu dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng - Ảnh: Thân Hoàng

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Văn phòng chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Phó thủ tướng chính phủ Trương Hòa Bình dự và điều hành hội nghị.

Tham nhũng diễn biến phức tạp trong đầu tư từ vốn Nhà nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, có những chuyển biến rõ rệt trên nhiều phương diện, phát hiện tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý tác động tích cực răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho rằng phải nhìn nhận rõ công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tệ tham nhũng.

Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ... đã gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo.

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.

Tình hình tham nhũng thông qua lợi dụng cơ chế chính sách, tình trạng lợi ích nhóm đang diễn ra kìm hãm sự phát triển của đất nước ta”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trên 1 triệu bảng kê khai, chỉ phát hiện vài vụ tham nhũng

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ cho biết trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. 

“Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt”, ông Sáu đánh giá.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo báo cáo là do nhiều nguyên nhân, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn; nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản.

Mặt khác do cơ quan chức năng chưa quyết liệt triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra.

Về minh bạch tài sản được coi là biện pháp hữu hiệu trong thực hiện phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá thời gian qua việc kê khai nhiều hàng đầu nhưng hiệu quả hàng cuối khi mỗi năm có hơn 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ phát hiện một vài trường hợp tham nhũng.

Ông Sáu cho biết qua 10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Ngoài ra số lượng người đứng đầu các cơ quan tổ chức để xảy ra tham nhũng bị xử lý còn ít so với các vụ tham nhũng bị phát hiện, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu.

Khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án tham nhũng

Tại hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 10 năm, cơ quan công an các cấp đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng. Theo thống kê, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại trên 23.500 tỷ đồng.

Ông Vương cũng đánh giá tình hình tội phạm tham nhũng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, dễ gây thiệt hại lớn tài sản của nhà nước và nhân dân, các lĩnh vực trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng như hoạt động tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước…

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên