25/12/2014 08:23 GMT+7

Chương trình “Vé Tết đoàn viên”: Tết này con không về...

MY LĂNG - MAI HOA
MY LĂNG - MAI HOA

TT - Họ chấp nhận ở lại phương xa chỉ vì chi phí đi lại là trăn trở quá lớn, lấn át cả khát khao về một cái tết sum vầy...

Cô công nhân Cao Thị Thủy tranh thủ hoàn thành bức tranh thêu rồi tìm người bán, kiếm thêm tiền tiêu tết. Đã hơn ba năm rồi Thủy chưa được về quê - Ảnh: M.L.

Họ, những người lao động vất vả, những công nhân rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn từ tỉnh xa đến TP.HCM mưu sinh, quần quật làm cả năm trời vẫn không dám nghĩ đến một chuyến về quê dịp tết sau những ngày xa cách.

Họ chấp nhận ở lại phương xa chỉ vì chi phí đi lại là trăn trở quá lớn, lấn át cả khát khao về một cái tết sum vầy...

Những người ở lại tết phương Nam

11g30 chủ nhật 21-12, tại hành lang tầng trệt của một nhà trọ gần Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Ðức, TP.HCM), cô công nhân Cao Thị Thủy (29 tuổi, Hà Tĩnh) vẫn cặm cụi ngồi thêu. Thủy kể đã thêu bức tranh này gần một năm, nếu may có người mua thì bán chắc được mấy trăm ngàn đồng, có thêm tiền tiêu tết.

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi thông tin những người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ vé xe về quê dịp Tết Ất Mùi về ban tổ chức chương trình “Vé tết đoàn viên” số 1 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM - Công ty Golden.

Nghe chúng tôi hỏi bao lâu rồi chưa về quê, nụ cười trên môi Thủy chợt tắt. Cô nói giọng buồn hiu: “Ba năm rưỡi rồi em chưa về. Tết này là cái tết thứ tư em ở đây. Lẽ ra tết này em định về nhưng vé xe đắt quá. Bây giờ ngày thường về quê em đã 600.000 đồng/người, những ngày gần tết lên ít nhất 1,2-2 triệu đồng. Chưa kể tiền quà, mừng tuổi, tiền ăn uống dọc đường...”.

Thủy là công nhân giày da Công ty Freetrend. Vợ chồng Thủy chia tay khi con trai của họ mới 2 tháng tuổi. Khi con hai tuổi rưỡi, Thủy vô Sài Gòn làm công nhân.

Lương của Thủy 4,2 triệu đồng/tháng, nhưng cô phải chi đủ thứ tiền ăn, tiền phòng, điện, nước... cho cả hai chị em (em trai Thủy vừa học nghề điện - ôtô vừa làm công nhân) nên không dành dụm được bao nhiêu.

“Mấy năm nay ít được tăng ca lắm. Tết tới nơi rồi mà vẫn không có hàng, không tăng ca, ai cũng rầu. Cái ăn còn tính hằng ngày, em chẳng dám nghĩ đến chuyện về tết” - Thủy nói như than.

Rồi cô gái người Hà Tĩnh nói, mắt đỏ hoe: “Hôm bữa em gọi bảo tụi con không về đâu, bố mẹ khóc. Em nói nếu vậy để con tìm vé về thì bố mẹ lại ngăn, nói các con ráng qua tết rồi hẵng về, ngày dài tháng rộng... Con trai em, giờ học lớp 2 rồi, cứ hỏi tết này mẹ có về không, con đang nuôi gà, Tết mẹ về làm thịt cho mẹ ăn. Em bảo ừ ít bữa nữa mẹ về. Hứa vậy thôi chứ về tốn kém lắm, hết cả chục triệu đồng”.

Ở tầng trên, gia đình vợ chồng chị Bùi Thị Hòa (34 tuổi, Thái Nguyên) cũng đầy tâm trạng với chuyện tết này sẽ không về quê được. Hơn 20 ngày trước, chồng chị, anh Lê Văn Huỳnh bị bệnh, lại phải chăm con gái (mới 2 tuổi) cũng bị sốt nặng nên nghỉ mất hai ngày.

Khi vào làm lại, công ty bảo cho anh... nghỉ luôn để “ở nhà chăm con những lần bệnh sau”. Ðã 20 ngày nay, anh vẫn chưa xin được việc, vậy mà mới mấy ngày trước chị Hòa bị xe tông khi đi làm, trên đầu khâu năm mũi.

Cơ cực hơn, chị Vi Thị Tám (33 tuổi, người dân tộc Thái, quê huyện Như Thanh, Thanh Hóa) phải xa quê vào Nam làm công nhân để trả nợ tiền chữa bệnh cho con. Sáu năm, chị chỉ về quê được một lần khi ba bệnh. Nợ vừa trả hết thì chồng mổ ruột thừa, vợ mổ bướu cổ, không đi làm được, nợ lại chồng chất...

Chẳng biết giờ mẹ ra sao?

“Năm ngoái không gom đủ tiền về nên hai vợ chồng ở lại đây. Vừa buồn vừa tủi lại bị họ hàng quở trách, con cháu gọi điện liên tục vào làm mình rối cả ruột. Nhưng ăn bữa nay phải lo bữa mai, về quê ăn tết đâu phải chỉ tiền tàu xe, còn chi tiêu dọc đường, mua sắm này nọ... Năm nay xe đò tăng giá quá, phải có đủ 4-5 triệu đồng mới mua được cặp vé về cho hai người.

Ở đây dù không kiếm được thêm bao nhiêu nhưng cũng không chi tiêu mấy, tiết kiệm được ít nào hay ít đó” - chị Lê Thị Thời (51 tuổi), gom nhặt ve chai đang thuê nhà ở đường Hà Huy Giáp (P.Thạnh Lộc, Q.12), nói.

Quê chị ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong xóm trọ này, ngoài vợ chồng chị còn có hàng chục gia đình đồng hương khác cùng làm nghề thu lượm ve chai. Chị Lê Thị Sửu (55 tuổi) nghe nhắc đến chuyện về quê ăn tết đột nhiên bật khóc làm mọi người xung quanh sững sờ.

Chị Sửu vào Sài Gòn đã bảy năm. Chồng làm bảo vệ, vợ đạp xe đi mua ve chai, cả một tháng không bệnh tật ốm đau mới dành ra được chừng 1-2 triệu đồng, gửi sạch về quê nuôi con. Ðường về quê hương vì thế cứ xa xôi mãi...

“Mẹ tôi năm nay 93 tuổi. Hơn ba năm không gặp, chẳng biết giờ mẹ ra sao. Lần trước tôi về hai đứa cháu ngoại nhỏ nhất, đứa 1 tháng rưỡi, đứa mới 20 ngày tuổi. Giờ các cháu cũng lớn cả rồi, tôi chưa nhìn thấy mặt...” - chị Sửu nói trong nước mắt, rồi dắt chiếc xe đạp tiếp tục cuộc mưu sinh.

Chiếc xe trần trụi, không có chân chống, không có gác chắn, chỉ có một bên phanh, mỗi khi muốn dừng chị phải dùng chân đạp vào bánh xe trước. Qua một đoạn đường khó đi, chị chao đảo như cái cây bị bứng ra khỏi mảnh đất của mình. Làng quê ấy chị đã đi xa quá, đi lâu quá, lăn lộn mưu sinh giữa đời, càng đi càng xa con đường về dường như càng mờ mịt.

Hỗ trợ 5.000 vé xe tết về quê

Ngày 24-12-2014, nhãn hàng OMO (Công ty Unilever Việt Nam) phối hợp cùng Bộ GD-ĐT - Vụ Giáo dục tiểu học tổ chức lễ phát động chương trình “Vé Tết đoàn viên” tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM).

Chương trình sẽ tổ chức xe đưa 5.000 người lao động, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê dịp tết. Trong đó dành riêng 3.500 vé cho công nhân thông qua Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM (Ban quản lý khu công nghiệp TP.HCM), 500 vé cho sinh viên thông qua các trường đại học, 1.000 vé cho bạn đọc của báo Tuổi Trẻ.

Xe buýt cho hoạt động “Vé tết đoàn viên” đưa những người xa quê có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết sẽ được triển khai từ ngày 13-2-2015 (25 tết âm lịch) đến 16-2-2015 (28 tết âm lịch)

Nhãn hàng OMO còn tổ chức hoạt động cho các bé thiết kế vé xe cho chương trình “Vé tết đoàn viên” tại 60 trường tiểu học trên cả nước, nhằm mang đến cho các bé những kỷ niệm đáng nhớ và bài học sẻ chia với mọi người xung quanh. Tham khảo chi tiết chương trình tại website www.omotet.vn.

M.LĂNG

 

MY LĂNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên