Tết Dương lịch là đỉnh điểm của đợt rét, khách tham quan du lịch tham quan ở vùng núi cao khi ra ngoài trời cần đảm bảo an toàn di chuyển và bảo vệ sức khỏe - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ đo được lúc 6h sáng nay tại các tỉnh Bắc Bộ đã giảm xuống ngưỡng rét đậm, rét hại. Các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ ở ngưỡng 15-18 độ C.
Nhiều tỉnh miền núi và khu vực miền núi nhiệt độ đã giảm sâu xuống dưới 10 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 7 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) 7,2 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 10 độ C, Sa Pa (Lào Cai) 10,2 độ C.
Dự báo ngày 30-12, không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Hữu Thành, phó trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết từ hôm nay thời tiết tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ C, vùng núi 3-6 độ C. Trọng tâm của đợt rét này là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Đợt không khí lạnh này sẽ khiến nhiệt độ trên đất liền giảm mạnh và gây ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa đông năm nay với nguy cơ cao xảy ra băng giá ở các vùng núi cao.
Dự báo nhiệt độ thấp nhất tại Fansipan (Lào Cai) -7 độ C, Sa Phin (Yên Bái) -3 độ C, Mẫu Sơn -2 độ C, Cao Ba Lanh (Quảng Ninh) -2 độ C, Đồng Văn (Hà Giang), Yên Tử (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai) 0 độ C.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 31-12, Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
Tại Hà Nội, không khí lạnh gây ra mưa và mưa nhỏ, trời chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 6-9 độ C.
Dự báo nhiệt độ thấp nhất tại một số vùng núi cao ở Bắc Bộ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng dự báo khí hậu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đợt rét này chủ yếu là rét khô. Ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp nhưng đến ban ngày lại có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.
"Trong đợt rét năm 2016, nhiệt độ ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giảm xuống ngưỡng thấp nhất là -5 độ C gây ra hiện tượng băng tuyết, cũng như một số nơi vùng núi phía tây ở Bắc Trung Bộ, Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, trong đợt rét sắp tới, các khu vực núi cao chỉ có thể xảy ra hiện tượng băng giá, sương muối. Mưa tuyết khó có thể xuất hiện hoặc nếu có sẽ xuất hiện rất ít" - ông Hưởng nói.
Theo ông Hưởng, thời điểm rét nhất của đợt này là đêm 31-12 và rạng sáng 1-1-2021. Rét đậm, rét hại sẽ duy trì đến ngày 2-1, sau đó khu vực tăng nhiệt. Tuy nhiên đến ngày 5-1, một đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện. Do đó, trạng thái rét buốt ở miền Bắc sẽ còn kéo dài.
Ông Ngô Tiền Giang, phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khuyến cáo rét sâu và rét khô sẽ tác động đến sản xuất và đời sống.
Do đó, người dân cần kiểm tra, gia cố chuồng trại, đặc biệt là phía đón gió, tích cực kiểm tra sức khỏe gia súc, bổ sung muối, thức ăn tinh trong khẩu phần.
Đối với rau màu ngắn ngày, nếu đến thời kỳ thu hoạch thì thu hoạch ngay, các diện tích khác, sáng sớm nên phun qua nước để giảm tác động khi mặt trời lên.
Người dân cũng cần xem xét khả năng đi ra ngoài đồng ruộng, không thực hiện khi nhiệt thấp dưới 12 độ C, đi làm trễ hơn, về sớm hơn.
Các địa phương, trường học lưu ý chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét, đặc biệt các vùng núi.
Đối với du lịch khuyến cáo đến các khu vực có khả năng xuất hiện tuyết/ băng giá cho du lịch và khu vực nghỉ dưỡng nhưng đồng thời các cơ sở lưu trú cần chú ý đặc biệt khuyến cáo khách hàng khi tham quan du lịch hoặc ra ngoài trời đảm bảo an toàn di chuyển và bảo vệ sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận