Công nhân khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo nhận quà tết từ chương trình Xuân nhân ái - tết yêu thương. Những món quà nhỏ nhưng đã mang lại một cái tết đủ đầy hơn cho những gia đình công nhân xa nhà - Ảnh: VŨ THỦY
Táo, vợ chồng anh Vương Văn Đại - công nhân Công ty Vifon (Q.Tân Phú, TP.HCM) - vẫn tất bật với nhà xưởng và con cái như mọi ngày.
“Tết đến thì cũng chỉ mua được chút quà gửi cho hai bên nội ngoại. Ông bà cũng biết công nhân cực khổ phải tằn tiện, gói ghém nuôi con nên thông cảm, không trách móc gì.
Anh NGUYỄN XUÂN MINH
Những mùa tết xóm trọ
"Làm hết 29 mới nghỉ tết nên hai vợ chồng vẫn chưa sắm sửa gì đón tết" - anh Đại bảo. Đứa con thứ hai được hơn 3 tuổi cũng là 3 năm vợ chồng anh Đại và hai con trai đón tết ở xóm trọ nhỏ. "Nhà ở Cao Bằng xa lắm. Ở trọ, nuôi hai đứa con ăn học, làm đến đâu hết đến đó chứ nếu có dư dả thì cũng muốn về. Bà nội hai đứa năm nay 80 tuổi, bệnh hoài mà chưa về thăm bà được" - anh vừa trông cậu con trai nhỏ vừa kể chuyện.
Ở Cao Bằng quê anh chẳng có gì ngoài đồi núi, gia đình khó khăn, "ở nhà kiếm tiền không ra" nên năm 20 tuổi anh vào Nam làm công nhân. 19 năm bươn chải xa nhà cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu vì anh phải phụ mẹ lớn tuổi và người anh mắc bệnh tâm thần ở quê. Lấy vợ, có con thì lại dồn hết nuôi con. "Nuôi hai đứa nhỏ cực dữ lắm, nhiều tháng con bệnh lên bệnh xuống, ra vô bệnh viện liên tục, có tháng chỉ tiền viện, tiền con thôi đã ngót nghét 18 triệu, hơn đứt lương của cả hai vợ chồng" - anh kể.
Vợ chồng anh đều làm công nhân, lương tháng cộng dồn lại chừng 13-15 triệu đồng. Thế nên với gia đình anh, chuyện ăn tết ở Sài Gòn là rất bình thường. Cậu con trai lớn của anh nay 13 tuổi thì suốt 13 năm đó họ chỉ về quê hai lần. Đứa con trai nhỏ hơn 3 tuổi thì vẫn chưa biết mùi tết quê là gì. "Về quê cả nhà phải tốn ít nhất 20 triệu mới về được nên muốn về cũng khó. Vợ chồng tôi chưa mua sắm gì vì vẫn đang đi làm. Chỉ mới kịp mua một ít quà bánh gửi về làm quà cho mẹ với anh ở nhà. Tháng này cũng chưa có tiền tết nên vẫn chưa biết có tiền gửi về quê hay không..." - anh trầm ngâm.
Với gia đình anh, tết thì còn buồn hơn vì xóm trọ, phố xá những ngày tết vắng tanh. "Có năm mọi người đều về quê hết, chỉ còn gia đình tôi ở lại canh xóm trọ. Năm nay chưa biết sao. Tết thì cũng mua cặp bánh chưng để bàn thờ, mua gà về nấu ăn chứ chẳng có gì khác. Có năm cũng đi Đầm Sen, đi đường hoa cho con nhỏ có không khí tết" - anh kể. Nhà chỉ có một chiếc xe máy nên muốn đi cả nhà anh phải thuê taxi nên cũng hiếm khi đi đâu.
"Tết đâu có về được. Để dành phòng khi nhà có công chuyện mới về", đó là lý do mà anh Nguyễn Xuân Minh - công nhân Công ty Ngữ Á Châu (Q.Tân Phú) - nhiều năm đã không về quê đón tết. Ở Sài Gòn làm công nhân thâm niên đã tròn 20 năm, lúc độc thân anh cũng về quê ăn tết nhưng từ khi có gia đình, sinh con thì những lần về ăn tết thưa thớt hẳn.
"Ba năm rồi chưa về. Trước khi vợ tôi sinh con thì cổ về quê sinh vì ở đây không có ai đỡ đần, chăm sóc. Nhưng một mình tôi làm không đủ nên vợ lại ẵm con vào, gửi con rồi hai vợ chồng cùng đi làm. Từ đó đến giờ thì không về quê dịp tết nữa" - anh Minh kể. Vợ chồng anh đều làm công nhân, "bao nhiêu tiền đều dồn hết vào con".
"Lúc nó 2, 3 tuổi thì vô bệnh viện như cơm bữa, vợ chồng thay nhau nghỉ liên tục nên lương còn chẳng bao nhiêu. Giờ vợ chồng tôi cũng chưa dám nghĩ đến chuyện sinh đứa nữa. Thu nhập công nhân chỉ có bấy nhiêu, muốn hơn nữa cũng không được" - anh chia sẻ. Cha anh đã mất, mẹ thì huyết áp cao, tết không về cũng xót mẹ nhưng anh và vợ con chẳng đặng đừng phải ở lại.
Những may mắn giản đơn
Trong những câu chuyện cuối năm với công nhân, những điều được họ gọi là may mắn đều rất nhỏ bé. Với vợ chồng anh Đại, "may mắn là hai vợ chồng làm cùng công ty, được công ty bố trí lệch ca để có thời gian đưa đón con".
Vợ anh làm ca 2h chiều tới 10h tối nên buổi sáng sẽ phụ trách đưa con đi học, nấu trước bữa tối cho chồng và hai con.
Anh Đại làm ca sáng, đi từ 4h30 sáng tới 5h chiều nên sẽ về đi đón hai con. "Vợ chồng làm lệch giờ, người sao Hôm, kẻ sao Mai cũng không có nhiều thời gian cùng con cái. Nhưng nếu không được bố trí lệch ca, hai vợ chồng tôi chắc không xoay xở nổi" - anh chia sẻ.
Mang căn bệnh u máu gan ba năm nay, chị Phạm Thị Huyền (32 tuổi, quê Nghệ An), công nhân Công ty Rồng Xanh (Q.8), vẫn cố gắng đi làm để phụ chồng nuôi hai con nhỏ 6 tuổi và 2 tuổi. Kể từ lúc bị bệnh chị đã nghỉ hai năm vì cơ thể suy kiệt, nhưng một mình chồng đi làm không gánh nổi nên chị xin vào làm lại. Chỗ làm cách nhà 14-15 cây số, đi lại vất vả nhưng chị vẫn lấy đó là một niềm may mắn.
"Những công ty gần đây thì người ta không nhận. Cũng may là còn có công ty này nhận vào làm. Mấy tháng nay người trở đau hơn, có tháng nghỉ nhiều thu nhập chỉ chừng 3 triệu, tháng nào khỏe làm nhiều hơn thì được 6 triệu nhưng cũng đỡ phần nào chi tiêu cho gia đình. Những công ty khác xin nghỉ đâu dễ, nhưng ở đây thì lúc nào mệt quá, đau không làm nổi thì tôi xin nghỉ" - chị kể.
Mang "Xuân nhân ái - tết yêu thương" đến cho công nhân khó khăn
Tết này gia đình chị Phạm Thị Huyền không về quê Nghệ An mà ăn tết ở xóm trọ. Ngày tết đã cận kề nhưng "chưa tới ngày lãnh lương nên cũng chưa sắm sửa được gì nhiều".
Chị được nhận quà của chương trình "Xuân nhân ái - tết yêu thương" do báo Người Lao Động cùng các doanh nghiệp tổ chức cùng với 49 gia đình công nhân, người lao động có cùng hoàn cảnh như chị. Người thì mắc bệnh hiểm nghèo, người thì không may bị tai nạn lao động. Phần quà là bánh kẹo, mứt tết và cả mắm muối... cùng khoản tiền 3 triệu đồng là đã đủ cho gia đình nhỏ của chị có một cái tết nhỏ nơi đất khách quê người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận