04/02/2019 19:08 GMT+7

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ

T. BẢO ANH
T. BẢO ANH

TTO - Bên cạnh những tiếng cười giòn giã trong các cuộc đoàn viên, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc còn chứa đầy những ác mộng từ chuyện cưới xin cho tới lì xì mừng tuổi.

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ - Ảnh 1.

Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Á năm nay rơi vào ngày 5-2, tức Mùng 1. Những ai tuổi Hợi được cho sẽ gặp nhiều may mắn - Ảnh: Vector Stock

Trong văn hóa của người Trung Quốc, có 12 loài động vật cùng nhau tạo nên cung hoàng đạo, thường được gọi là 12 con giáp. 

Một số con giáp được xem may mắn hơn những con khác, chẳng hạn Rồng được xem là con giáp may mắn nhất trong khi Dê được xem là con giáp không gặp nhiều thuận lợi. 

Sherman Tai, một người xem bói có tiếng và là chuyên gia phong thủy gốc Hoa hiện sống ở TP Vancouver (Canada), nhận định năm nay là năm có nhiều may mắn vì Heo được xem là loài vật may mắn, đặc biệt đối với những ai tuổi Hợi, theo tờ Huffington Post.

Tuy nhiên, dù người ta tuổi Hợi, Thìn hay Mùi thì miễn là họ ăn Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, họ hầu hết có chung một số phận: Gặp những ác cơn mộng trường kỳ - "đặc sản" của ngày Tết cổ truyền mà nhiều người Trung Quốc, đặc biệt giới trẻ, đã quá ngao ngán.  

Mỗi độ Tết đến xuân về, những cơn ác mộng này lại được đem ra bàn luận liên tục và khiến người ta phải thở dài vì nghe đi nghe lại quá nhiều. Vậy những cơn ác mộng này là gì?

Bao giờ cưới? Vẫn còn độc thân sao?

Đó là những câu hỏi bất hủ, trường tồn với thời gian mà nhiều bậc cha mẹ, ông bà, bà con chòm xóm… tại Trung Quốc hay cất lên mỗi khi con cháu họ về quê ăn Tết. 

Nhiều cha mẹ Trung Quốc quan niệm lập gia đình, sinh con cái đã trở thành trách nhiệm và rằng con cái họ không nên trốn tránh.

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ - Ảnh 2.

Tết nào cũng vậy, không chỉ riêng Tết con heo, những câu hỏi về cưới xin luôn khiến người trẻ Trung Quốc cảm thấy áp lực - Ảnh: QUARTZ

Thậm chí ngôn ngữ của người Trung Quốc cũng phản ánh niềm tin rằng cuộc sống hôn nhân mới là cuộc sống hạnh phúc. 

Điều đó dễ thấy qua chữ An (安) trong bình an. Chữ này được cấu thành từ bộ Miên (宀), tức mái nhà và bộ Nữ (女), tức phụ nữ. Theo một cách diễn giải, khi dưới mái nhà có thêm một người phụ nữ chăm lo thì gia đình mới bình an, hạnh phúc. 

Cổ ngữ cũng có câu: "Thê hiền phu an", có nghĩa người vợ hiền thì người chồng mới có thể an tâm lập nghiệp.

Không có thời gian nào trong năm, người trẻ Trung Quốc chịu áp lực cưới xin bằng dịp Tết. Trong khi các nam thanh thiếu niên bị hối thúc cưới vợ thì các cô gái độc thân không chỉ đối mặt với sự thúc giục mà còn điều ra tiếng vào.

Dù sự nghiệp xán lạn đi chăng nữa, nếu "ế" càng lâu thì phụ nữ càng hứng nhiều búa rìu chỉ trích. Người ta còn sáng tạo hẳn một từ ngữ riêng để gọi những phụ nữ độc thân ngoài độ tuổi 20: Thặng nữ (gái thừa, gái ế).

"Mỗi lần tôi trả lời 'dạ còn', người thân tôi lại ra vẻ thất vọng, sau đó đua nhau khuyên nhủ: ‘Mày kết hôn nhanh đi! Đừng kén chọn nữa!’", Rachel Xu Rong kể lại phản ứng của gia đình khi cô trả lời câu hỏi "Con vẫn độc thân sao?".

Chia sẻ với báo South China Morning Post (SCMP), Xu, 35 tuổi, cho biết khi cô về quê ở thị trấn Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây để ăn Tết hồi năm ngoái, cô đã biết trước rằng mình sẽ liên tục bị hỏi những câu liên quan tới chuyện cưới xin như thế này.

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ - Ảnh 3.

Nhiều gia đình tại Trung Quốc mong muốn con mình yên bề gia thất nhánh chóng - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Sức ép từ người thân về chuyện kết hôn khiến không ít người trẻ Trung Quốc độc thân tìm cách đối phó để "sống sót" qua mùa Tết, từ việc tìm đến các dịch vụ thuê bạn trai - bạn gái cho tới kiếm cớ ở lại thành phố làm việc… Áp lực lớn đến tới mức theo các bệnh viện ở Trung Quốc, số bệnh nhân trẻ điều trị rối loạn lo âu đã gia tăng đột biến.

SCMP nhận định chính cuộc chạm trán giữa các giá trị truyền thống và xã hội hiện đại của Trung Quốc đã để phụ nữ Trung Quốc rơi vào một tình huống khó xử. 

Xuân vận là... xuân khổ

Cách đây 2 năm, khi Helen Sun nhìn vào lịch và nhận ra Tết Nguyên đán chỉ còn cách một vài ngày, đó là lúc cảm xúc của cô lẫn lộn. Cô vừa háo hức vì sắp được về quê ăn Tết cùng gia đình, nhưng cũng vừa sợ hãi khi nghĩ tới cảnh xe cộ.

Đối với cô gái gần 30 tuổi này, về quê không đơn giản chỉ là những cuộc đoàn viên, mà còn là những chuyến hành trình dài và mệt lử, chen chúc giữa biển người…

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ - Ảnh 4.

Hành khách đợi tại ga xe lửa Bắc Kinh để về quê ăn Tết hôm 21-1 - Ảnh: EPA

Thật vậy, cuộc di dân lớn nhất thế giới đã trở thành ác mộng đối với nhiều người trong dịp Tết. Cứ mỗi mùa Tết, hàng triệu người Trung Quốc lại đổ xô đặt vé và ồ ạt tới các ga xe lửa để về quê sum họp cùng gia đình. 

"Di chuyển vào thời gian này trong năm y như một cuộc chiến. Khi vé tàu Tết được tung ra trên mạng, đó cũng là lúc cuộc chiến bắt đầu", Thời Báo Hoàn Cầu so sánh đầy sinh động.

Năm nay, với thời gian dự kiến phải về quê trước ngày 4-2 (vì 5-2 là Mùng 1 Tết Nguyên đán), dòng người đổ tới các nhà ga ở những thành phố lớn càng lúc càng đông. Tình trạng quá tải khiến hành khách phải vạ vật chờ tàu.

Xuân vận - cuộc di dân lớn nhất hành tinh tại Trung Quốc - Video: SCMP

Theo Hãng tin AFP, tại ga xe lửa Bắc Kinh hôm 30-1, hàng ngàn người ăn mặc đứng chờ đợi cùng đống hành lý của họ trong tiết trời lạnh lẽo. Nhiều người với nét mặt mệt mỏi ngủ ngay trong nhà ga để đợi tàu về quê.

Khi đã lên được tàu, người ta còn phải đối diện với sự chen lấn và ồn ào, từ tiếng trò chuyện của các gia đình, tiếng ăn uống cho đến tiếng đùa giỡn của trẻ con.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn ước tính của các nhà vận hành đường sắt cho biết dự kiến có khoảng 413 triệu chuyến đi bằng đường sắt trong mùa Tết năm nay, tăng 8,3% so với năm ngoái. Cuộc xuân vận năm nay bắt đầu từ hôm 21-1 cho tới ngày 1-3 dương lịch.

Trong khi đó, nếu di chuyển bằng xe hơi, cơn ác mộng còn khủng khiếp hơn. Năm ngoái, dòng xe hơn 10.000 chiếc với hơn 50.000 khách đã bị tắc nghẽn trên đoạn đường dài 10km để chờ phà ở cảng Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết.

Lì xì và quà cáp

Khi đề cập đến tục lệ lì xì Tết tại Trung Quốc, mọi người thường nghĩ tới ngay "hồng bao" (túi đựng màu đỏ). Còn một từ khác được sử dụng rộng rãi là Ya Sui Qian (Áp Tuế Tiền, tạm dịch theo nghĩa gốc là tiền gây áp lực về tuổi).  

Theo tờ The Beijinger, thời nhà Minh và Thanh, Ya Sui Qian được tặng cho trẻ con dưới dạng các đồng xu được buộc vào một sợi dây màu đỏ. Người ta quan niệm tục lệ này giúp bảo vệ trẻ con khỏi bọn ma quỷ cũng như mang lại may mắn. 

Ngày nay, người Trung Quốc có xu hướng để các tờ tiền 100 nhân dân tệ vào các túi đựng màu đỏ, tức hồng bao để tặng cho trẻ em. Những người chưa kết hôn vẫn được xem ngang hàng với trẻ em và cũng được nhận hồng bao.

Tết Trung Quốc và những ác mộng trường kỳ - Ảnh 6.

Áp lực hồng bao cũng khiến nhiều người Trung Quốc đau đầu - Ảnh: REUTERS

Do đó, tặng hồng bao đóng một vai trò quan trọng trong mỗi dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay còn có cả việc lì xì qua ví điện tử. Tuy nhiên, nó khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy áp lực trong bối cảnh người ta xem trọng số Ya Sui Qian cũng như các quà cáp nhận được.

"Khi tôi về quê, cha mẹ và người thân của tôi sẽ hỏi về địa vị kinh tế và tôi cũng phải tặng hồng bao cho cháu của mình. Điều đó khiến tôi lo lắng vì thật ra tôi không có nhiều tiền", Emily Liu, 25 tuổi, chia sẻ trong dịp Tết hồi năm 2017.

Thời điểm đó, chi phí sinh hoạt ở thủ đô Bắc Kinh khá cao nên Emily Liu dành dụm chẳng được bao nhiêu. Với thu nhập 80.000 nhân dân tệ/năm (tương đương 270 triệu đồng), Emily Liu phải vất vả với chuyện chi tiêu.

Nhiều người lao động ở Trung Quốc "méo mặt" vì rơi vào cảnh rỗng túi sau Tết. Xiao Meng, 26 tuổi, cho biết cứ mỗi dịp về quê ăn Tết Nguyên đán thì y như bị "hút máu".

"Tôi có một đại gia đình với 3 đứa cháu trai và 2 đứa em họ. Tôi phải mua nhiều quà và tặng hồng bao. Năm 2016, khi tôi trở lại Bắc Kinh sau kỳ nghỉ Tết, trong thẻ tiết kiệm của tôi còn chưa tới 1.000 NDT (hơn 3 triệu đồng)", Xiao Meng kể lại.

Bên cạnh 3 đại ác mộng trên, cũng còn không ít câu chuyện khác mà khi nhắc đến Tết, nhiều người Trung Quốc liền nghĩ đến ngay: Những câu hỏi quan tâm đến mức nhạy cảm như thu nhập bao nhiêu hay khi nào có con; những lời gièm pha về gia cảnh, ngoại hình; bị đem ra so sánh với người này người nọ...

Múa lân dưới nước, không gì là không thể Múa lân dưới nước, không gì là không thể

TTO - Thủy cung Aquaria KLCC ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi bằng màn biểu diễn độc đáo: Múa lân dưới nước.

T. BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên