01/02/2013 10:50 GMT+7

Tết này ai có bán tranh?

HOÀNG MINH SƠN
HOÀNG MINH SƠN

TTO - Quê tôi chợ họp năm ngày một phiên vào các ngày ba và tám trong tháng. Chợ phiên ngày 23 và 28 tháng chạp gọi là chợ tết, người cứ đông nghìn nghịt.

Bọn trẻ con phố huyện chúng tôi ngày ấy cũng chen vai thích cánh trong dòng người đi chợ. Mua bán là việc của người lớn, bọn chúng tôi chỉ đi chơi, đi xem chợ. Và nơi chúng tôi thích nhất, đứng xem lâu nhất là hàng bán tranh.

Zb345wOG.jpgPhóng to
Tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, làng Song Hồ (Bắc Ninh) - Ảnh: Hoàng Hà Mai

Hàng bán tranh là một gian lều chợ nhỏ với mấy cái cột tre xiêu vẹo, chỏng chơ mấy gắp tranh cùn. Tranh ảnh đủ loại, to nhỏ khác nhau, từng cuộn, từng xấp bày la liệt trên tấm vải bạt trải trên sạp nứa. Ngoài bộ ảnh về Bác Hồ còn có rất nhiều tranh phong cảnh, cuốn thư, câu đối đỏ.

Nhưng nhiều nhất có lẽ là tranh Đông Hồ. Nào là tranh vẽ mâm ngũ quả, gà đại cát, lợn ăn ráy, đám cưới chuột. Nào là tranh hứng dừa, tranh chăn trâu thổi sáo, tranh đấu vật. Rồi tranh Bà Trưng, Bà Triệu, tranh Trần Hưng Đạo. Lại còn những bức tranh vẽ những đứa trẻ bụ bẫm với mái tóc để chỏm trái đào, đứa thì ôm cá chép, đứa ôm con gà, đứa ôm con rùa, đứa ôm con vịt… Tất cả cứ rực rỡ, thơm tho mùi mực, mùi giấy mới.

Chúng tôi mê mẩn đứng ngắm hàng giờ không chán, chỉ trỏ tranh này tranh kia, rồi thầm thì với nhau rằng mai mốt sẽ bảo bố mẹ mua tranh về dán nhà đón tết.

Phố huyện quê tôi ngày ấy còn nghèo, nhà tranh nhiều hơn nhà ngói. Nhưng dù là nhà tranh tre nứa lá hay nhà gỗ vách ván, tết đến ai cũng trang trí lại nhà cửa nên tranh tết được nhiều người mua. Hàng tranh thật đông khách. Anh bán hàng luôn tay lấy tranh, xếp lại cho ngay ngắn, cuộn lại thành cuộn gọn gàng, buộc cẩn thận rồi mới đưa cho khách.

Đã thành lệ, sáng ba mươi tết, trong khi cha tôi đi mổ lợn chung với mấy nhà hàng xóm, mẹ tôi rửa lá, vo nếp, đãi đậu xanh chuẩn bị gói bánh chưng thì tôi và anh chị tôi bắt tay dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Gọi là trang trí nhưng chỉ là gỡ bỏ lớp giấy báo cũ trên vách nứa, dán lên đó lớp giấy báo mới. Rồi dán tranh, dán ảnh. Chúng tôi gọi việc đó là... dán nhà.

Tranh ảnh đã được cha tôi mua về từ phiên chợ hôm trước. Ảnh Bác Hồ, cuốn thư được dán ở bàn thờ Tổ quốc. Còn những bức tranh Đông Hồ, tranh phong cảnh… được dán ở bức vách nứa ngăn giữa nhà. Ở hai bên cửa ra vào, tôi dán một đôi câu đối đỏ. Hì hục từ sáng sớm đến gần trưa. Làm xong tôi cứ đứng ngắm mãi, thấy ngôi nhà tranh nhỏ bé của mình sáng đẹp hẳn lên.

RjhZ068y.jpgPhóng to

Bức tranh Chăn trâu thổi sáo vẽ trên giấy điệp của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam - Ảnh: Hoàng Hà Mai

Những lúc rảnh rỗi ngồi uống trà, cha tôi lại chỉ vào những bức tranh giảng giải cho tôi nghe. Bộ tranh tứ quý Tùng -trúc - cúc - mai tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và cũng tượng trưng cho cốt cách của người quân tử. Tranh Cá chép trông trăng còn gọi là Lý ngư vọng nguyệt thuộc dòng tranh Hàng Trống, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên. Tranh đứa bé ôm gà gọi là tranh Vinh hoa, đứa bé ôm vịt gọi là tranh Phú quý, còn bức tranh đứa bé ôm cóc gọi là tranh Nhân nghĩa… Mỗi bức tranh là một niềm mong ước, lời cầu chúc của con người trong dịp đầu xuân năm mới.

Tôi mê nhất là bức tranh Chăn trâu thổi sáo. Chắc đứa bé thổi sáo hay lắm nên con trâu mới đứng yên, vểnh cái tai lá mít lên mà nghe. Tôi thích thú với ý nghĩ đó của mình.

Lớn lên, lập nghiệp ở nơi xa, tết đến tôi vẫn thường để ý tìm xem có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống bán không. Những phiên chợ tết, tôi hay la cà ở các tiệm sách, sạp hàng, quầy tạp hóa. Chỉ thấy nhan nhản những bức tranh phong cảnh nước ngoài in trên giấy láng, to như chiếc chiếu và những bức ảnh ca sĩ, diễn viên, người mẫu, đào kép lạ hoắc. Hỏi tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống chỉ nhận được những cái lắc đầu và lời đáp của người bán hàng: có bán cũng chẳng mấy ai mua. Tự nhiên thấy như thiếu thiếu một cái gì.

Tết này có còn ai bán, ai mua tranh như ngày xưa?

HOÀNG MINH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên