16/02/2018 07:14 GMT+7

Tết xa nửa vòng Trái đất

TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA

Khi ngồi viết những dòng này, tôi ở cách Việt Nam nửa vòng Trái đất. Tôi ngồi dưới ánh nắng mặt trời Nam Mỹ đang chuyển từ xuân sang hạ, nhớ về những ngày lang thang trên lục địa Á - Âu và nhớ cả quãng thời gian chuẩn bị cho chuyến đi ấy.

TTX - Khi ngồi viết những dòng này, tôi ở cách Việt Nam nửa vòng Trái đất. Tôi ngồi dưới ánh nắng mặt trời Nam Mỹ đang chuyển từ xuân sang hạ, nhớ về những ngày lang thang trên lục địa Á - Âu và nhớ cả quãng thời gian chuẩn bị cho chuyến đi ấy.

ến lạ, đi riết rồi nhìn gì cũng thấy đẹp, nhìn gì cũng thấy yêu mến, rồi tự nhận ra chuyến đi này thật đẹp đẽ và ý nghĩa. 

Chuyến đi mất 150 ngày tính từ lúc khởi hành ở TP.HCM đến khi tới tháp Effiel, Paris. Nhưng 150 ngày ấy là cả một giấc mơ được nuôi dưỡng từ thuở bé, bị quên lãng nhiều lần, để rồi sau một loạt biến cố, nhận vô vàn "tín hiệu tốt lành" thì cuối cùng ngày khởi hành 1-6-2017 cũng tới và dẫn đến ngày hôm nay.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 2.

Mọi đứa trẻ sinh ra trên đời đứa nào chắc cũng có lần ước mình được đi khắp thế gian, mơ được ngắm nhìn những miền đất lạ, thèm lao mình vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, quyến rũ và mê hoặc, giống như những cuộc phiêu lưu trong các cuốn sách cho trẻ em. Tôi cũng vậy.

Sách tôi đọc gồm Hai vạn dặm dưới đáy biển và 80 ngày vòng quanh thế giới của nhà văn Jules Verne, Đảo giấu vàng của Robert Stevenson, Những cuộc phiêu lưu của Tin Tin của Georges Remi hay các tập truyện dài trong Doraemon cực kỳ quen thuộc...

Sinh ra ở vùng quê miền Tây năm 1986, thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn nên cuộc sống của tôi cũng thiếu thốn và nhiều vất vả như bao đứa trẻ khác.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 3.

Lúc tôi lên cấp hai thì mẹ bắt đầu vào làm trong thư viện của huyện, một công việc với số lương cực kỳ ít ỏi, chưa đủ tiền đi chợ. Nhưng không ngờ đó lại là cơ duyên để tôi đọc nhiều sách và gây dựng trong tôi sự tò mò về thế giới xung quanh mà xa xôi.

Một hôm, ba tôi mang một tấm bản đồ thế giới về nhà, loại bản đồ ngày nay vẫn bán ở các nhà sách, hệ màu vẫn còn giữ nguyên. Lúc ấy, gia đình tôi còn ở nhà thuê nhỏ xíu, tấm bản đồ chiếm gần hết bức tường đầu giường ngủ. Trên giường đó, tôi hay bị phạt quỳ úp mặt vào tường, ngay dưới tấm bản đồ.

Úp mặt vào đó miết, không có gì làm, tôi ngó bản đồ. Riết rồi thuộc gần hết tên các quốc gia và vị trí của nó. Ba thỉnh thoảng chỉ cho tôi kinh độ, vĩ độ là gì rồi nói đại tọa độ để tôi tự tìm xem chỗ giao nhau là nước nào.

Lần mò trên tấm bản đồ ấy, tôi nghĩ ngợi có khi nào một ngày nào đó mình cũng được đi khắp nơi nhìn ngắm thế giới. Nhưng đối với một đứa trẻ miền quê, học hành tàm tạm, không năng khiếu gì xuất chúng thì việc đó dường như quá xa vời.

Tôi cắp vali lên Sài Gòn trọ học xa nhà, đi làm kiếm thêm tiền phụ trả học phí, thuê ký túc xá, tự lo chuyện ăn uống... Nhà tôi khi ấy cũng khó, tôi không có xe máy riêng, chỉ đi bộ hoặc dùng chiếc xe đạp người anh họ cho mượn.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 4.

Cuối năm 2009, tôi mua chiếc xe máy đầu tiên, 97cc. Không ngờ kể từ giây phút ấy, chiếc xe đã gắn bó và cùng nhau khám phá khắp mọi miền đất, ghi những dấu ấn không thể nào quên.

Những chuyến đi đã giúp tôi phát triển và luyện tập rất nhiều kỹ năng như cách sửa xe cơ bản, lái xe an toàn qua các loại địa hình, giao tiếp với người địa phương, xử lý các tình huống xấu, luyện để bình tĩnh và không sợ hãi khi bị lạc trong rừng. Quãng đường tôi đi dài dần, từ một trăm đến vài trăm kilômet, lên đến cả ngàn rồi vài ngàn kilômet, đỉnh điểm có lúc đạt mức xấp xỉ chục ngàn kilômet.

Sau hàng trăm chuyến đi dài ngắn ngang dọc đất nước, sang các quốc gia lân cận và đặc biệt là chuyến đi năm 2015 từ Việt Nam sang Singapore, tôi mới nghĩ tại sao lại không đi xa hơn nữa, ra khỏi Đông Nam Á, rồi ra khỏi châu Á đến một châu lục khác hoặc nếu đi một vòng Trái đất như giấc mơ ngày xưa trên tấm bản đồ?

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 6.

Vậy là bắt đầu nối lại giấc mơ xưa, tích lũy tất cả kinh nghiệm của 7 năm lang thang xuyên Việt cùng chiếc xe - cũng là người bạn đồng hành, sục sạo trên mạng, lân la làm quen và hỏi những người bạn từng đi đứng thành công hoặc có lộ trình tương tự, rồi ghi chép, tổng hợp, tích lũy.

Càng đi sâu tìm hiểu, càng nhiều vấn đề phát sinh và đôi lúc dường như không thể trả lời hết các câu hỏi mà mình tự đặt ra. Nhiều lần nghĩ nản lòng: chắc sẽ không bao giờ làm được điều này.

Rồi lại hai năm nữa trôi qua, lúc gần như bỏ cuộc thì một bức thư từ Malaysia gửi sang thông báo họ đồng ý làm giấy thông hành xe Carnet cho tôi. Giờ vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ấy, người như sững lại vì ngỡ ngàng, không ngờ bước khó nhất đã thành công. Vậy là suốt quãng thời gian 6 tháng trước khi đi cứ hồi hộp, lo lắng vì giấc mơ ngày xưa đã sắp thành hiện thực rồi.

Ba tháng cuối trước khi đi là quãng thời gian cực nhọc và bận rộn nhất vì phải làm nhiều việc cùng lúc: xin visa lần lượt các nước, phải bay ra Hà Nội xin visa Pakistan, rồi gấp rút làm hồ sơ và đi gõ cửa từng công ty tìm cơ hội hợp tác để tạo thu nhập cho chuyến đi này.

Vô số lần gặp gỡ người này người nọ để hỏi han và ghi chép, gấp rút làm bằng lái quốc tế, tìm mua bảo hiểm, sửa và khôi phục chiếc xe gần như mới để đảm bảo an toàn và độ vận hành trơn tru, rồi mua sắm thêm đồ đạc, check lại các công việc cần phải làm.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 7.

To-do-list (danh sách việc phải làm) dài gần như vô tận. Cuối cùng nó cũng ngắn dần. Cũng đến lúc đi ăn tạm biệt đồng nghiệp, tạm biệt từng nhóm bạn thân, tạm biệt gia đình nội ngoại vì chắc sẽ đi lâu nữa mới trở về, và biết trước năm nay phải đón Tết xa nhà.

23h30 ngày 31-5, tôi tạm biệt mẹ và em trai lần nữa rồi nổ máy, trong cơn mưa lâm râm của Sài Gòn lăn bánh những kilômet đầu tiên trên chặng đường 20.000km từ Sài Gòn đến Paris.

Rời căn nhà trọ, tôi ra cầu Chánh Hưng, rồi đi về phía An Sương, qua Trảng Bàng và đến gần cửa khẩu Mộc Bài ngủ, để hôm sau tạm biệt Việt Nam đúng ngày 1-6 như dự định.

Vậy là giấc mơ ngày xưa xem như đã thành sự thực.

Chuyến đi này tạo cho tôi cách nhìn mới về sự sống, về cái chết, về những giá trị của con người, quan niệm về hạnh phúc. Tôi đã bỏ đi nhiều định kiến hay hiểu sai về các quốc gia mà trước đây tôi cứ nghĩ là không an toàn, nhiều cạm bẫy. Đúng như Mark Twain nói: "Chu du là kẻ thù của định kiến, mù quáng và thiển cận".


Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 8.

Tôi cũng nhiều lần đặt chân lên những vùng đất vắng người dân và cũng vắng cả du khách, không một ai quen biết, không ai nói được tiếng Việt hay tiếng Anh. Mưa lớn, trời tối dần, mình co ro trú mưa dưới mái hiên nhà người lạ, thấy cô đơn và nhớ nhà, rồi tự hỏi tại sao mình ra đi? Sao không ở nhà cho sướng mà lại lang thang cùng trời cuối đất thế này?

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 9.

Những chú chó hiền lành đang nghỉ trưa ở Masouleh. Ở đây mọi thứ đều trông có vẻ chậm rãi và khoan thai, không vồn vã

Tuy nhiên, đó là những giây phút yếu lòng bất chợt, vì sau cơn mưa trời lại sáng. Những lúc như thế mới thấy được ý nghĩa của cuộc sống và thấy thêm màu sắc cho chuyến đi. Những giây phút như thế, tôi đoán biết sẽ xuất hiện rất nhiều và đã phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận chúng.

Chuyến đi còn cho tôi một bài học về tình yêu cuộc sống, khi thấy những mảnh đời bất hạnh ở những nước nghèo nhưng luôn lạc quan và cố gắng để không những tồn tại mà còn vươn lên tìm hạnh phúc.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 10.

Đến lạ, đi riết rồi nhìn gì cũng thấy đẹp, nhìn gì cũng thấy yêu mến, rồi tự nhận ra chuyến đi này thật đẹp đẽ và ý nghĩa, rằng mọi nỗ lực bỏ ra  đã được đền đáp xứng đáng, dù không biết tôi có thể đi được đến đâu và còn bao xa nữa.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 11.
Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 12.

Ngày thứ 46, 16-7-2017: 350km LAHORE - MULTAN. Càng tiến về phía Multan, về Sukkur thì càng cảm nhận rõ rệt sự thay đổi nhiệt độ sang kiểu vùng hoang mạc, trời hanh nóng và cây xanh càng lúc càng thưa càng nhỏ dần.

Tới nơi, tôi dừng chụp hình chỗ Kohna Fort ngay trung tâm Multan thì cảnh sát đến và hỏi giấy tờ, rồi gọi điện bảo sếp xử lý anh chàng này sao. Đợi một hồi cũng được cho đi và dặn tới Sukkur phải báo cảnh sát để hộ tống đi tiếp về Quetta. Mấy ảnh được cái cũng dễ thương, và tiếp tục màn selfie.

Khách sạn ở đây đắt và không cho người nước ngoài ở. Loay hoay một hồi, tôi gặp ông Muhammad Iqbal Ghangla đang chở 2 người bạn đi chơi, tình cờ thấy tôi nên rủ về nhà ngủ luôn, thật bất ngờ và có duyên hết sức.

Nhà Muhammad rất rộng, cuộc sống cũng khá, ông có hai con còn khá nhỏ. Hai người đang thuê phòng ở nhà ông là một người Ý tên Fabio và một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên Harun. Harun nói tiếng Anh khá yếu, nên bạn ấy phải rặn lắm mới diễn giải được.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 13.

Chụp ảnh cùng khi tạm biệt anh Muhammad và hai con trước khi rời Multan về Sukkur của Pakistan. Anh Muhammad đã cho tá túc và nấu ăn cho trong một đêm không tìm được chỗ ngủ, vì khu vực nhạy cảm nên họ không cho người nước ngoài tá túc. Anh Muhammad cũng là một biker rất có tiếng và uy tín ở Pakistan.

Còn điều thú vị và bất ngờ lại đến từ Fabio khi hóa ra anh là bạn của Pietro Porro, người vừa hoàn thành chặng chạy xe Vespa cổ từ Ý về Việt Nam, theo gương của anh Giorgio Bettinelli, một huyền thoại trước đây, tác giả quyển "In Vespa - da Roma a Saigon" trước đây tôi từng đọc.

Bữa cũng thấy Pietro post hình chiếc Vespa đỏ với cờ dán trên thùng xe, nên nhìn chiếc này là tôi nhận ra ngay, không ngờ lại có duyên gặp nhau tại đất Pakistan.

Ông Muhammad mời tôi ăn bánh Nan và gà chiên. Fabio vẽ bản đồ chi tiết cho tôi nên đi đâu cung đường nào khi đến Ý, rồi có cần hỗ trợ gì thì cứ gọi, vì tháng 10 này là Fabio về lại Ý sau khi hoàn tất hành trình từ Ý đến tận nước Úc xa xôi. Fabio cũng bằng tuổi tôi, cách nhau một tháng. Ảnh nói ảnh khùng, nhưng nghe kế hoạch của tôi thì bảo tôi còn khùng hơn!

Tôi tặng cái túi ngủ cho Fabio và Harun vì 2 tháng sắp tới không cần và nhìn xe chở nặng xót quá, nên đành lòng cho vậy, mốt mua cái mền nhỏ bù lại sau cũng được. Loay hoay tán dóc miết rồi cũng được ngủ, ông Muhammad không chịu ngủ phòng riêng, mà ở lại ngủ chung mới chịu, có điều ngáy to quá. Hôm sau, ông còn chở 2 đứa nhỏ tiễn tôi ra tận quốc lộ rồi mới chịu đi về. 

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 14.
Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 15.

Tôi dậy đi ăn trưa với bánh mì kebab và cà phê ngay đầu cổng, rồi đi tham quan quanh thị trấn Stepansminda. Về kiểm tra bánh xe thì không còn miếng hơi nào, chắc do hôm qua chở nặng mà chạy đường đá quá nên mới thủng ruột. Nãy đi ngang có tiệm sửa xe, nên bơm rồi chạy tạm ra đó nhờ giúp thay ruột. Họ không có đồ nghề gì hết vì là dịch vụ cho thuê xe tay ga cho khách. May có anh chủ và một anh chàng tên Giorgi Bazali giúp một tay.

Họ nhiệt tình kinh khủng, loay hoay làm không ngơi nghỉ. Có điều cái vỏ gai quá khó nạy và đồ vá mua theo bộ nên không tốt, nạy mãi mới ra được, lấy ruột ra xem thủng hai lỗ nhỏ xíu, nhưng vá lại thì keo khô không dính, lại phải tháo ra.

Tôi mở túi lấy ruột sơ cua ra rồi nhét vào, lắp bánh vào, nhưng lúc bơm lại không lên, đành phải làm lại. Lúc ấy cũng nản lắm, nhưng hai bạn kia động viên cố lên, để tụi tao giúp, đừng lo.

Tháo bánh ra, bị lủng lỗ nhỏ xíu, sau mới biết do lấy cây nạy đâm vào sâu quá lúc lắp vào nên mới bị thủng. Vậy là phải hồi hộp vá cái ruột sơ cua này, rồi hai anh chàng lấy đồ vá xe không ruột thử nhét vào cái vỏ cũ. Giờ tôi mới biết đem có hai cây nạy nên khó làm, biết vậy mang theo ba cây là tốt rồi.

Lần thứ hai tháo ruột thì trơn tru hơn, do tôi đã biết cách và quen cái vỏ gai rồi. Hồi sau lắp vào và hồi hộp bơm lên thử thì may mắn không bị xì nữa, nhưng không biết lúc chất đồ nặng và đi xa có bị sao không. Làm xong, tôi tạm biệt hai anh chàng và hẹn tối sẽ mời đi ăn.

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 16.
Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 17.

Trần Đặng Đăng Khoa trên bìa báo Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tuất

 Hành trình từ TP.HCM tới Paris của Trần Đặng Đăng Khoa

Tết xa nửa vòng Trái đất - Ảnh 19.

Kế hoạch hành trình về lại Việt Nam từ Pháp của Khoa



Trần Đăng Đăng Khoa chúc tết Mậu Tuất từ Cusco, Peru

TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
THÙY TRANG
BẢO SUZU
13/02/2018
TRẦN ĐẶNG ĐĂNG KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên