Tác giả Phạm Uyên Nguyên (phải) và "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành, người cũng vừa xuất hiện ở chuyên mục của trang báo này, bài "Thanh, điều đó không phải là tận thế", số ra ngày 21-7-2018 - Ảnh: NVCC
Ông là một trong số sinh viên được nhận học bổng này và có những đóng góp nhất định cho cuộc sống. Xin giới thiệu bài viết của ông:
Ngày đó, tôi là sinh viên, đang học thạc sĩ năm cuối tại Singapore. Hôm đó, tôi có được cuộc hẹn gặp lúc 5h chiều với một vị giáo sư khả kính về đề tài tốt nghiệp.
Tôi đã phải mất cả tháng trời mới có được cái hẹn với vị giáo sư rất nổi tiếng và bận rộn này.
Những điều không như ý
Từ nơi tôi ở cách trường khá xa, hơn một tiếng đồng hồ đi bằng metro và hai chuyến xe buýt. Để giữ đúng giờ hẹn, tôi đã rời khỏi nhà từ 3h chiều với ý nghĩ tới trước giờ hẹn ít phút để còn có thời gian uống nước, ăn chút gì lót dạ ở căngtin rồi rửa mặt, chỉnh trang y phục trước khi gặp thầy.
Nhưng tôi đã gặp liên tiếp các tình huống không lường trước. Đầu tiên là ở trạm metro đông nghẹt người xếp hàng. Khi gần đến lượt mình, tôi chợt thấy một phụ nữ mang thai bế theo một cô bé khoảng 2 tuổi. Tôi đã nhường vị trí của mình cho chị và kết quả là lỡ một chuyến metro mất 20 phút...
Xuống đến trạm xe buýt chuyển tiếp từ metro, cũng vẫn tình trạng xếp hàng đông nghẹt đó và dù không nhường ai, nhưng tôi phải đợi đến 20 phút mới chen chân vào được xe buýt thứ nhất.
Đến trạm xe buýt thứ hai thì không phải xếp hàng, nhưng trên đường đi có sự cố giao thông nghiêm trọng gây kẹt xe, nên xe buýt phải đi mất gấp 3 lần thời gian bình thường mới đến được trạm dừng.
Xuống xe buýt, nhìn đồng hồ đã là hơn 6h tối, tôi vã mồ hôi lạnh, bủn rủn hết cả người, cố gắng chạy thật nhanh đến cửa phòng làm việc của vị giáo sư.
Khi tôi mới sang du học, người ta đã nhắc nhở tôi rằng Singapore là một đất nước với nguyên tắc "no excuse, no sorry" - không chấp nhận lời xin lỗi và giải thích lý do này kia khác nọ, tốt nhất là hãy làm tốt và đúng hẹn để không phải xin lỗi và giải thích!
Phòng làm việc của giáo sư đóng kín và tôi vừa thở dốc vừa gõ cửa dồn dập với một tâm trạng sợ hãi, hoang mang vô vọng...
Nhiều lần trong cuộc đời, khi gặp các tình huống khó khăn hoặc không như ý muốn, thay vì tỏ ra khó chịu, bực tức hay nổi xung, chỉ trích... người khác, tôi thường hít một hơi sâu, thở ra nhè nhẹ, tự cân bằng tâm trạng của mình để tìm lại món quà mang tên “may mắn thay” mà vị giáo sư đã tặng năm nào
Bài học vô giá
Cánh cửa phòng bật mở. Và chuyện không như tôi lo sợ. Giáo sư Arthur Lee Gilbert khả kính tóc bạc trắng nở một nụ cười niềm nở, mời tôi vào trong với một ly nước chờ sẵn.
Ông là người Mỹ, dạy học tại Trường NTU, Singapore. Ông ôn tồn bảo tôi uống nước và đưa cho ít khăn giấy để lau mồ hôi trên mặt.
Tôi lắp bắp:
- Con xin lỗi... Con đã đi từ 3h bằng phương tiện giao thông công cộng...
Vị giáo sư bật cười, ngắt lời:
- Vì cậu không có ôtô riêng và không đủ tiền đi taxi đúng không? Ngày trước bằng tuổi cậu ta cũng thế, nhưng bây giờ thì sự cố kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn...
Tôi thấy nhẹ nhõm hẳn và hiểu rằng không cần mất thêm thời gian để xin lỗi và giải thích lý do đến trễ hơn một tiếng của mình nữa. Ông nhìn đồng hồ và mỉm cười:
- Chúng ta sẽ có với nhau 45 phút, rồi tôi phải về vì bà xã nhà tôi đang chờ cơm tối. Lát nữa xong ta sẽ cho cậu đi nhờ xe đến trạm metro gần nhất để về nhà!
Tôi nhìn thầy với ánh mắt thay lời cảm ơn. Ông từ tốn bảo:
- Trong hơn một giờ đồng hồ chờ con, may mắn thay, ta đã gặp được một người chắc là quan trọng hơn con nhiều...
Tôi nhìn quanh phòng, không thấy ai ngoài ông. Vị giáo sư bật cười, giải thích:
- Người đó là chính ta! Ta đã có thời gian để suy nghĩ thêm, thảo luận với chính mình để tự phản biện và đưa ra thêm các giả thiết (hypothesis) cho đề tài mà ta sắp thảo luận với con về khả năng thực hiện nó đây...
Tôi lấy giấy bút ra và trong vòng 45 phút thần tiên đó, hai thầy trò đã xác định được tên, nội dung và phạm vi giới hạn của đề tài.
Đó là đề tài "Mô hình Chiến lược đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào VN: điển cứu từ ngành viễn thông" sau này được hoàn thành năm 1994, nội dung đưa ra những khuyến nghị về chiến lược đầu tư cho các tập đoàn lớn khi đầu tư vào VN khoảng những năm 1990 về sau.
Đó chính là đề tài mới và đầy thách thức của luận văn thạc sĩ mà tôi đã nhận thực hiện. Với hơn 200% nỗ lực tự thân và sự hướng dẫn nghiêm khắc nhưng tận tình của thầy, tôi đã hoàn thành luận văn với điểm xuất sắc, được giải thưởng của trường.
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết "may mắn thay" mà tôi đã lĩnh hội được trong cái khoảnh khắc kỷ niệm khó quên với vị giáo sư hướng dẫn khả kính.
Nhiều lần trong cuộc đời, khi gặp các tình huống khó khăn hoặc không như ý muốn, thay vì tỏ ra khó chịu, nổi giận, bực tức hay nổi xung, chỉ trích... người khác, tôi thường hít một hơi sâu, thở ra nhè nhẹ, tự cân bằng tâm trạng của mình để tìm lại món quà mang tên "may mắn thay" mà vị giáo sư đã tặng năm nào.
Từ đó về sau, tôi chọn thái độ sống biết tha thứ, độ lượng và cảm thông với cuộc đời, với chính mình và với những người khác.
Chính sự tỉnh táo biết tự cân bằng tâm trạng đó, rất nhiều lần tôi đã tìm ra được sự may mắn, nhiều giải pháp bất ngờ vượt qua các tình huống khó khăn nhất trong cuộc sống.
Năm 1994, Phạm Uyên Nguyên được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Singapore đi du học chương trình cao học quản trị kinh doanh (MBA) tại hai trường đại học Nanyang Technological University (NTU - Singapore) và Pennsylvania State University (PSU - Mỹ).
Trong thời gian du học, ông từng làm cố vấn đầu tư (Investment Advisor) cho Công ty quản lý đầu tư của Chính phủ Singapore (Government of Singapore Investment Corporation - GSIC).
Trở về Việt Nam từ năm 1997, ông tham gia sáng lập và làm việc tại Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU); tham gia sáng lập và làm giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Bảo Việt chi nhánh TP.HCM;
Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty VinaCapital, Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) niêm yết tại London.
Hiện ông Phạm Uyên Nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần đầu tư và đào tạo Doanh Chủ; chủ tịch HĐQT Công ty Dược Ninh Thuận;
Thành viên HĐQT Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng; thành viên HĐQT Công ty Dược An Giang, Công ty cổ phần khách sạn du lịch Saigon - Mũi Né...
Từ ngày 3 đến 6-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Thanh Anh Nhàn, Lê Thuấn, Thi Nhân, Thạch Thị Thanh, Phạm Uyên Nguyên (TP.HCM); Thịnh Nguyễn (Biên Hòa); Nguyễn Thị Thủy (Quảng Bình).
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Phụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Trân trọng.
đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận