Trên thị trường có vô số loại gạo, trong khi gạo giả, thật, chất lượng, nguồn gốc thế nào lại rất khó nhận biết - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thị trường gạo ở vựa lúa miền Tây Nam Bộ và TP.HCM hiện có đến vài chục loại được bày bán. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó nhận biết được gạo ngon, gạo dở, nguồn gốc và phẩm cấp ra sao.
Theo ông Đỗ Minh Nhựt - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, có một thực tế là lâu nay các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu lo xuất khẩu chứ rất ít doanh nghiệp quan tâm thị trường gạo nội địa.
Chọn mua gạo theo khẩu vị
Ngày 5-12, rảo một vòng quanh các chợ ở TP Rạch Giá (Kiên Giang), PV Tuổi Trẻ ghi nhận gần như tất cả các bà nội trợ đều chọn mua gạo nấu cơm cho cả nhà theo khẩu vị. Những yếu tố khác như thương hiệu, chất lượng, hàm lượng các chất có trong gạo, truy xuất nguồn gốc... đều không ai quan tâm.
Tại chợ Bắc Sơn, phường Vĩnh Bảo (TP Rạch Giá), bà Trần Thị Phương (64 tuổi, ngụ cùng phường) cho biết gia đình bà có 7 thành viên, việc ăn loại gạo nào là do đa số ý kiến trong nhà quyết định. Gạo nở mềm giá 19.500 đồng/kg được gia đình bà Phương chọn ăn đã 5-6 năm nay. Ban đầu, gạo này chỉ có giá 11.500 đồng/kg, nhưng theo thời gian giá cứ tăng dần mà không biết tại sao.
Tại một cửa hàng gạo khá lớn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Thanh, ông Trần Văn Của (57 tuổi) kêu cửa hàng cân 20kg loại xốp dẻo, thơm. Bà V. - chủ cửa hàng gạo - cho hay gạo này mua từ trong quê ở huyện Gò Quao ra đem đi lau trắng lại rồi bán. Bà V. cũng xác nhận trước đây gắn một số tờ giấy ghi "gạo Thái mềm", "Thái dẻo", "Thái thơm"... là tự phối trộn theo khẩu vị của khách hàng, chứ không hề nhập gạo của Thái Lan hoặc mua gạo được trồng bằng giống của Thái như nhiều người lầm tưởng.
Tương tự, tại hầu hết các cửa hàng gạo ở Đồng Tháp cũng buôn bán nhiều loại gạo bao gồm cả các loại gạo thông thường và những thương hiệu gạo nổi tiếng như Cỏ May, Công ty Lương thực Đồng Tháp... Giá cả tùy vào chất lượng gạo và thương hiệu mà dao động từ 12.000 đến hơn 22.000 đồng/kg.
Bà Hình Thị Thùy Dương (TP Sa Đéc) cho biết trước giờ rất lung bung về các loại gạo có mặt trên thị trường nên bà lựa chọn mua gạo theo cảm quan cá nhân là chủ yếu.
Cửa hàng bà Chẩm bán đầy đủ các mặt hàng gạo lẻ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - Ảnh: C.CÔNG
Mua phải gạo pha trộn
Bà Nguyễn Hồng Thắm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết gia đình bà ở Cần Thơ được hơn 10 năm, đồng thời trong 10 năm đó, bà Thắm thường ra chợ mua gạo lẻ về ăn. "Trước đây gạo lẻ ít chủng loại lắm. Bây giờ, gạo nào cũng có. Tôi thấy người tiêu dùng dễ chọn lựa nhưng thật sự bối rối vì mua đại chứ không biết loại nào ngon, loại nào không ngon, thậm chí có thể bị đánh lừa từ gạo dở thành gạo ngon" - bà Thắm nói.
Chị Trần Thị Ánh Nguyệt, ở phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết có nghe chuyện "loạn gạo" và gạo giả. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, chị Nguyệt nói chị chỉ gặp phải tình cảnh gạo kém chất lượng (hay còn gọi gạo pha trộn 50% gạo dở và 50% gạo ngon). "Tôi nghĩ tình trạng này ở đâu cũng có chứ không riêng ở TP Cần Thơ. Gặp như vậy, tôi mua một lần thôi" - chị Nguyệt nói.
Bà Võ Thị Chẩm, chủ cơ sở bán gạo lẻ lô 13 trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều), cho biết bà từng được một số tiểu thương mách nước pha gạo bán để kiếm lời. Tuy nhiên, bà Chẩm cho rằng: "Buôn bán cần uy tín. Pha gạo có lời nhiều đó nhưng liệu có lâu bền".
"Gạo tôi lấy ở Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng là chính. Người ta đến mua cũng nói nhiều loại gạo quá họ khó chọn. Nhưng thói quen của người dân thường mua chỗ nào bày nhiều chủng loại gạo, còn nếu tôi lấy ít sẽ khó bán" - bà Chẩm cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ phường 1, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), cho hay chị không có nhiều thông tin về loại gạo mình đang dùng, đại lý giới thiệu sao tin vậy. "Gạo cân trong bao, không có bao bì giới thiệu làm sao biết xuất xứ, đặc tính. Bỏ tiền mua gạo nhưng chưa chắc ăn được gạo "gốc", nhiều loại pha trộn với nhau không chừng" - chị Hồng lo lắng.
Theo đại diện một đơn vị phân phối gạo chính hiệu, nếu muốn trộn, các vựa gạo lớn thường mua sỉ bao 50kg ngay tại nhà máy xay xát và trộn lại theo công thức 7 phần gạo chất lượng thấp và 3 phần chất lượng tương đương gạo cần nhái, thậm chí tỉ lệ là 8 và 2. Tuy nhiên, người bán rất tinh ý bằng cách chỉ ưu tiên trộn những gạo có độ dẻo tương đương nhằm "đánh lừa" vị giác người ăn.
Thậm chí, người bán sẽ mua gạo có thương hiệu cần nhái về ăn thử để có "công thức", từ đó tìm cách pha trộn mà không cần gạo chất lượng. Với loại gạo được pha trộn, dù giá bán thấp hơn gạo thương hiệu thật sự nhưng mức lời có thể 5.000-6.000 đồng/kg gạo bán ra, thậm chí lời gấp đôi "gạo đểu" được dùng để pha trộn. "Một sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn như gạo chỉ cần lời vài ngàn đồng mỗi ký là người bán bất chấp" - vị này khẳng định.
N.TRÍ
Ít doanh nghiệp quan tâm thị trường nội địa
Ông Đỗ Minh Nhựt - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết có một thực tế là lâu nay các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu lo xuất khẩu chứ rất ít doanh nghiệp quan tâm thị trường gạo nội địa.
Trên thị trường gạo nội địa, ông Nhựt cho biết hiện mới có vài doanh nghiệp quan tâm đến xây dựng thương hiệu riêng. Những doanh nghiệp này đầu tư bài bản, hoàn thành cả chuỗi giá trị từ giống, quy trình canh tác cho tới thành phẩm đưa ra thị trường. Còn lại hầu hết doanh nghiệp phân phối gạo, cho dù có thương hiệu khá tiếng tăm nhưng nếu cứ theo kiểu "phối trộn" thì cũng chỉ là cửa hàng bán gạo "phóng lớn" lên thành công ty, không có chiến lược phát triển lâu dài.
Không yên tâm với hạt gạo mua về nhà
Hiện nay người tiêu dùng có quá nhiều thương hiệu gạo để chọn lựa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi nhiều nơi quá chăm chút cho thị trường gạo xuất khẩu, Đồng Tháp đã quay về với thị trường gạo trong nước. Năm 2018, UBND tỉnh đã đứng ra xây dựng thương hiệu gạo "Ruộng nhà mình", kết nối với doanh nghiệp đưa gạo thẳng lên container phục vụ thị trường Hà Nội. Chuỗi liên kết từ người trồng, người thu mua, người phân phối và người xây dựng, bảo vệ thương hiệu.
Không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn phải xử lý những trường hợp bất lợi cho thương hiệu, nhất là những chuyện thật giả lẫn lộn trên thị trường. Mới đây, gạo của một doanh nghiệp ở tỉnh này bị tung lên YouTube cho rằng "gạo cao su". Ngành chức năng lập tức kiểm tra và trả lại sự trong sạch cho thương hiệu doanh nghiệp đã cất công xây dựng nhiều năm.
Trả lại giá trị cho từng loại gạo Việt cũng là mong muốn của người tiêu dùng cả nước. Mỗi lần mua gạo là một lần băn khoăn. Khi đời sống khấm khá hơn, muốn mua gạo ngon cũng không dễ, không chắc gì mua được đúng gạo mình cần. Không phải ai cũng đủ điều kiện tìm đến các siêu thị và chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp. Ra chợ thì hoa mắt với các biển tên bụi dẻo, bụi mềm, gạo nở nàng thơm... Cũng không thiếu các loại gạo được vào túi sẵn, có tên tuổi đi nửa giờ cũng không dám chắc là đúng.
Lắm khi mua gạo dẻo về nấu lên thành cơm khô khốc, người bán giải thích mua mỗi lần hàng chục bao, hạt gạo cũng giông giống nhau vậy, đâu thể ăn thử hết mà phân biệt được! Người bán "chịu thua" rồi thì bà nội trợ chọn theo cách nào?
Tôi nghĩ mỗi giống gạo ngon cần có một hoặc vài doanh nghiệp thu mua và phân phối theo hệ thống. Doanh nghiệp cần quảng bá nhiều hơn để thị trường "nhận diện" được hạt gạo ngon thật của mình. Người tiêu dùng giờ chấp nhận chi thêm tiền để mua gạo ngon nhưng khó quá! Nhà nước cần xử lý ráo riết nạn giả mạo thương hiệu gạo, tung tin đồn thất thiệt về hạt gạo Việt. Người mua chưa thể an tâm với hạt gạo mình mua về nhà, đây là điều trớ trêu và quá đau lòng ở một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới.
- Độc giả Ngọc Hóa -
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận