Kể từ khi chính thức phát động "giai đoạn 2" cuộc tấn công mở rộng trên bộ vào Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như đang bác bỏ từng phần các nỗ lực hòa giải từ khu vực và quốc tế.
Bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi "đình chiến nhân đạo" từ ngày 28-10, ông Netanyahu vẫn quyết tâm duy trì chiến sự ở Dải Gaza và cho biết tất cả các cuộc chiến đều có "thương vong dân sự" ngoài ý muốn.
Lập trường của Thủ tướng Israel nhận được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Chiến lược Ron Dermer, tiếp tục mở đường cho các hoạt động quân sự tăng cường của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trên cả ba phương diện hải, lục và không quân.
Dải Gaza vì vậy đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện.
Xung đột chực chờ lan rộng
Để đáp trả cuộc tấn công vào ngày 7-10 của 2.500 chiến binh Hamas khiến 1.400 người dân Israel thiệt mạng và 240 con tin bị bắt giữ, chỉ trong ngày thứ 25 của xung đột, IDF đã tấn công mở rộng từ 300 đến 600 mục tiêu hạ tầng quân sự của Hamas như địa điểm cất giữ vũ khí, nơi ẩn náu và bãi tập kết.
Với lối đánh "tấn công chính xác" truyền thống, Israel tuyên bố đã tiêu diệt được nhiều chỉ huy cấp cao của phong trào Hamas như Muhammed Safadi (người đứng đầu lực lượng hải quân ở trung tâm Gaza), Moumen Hijazi (chỉ huy lực lượng tên lửa dẫn đường chống tăng ở Tuffah) và Muhammad Awdallah (chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực sản xuất vũ khí).
Trước đó, IDF cũng tuyên bố tiêu diệt được lãnh đạo tình báo cấp cao Shadi Barud - nhân vật được phía Israel khẳng định là "đạo diễn" của cuộc tấn công ngày 7-10 cùng với thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.
Quân đội Israel đã tiến sâu vào phía bắc Dải Gaza từ ngày 30-10. Xe tăng của họ được các nguồn tin của AFP nhìn thấy ở quận Zaytun thuộc ngoại ô TP Gaza và đang phong tỏa một con đường huyết mạch nối giữa hai khu vực phía bắc và nam của Dải Gaza. Thông tin từ IDF cũng xác nhận đã phá hủy các vị trí phóng tên lửa và tên lửa dẫn đường chống tăng, cũng như các cơ sở hạ tầng khác của Hamas ở gần Đại học Al-Azhar thuộc TP Gaza.
Nhiều cơ quan truyền thông Ả Rập đưa tin quân đội Israel không chỉ đánh "thọc sâu" vào Dải Gaza mà còn đánh lan ra các vị trí khác ở khu vực Bờ Tây. Theo Đài Al Jazeera, IDF đã tấn công thị trấn Aroura và tiến hành một cuộc đột kích trong đêm khác ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, nhắm vào Hebron, Nablus, Jenin và một số khu vực khác.
Các cuộc tấn công đáp trả bằng rocket của Hamas từ Dải Gaza vào Israel cùng với sự yểm trợ pháo binh từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon, dân quân Syria và phong trào Houthi càng trở thành lý do khiến Israel quyết tâm tăng cường hoạt động quân sự mở rộng.
Thậm chí, Israel được cho là đã vận động được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ (sử dụng các lực lượng dân quân ủy nhiệm ở đông bắc Syria) phối hợp với họ để cùng không kích vào các vị trí chiến lược ở phía bắc Syria vào ngày 30-10. Điều này đã khiến đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Syria Geir O. Pedersen phải cảnh báo nguy cơ chiến sự lan rộng từ Dải Gaza đến Syria.
Thảm cảnh vùng chiến sự
"Quy mô kinh hoàng" của điều kiện sống thiếu thốn cùng cực mà người dân Gaza đang trải qua đã được bà Lisa Doughten (giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc - OCHA) xác nhận trong báo cáo ngày 31-10.
"Đơn giản là chúng tôi không có đủ nguồn cung thiết yếu để đảm bảo sự sống cho những người phải di dời ở quy mô lớn thế này", bà Dougten nói.
Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Catherine Russell cũng nhấn mạnh thảm cảnh "hơn 420 trẻ em bị giết hoặc bị thương ở Gaza mỗi ngày" do bom đạn.
Không chỉ vậy, bà còn cho biết nhà máy khử muối còn lại của Gaza hiện chỉ chạy với 5% công suất, trong khi các nhà máy xử lý nước thải đã dừng hoạt động. Bà nói thêm: "Việc thiếu nước sạch và vệ sinh an toàn đang có nguy cơ trở thành thảm họa".
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Philippe Lazzarini, người phụ trách Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), cho biết tỉ lệ tử vong của người Palestine tại Bờ Tây đang ở "mức cao nhất kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 2005".
Cùng với UNICEF, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Gaza đã báo cáo 34 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trong đó có 21 bệnh viện và 12 trong số 35 bệnh viện của Gaza không thể hoạt động nữa.
Ít nhất 221 trường học và hơn 177.000 căn nhà bị hư hại hoặc phá hủy, nước sạch nhanh chóng cạn kiệt, 55% cơ sở hạ tầng liên quan cần được sửa chữa hoặc xây lại.
Hàng viện trợ không đủ
Mặc dù phía Israel vừa đồng ý cho phép mỗi ngày có 100 xe tải chở hàng viện trợ được vào Gaza, nhưng con số này vẫn còn quá ít so với tổng số 455 xe tải viện trợ mỗi ngày trước khi xảy ra chiến sự. Một giải pháp "đình chiến nhân đạo" tổng lực và toàn diện đang thực sự trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết cho người dân ở Dải Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận