14/12/2014 09:45 GMT+7

​Thắm của những bất ngờ

HỒNG ÁNH
HỒNG ÁNH

TT - Xe ôm của Thắm cho tôi một dự cảm tốt lành về một nữ đạo diễn trẻ của phim tài liệu.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (giữa) bên cạnh hai nhân vật trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng trong ngày ra mắt phim tại TP.HCM - Ảnh: blue productions

Lần đầu tiên gặp Thắm vào năm 2011, bất ngờ đầu tiên của tôi là cô gái có cái tên rất nữ tính nhưng lại rất... con trai, từ tướng mạo tóc tai, quần áo phủi bụi đến tính cách lầm lì, ít nói... Tôi có phần bối rối...

Quyết định hợp tác với Thắm có thể coi là một sự “đánh liều”. Nhưng sau khi xem tác phẩm thì cảm nhận lại trở về vị trí ban đầu, đúng với cái tên Thắm rất... nữ tính, với những thước phim tình cảm, tinh tế về một phụ nữ làm nghề vốn rất khô khan - chạy xe ôm.

Xe ôm của Thắm cho tôi một dự cảm tốt lành về một nữ đạo diễn trẻ của phim tài liệu.

Cuộc phiêu lưu của người dấn thân

Sau ba năm, tôi gặp lại Thắm cùng với thành quả mới của bạn - Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.

Với tôi, đây có lẽ mới là bất ngờ lớn nhất về cô gái trẻ. Bộ phim dài 86 phút đã làm tôi bật khóc vì cả nội dung và sự bất ngờ về đạo diễn. Có lẽ cuộc đời chị Phụng được kể lại không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế của một đạo diễn mà còn cả sự dấn thân, liều lĩnh, cộng với một chút máu phiêu lưu.

Thắm nói: “Tôi thích phiêu lưu và dịch chuyển nên thấy mình hợp nhất với phim tài liệu. Tuổi thơ sống nhiều ở công trường, trong rừng theo ba mẹ rày đây mai đó vì làm thủy điện nên tôi có dịp tiếp xúc nhiều với người lao động, thấy mình hiểu, tự tin hơn khi làm phim về họ. Và họ mang đến cho tôi nhiều cảm xúc vì tôi cũng xuất thân từ tầng lớp lao động”.

Với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Thắm đã mất năm năm để hoàn thành bộ phim này từ việc khảo sát tìm đề tài, quay phim, thực hiện hậu kỳ, luôn cả những khoảng ngừng lại vì không có tiền làm phim, phải đi xin tài trợ, phải đi làm phim cho người khác để kiếm tiền làm phim cho mình, rồi khi kết thúc phần quay Thắm gần như trống rỗng.

“Gắn bó, lê la theo đoàn lâu rồi thấy các chị như trong gia đình. Giờ kết thúc phần quay về thành phố thấy mình ngơ ngác lạc lõng, nhiều lúc nhớ đoàn, nhớ mọi người quá lại ôm máy về đoàn chơi vài hôm, cảm giác như được trở về nhà” - cô đạo diễn trẻ kể lể.

Một máy quay, một cần âm thanh, một laptop và thi thoảng là một người bạn nữ làm công việc thu âm đồng hành - cô gái trẻ đã lăn lộn cùng làm việc, cùng ăn, cùng ngủ với đoàn lôtô Bích Phụng như “chị em” trong nhà. Thi thoảng về Sài Gòn, Hà Nội đi làm để có tiền mà... đi tiếp.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đang quay phim tài liệu Xe ôm - Ảnh: B.P.

Sinh năm 1984, Nguyễn Thị Thắm tốt nghiệp đạo diễn Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM năm 2007. Cô từng tham gia khóa học đạo diễn, dựng phim của Công ty truyền thông và sản xuất nghe nhìn Varan Việt Nam khóa 2005-2006.

Những phim đã thực hiện: Chào con chào baby (2005), Ông và cháu (2006), Xe ôm (2011- bằng khen LHP Việt Nam 2013)...

Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã đoạt giải Special Mention ở LHP tài liệu Chopshots (Indonesia), tham gia tranh giải tại: Cinéma du Réel (Pháp), Humanright Festival (Myanmar), Margaret Mead Festival (New York, Mỹ), Women Make Wave Festival (Ðài Loan)...

Tôi làm phim về những người bị lãng quên

Hình dung một cách sơ lược về chọn lựa của Thắm, đáng ngại nhất có lẽ là chuyện ăn uống thiếu thốn, điều kiện vệ sinh, sức khỏe, thứ nữa là sự cảm thông, đồng điệu của những người vốn không cùng hoàn cảnh sống...

Nhưng hỏi Thắm sợ gì nhất trong những ngày theo đoàn, cô bảo “chỉ sợ nhất là bị người yêu của các chị hiểu lầm và... đánh ghen”. Ðùa vậy chứ thực tế có lẽ không biết bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm với Thắm trong suốt quá trình thực hiện bộ phim này, đỉnh điểm là vụ tấn công của những kẻ ác ý cháy cả nhà cả rạp, Thắm chỉ còn một bộ đồ trên người và chiếc máy quay...

Bù lại, có lẽ đây là quãng thời gian đầy ắp trải nghiệm thú vị với cô đạo diễn trẻ. Thắm được sống như một thành viên của đoàn Bích Phụng, không cần mang gạo đến góp như những buổi đầu mà được nuôi sống, phân công việc.

Cũng như mọi người, sau đêm diễn Thắm cùng góp tiền nhậu, cùng thức trắng đêm tâm sự chuyện tình cảm... Những lần trở lại đoàn, Thắm cũng không quên mua quà Hà Nội, quà Sài Gòn cho mọi người như mua quà về quê thăm nhà...

Có người đã hỏi Thắm làm sao để các nhân vật tin tưởng mà quên đi cái máy quay, nói cười tự nhiên và “ruột gan” chia sẻ câu chuyện đời mình?

Chính người trong cuộc đã có câu trả lời lâu rồi như cách chị Bích Phụng từng chia sẻ với Thắm: “Trước giờ chưa có ai thật sự quan tâm đến cuộc sống của những người trong đoàn lôtô hội chợ cả, những người “bóng gió” như bọn chị, giờ có em muốn làm phim về đoàn hát này nên chị sẽ bộc bạch hết không giấu giếm để nhiều người hiểu hơn về mình, để có thể bớt đi những định kiến không hay, để được yêu thương và chấp nhận”.

Còn Thắm, cũng từ lâu rồi đã có một lời đáp: “Tôi không hề nghĩ sẽ làm phim về người chuyển giới mà làm phim về những con người yếu thế bên lề xã hội có thể bị lãng quên, cộng thêm sự phiêu lưu trên những chặng đường mà mình không biết chuyện gì sẽ đến
luôn hấp dẫn tôi”.

Chuyến đi của chị Phụng khép lại, bộ phim được hoàn thành, hành trình dấn thân hơn năm năm của nữ đạo diễn trẻ đã kết thúc, và giờ đây là hành trình hoàn toàn mới của bộ phim khi bắt đầu ra rạp.

Cứng cỏi và có vẻ “bất cần” vậy mà tôi thấy vào buổi chiếu ra mắt, cũng như những người làm nghề khác, Thắm đứng ở một góc rạp theo dõi khán giả xem bộ phim của mình. Những câu trả lời cứng cỏi, sắc sảo trong cuộc giao lưu với khán giả là các bất ngờ tiếp theo của tôi về Thắm.

Ngay cả khi bộ phim đã đóng máy, tôi tin bạn đang dần lớn lên trên con đường nhọc nhằn đã chọn. Và như vậy, tôi có cơ sở để mong chờ thêm những bất ngờ từ nữ đạo diễn trẻ này sẽ mang lại trong nghề. 

HỒNG ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên