20/01/2021 09:38 GMT+7

Tết tới nơi, coi chừng ngộ độc rượu

LAN ANH - XUÂN MAI
LAN ANH - XUÂN MAI

TTO - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 29 tuổi chuyển từ Hưng Yên trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân kèm hội chứng suy thận…

Tết tới nơi, coi chừng ngộ độc rượu - Ảnh 1.

Một trường hợp ngộ độc rượu nặng phải điều trị tích cực tại một bệnh viện TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Chưa đến tết nhưng đã rải rác có bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện, thậm chí đã có bệnh nhân tử vong do uống nhiều rượu mà không ăn gì, khi gia đình phát hiện tình trạng bệnh đã quá nặng. Các bác sĩ nhận định xu hướng này sẽ tăng trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

Cảnh báo ngộ độc rượu

Theo thông tin từ gia đình anh A., 29 tuổi, ngày 2-1 anh đi uống rượu cùng bạn, đến 16h chiều về nhà ngủ, tối gia đình gọi dậy ăn tối nhưng bệnh nhân nói không muốn ăn. Đến sáng 3-1 khi người nhà gọi dậy thì bệnh nhân đã không có phản xạ, chân tay duỗi cứng và lạnh. Gia đình đã đưa ngay anh A. đến bệnh viện để cấp cứu, sau đó chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai. Khi đến bệnh viện, tình trạng của anh A. đã rất nặng, chụp não thấy có tổn thương lan tỏa 2 bên.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã điều trị tích cực nhưng anh A. vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục, đến sáng 6-1 gia đình xin cho về và anh A. đã tử vong.

Điều đáng nói, bệnh nhân A. đã uống rượu thông thường, không phải rượu giả hay rượu pha từ cồn công nghiệp, nhưng số lượng rượu uống quá nhiều. "Thành phần ethanol trong rượu gây hạ đường huyết và người uống lại không ăn (tinh bột, chất đạm...), khi về nhà mệt mỏi lại tiếp tục không ăn khiến đường huyết giảm mạnh, dễ dẫn đến suy kiệt và tử vong" - bác sĩ Nguyên cho biết.

Bác sĩ Nguyên cũng đánh giá khi uống nhiều rượu và rơi vào trạng thái say rượu khiến thần kinh bị ức chế, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

Xu hướng tăng những ngày cận tết

Tại TP.HCM, những tháng cận Tết Nguyên đán, một số bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Trưng Vương ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu. Cụ thể, mới đây Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 3 bệnh nhân (2 nam, 1 nữ) ở độ tuổi từ 40-60 với chẩn đoán ngộ độc cồn, nhiễm độc ethanol.

Còn tại Bệnh viện Trưng Vương, BS CKI Huỳnh Bảo Quốc - phó khoa cấp cứu - cho biết số lượng bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông, ẩu đả có liên quan đến rượu bia tại bệnh viện vào những tháng cuối năm khoảng 300 ca/tháng. Tuy nhiên, trong đó có một số trường hợp uống rượu bia quá nhiều dẫn đến ngộ độc rượu.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng cuối năm 2020 cũng đã tiếp nhận khoảng 7 người ngộ độc rượu nặng, trong đó có 1 nam giới 32 tuổi đã tử vong, 1 tổn thương não và mắt do uống phải loại rượu giả có tên trên nhãn là "rượu nếp", kiểm tra cho thấy nồng độ methanol. Bác sĩ Nguyên cho biết đây là rượu giả, nhưng trên nhãn mác lại có tên và địa chỉ sản xuất, dễ gây nhầm lẫn cho người dùng, "qua mặt" tiêu chí sản phẩm có tên, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định mới và gây nhiều ca ngộ độc nguy hiểm.

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, bác sĩ Quốc nhận định số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc ethanol do uống quá nhiều rượu có xu hướng tăng, nhưng sẽ giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái do nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cũng như ảnh hưởng dịch COVID-19.

Uống rượu bia trong tầm kiểm soát

Để tránh ngộ độc rượu cũng như tai nạn giao thông do rượu bia, các bác sĩ khuyến cáo trong những cuộc vui, bữa tiệc dịp cuối năm, mỗi người cần uống trong tầm kiểm soát, có chừng mực; chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh tâm lý ham rẻ, mua rượu trôi nổi trên thị trường không được kiểm định chất lượng, không đảm bảo an toàn.

"Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người. Trong cuộc vui cuối năm, nếu phải uống rượu bia thì cần uống trong tầm kiểm soát, vừa phải" - bác sĩ Quốc nhấn mạnh.

Dấu hiệu ngộ độc rượu

Theo các bác sĩ, khi ngộ độc rượu xảy ra luôn kèm các dấu hiệu khó tự đi hoặc không đi được, lơ mơ, thở khò khè, lờ đờ, nôn nhiều, co giật, huyết áp tụt. Nếu uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp còn có hiện tượng nhìn mờ, đau đầu, nguy cơ tử vong rất cao vì độc tính của chúng rất mạnh.

Cách nào giảm say, đào thải rượu nhanh?

TS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - khuyến cáo người dân không uống rượu bia khi đói, nên uống trước bột sắn dây hoặc sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế hấp thu rượu bia. Sau khi say nên uống trà xanh, nước đậu xanh, atisô, nhân trần... nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng.

Người chết, người tổn thương não sau khi uống Người chết, người tổn thương não sau khi uống 'Rượu Nếp'

TTO - Đã có 1 người tử vong và 1 người bị tổn thương mắt và não trong số 7 người ngộ độc sản phẩm có nhãn là "Rượu Nếp", cơ sở sản xuất ở Kim Động, Hưng Yên.

LAN ANH - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên