Quê tôi là một vùng chiêm trũng ở ngoại thành Hà Nội. Gia đình lục đại đồng đường của chúng tôi, ngày thường một nửa lên phố bươn chải, một nửa ở nhà đa canh.
Sự kiện quan trọng nhất của gia đình là ngày 29 Tết. Bốn giờ sáng, tiếng lợn đã kêu eng éc. Bảy giờ, giữa sân nhà lớn, đội gói bánh chưng đã ai vào việc nấy. Người già chẻ lạt, trẻ con thì rửa lá dong, giã đỗ, vo gạo, ướp thịt.
Gì thì gì, năm nào gia đình cũng phải gói hai yến gạo, đủ cả bánh chưng, bánh tét, bánh chay, bánh mặn. Gói được chục cái, đủ một nồi nhỏ là bắt đầu nổi lửa để gói đến đâu nấu luôn đến đấy.
Nhưng kiểu gì bếp nấu bánh cũng phải kéo đến hết đêm để cả nhà còn lấy chỗ tụ lại vui chơi. Đám con cháu năm nào thấy người lớn nổi lửa nấu bánh cũng chỉ sợ "xong sớm quá không được thức đêm trông bánh chưng".
Cũng nhân tiện nấu bánh chưng bằng bếp củi thì cái nồi gang 5 lít mới được dịp trưng dụng. Nồi đúc từ hơn 40 năm trước để nấu cơm trải hết bếp rơm, bếp trấu, bếp củi thì hoàn thành sứ mệnh khi gia đình đun nấu bằng gas, bằng điện.
Từ 20 năm nay chỉ cuối năm nhân dịp nấu bánh chưng thì mới mang ra để kho cá trắm với riềng. Thì cái đứa út được đúc tên trên vung nồi nay cũng đã ba mặt con rồi còn gì.
Nhắc chuyện thức đêm lại nhớ cô con gái nhỏ của tôi, năm lên 7, ngày 30 Tết vì ban ngày chơi bời mệt quá, tối ngủ say qua mất giao thừa, trở dậy cứ khóc thút thít mãi vì tiếc.
Làng tôi có lệ, sau giao thừa, dân tình thường đi gánh nước cầu may. Từ lúc bước chân hết chênh vênh, đêm giao thừa nào tôi cũng cầm đèn bão, đèn pin đi soi cho chị gánh nước.
Đêm trừ tịch nào hai chị em cũng gánh hai gánh nước giếng; một về tưới khắp thềm nhà trên, nhà ngang, bếp, ngõ để cầu mong người người việc việc mát mẻ, hanh thông trong năm mới; một đổ đầy cái chum màu da lươn để bố lấy nước pha trà. Tôi là sâu ngủ, chị thì sợ ma nên tối đến thường rất ngại ra khỏi nhà.
Ấy thế mà lạ, đêm 30, ai cũng khấp khởi chuẩn bị đòn gánh, xích, thùng đi gánh nước. Năm tôi 13 tuổi, bố thuê hiệp thợ về đào sâu 10m ở khoảnh sân trước bếp được một cái giếng ăm ắp nước.
Mọi nhu cầu sinh hoạt của cả nhà và mấy gia đình hàng xóm không còn phải nệ vào tiếng lẻng kẻng của đôi thùng gánh nước nữa. Rồi đời sống của dân làng ngày một nâng cao, nhà xây bể lớn chứa nước mưa, nhà đào giếng sâu lấy nước ngầm, ba cái giếng của làng chỉ còn dành cho những gia đình nghèo.
Rồi đất chật người đông, người ta lấp giếng xóm trên và giếng xóm dưới, chỉ còn lại giếng đình. Tục gánh nước cầu may đêm giao thừa cũng dần dà vắng người thực hiện. Nhưng gia đình tôi, đến tận bây giờ vẫn giữ lệ ấy.
Có chăng là đèn điện đã chiếu sáng đường làng rồi nên không còn phải người soi đèn pin, người gánh nước như chị em tôi ngày xưa nữa.
Tết nào bố con bác cháu tôi cũng rồng rắn ra giếng đình lấy nước đêm giao thừa. Cũng vì đông vui nên không ai phải gánh, mỗi người tùy sức mà xách can hay chai. Nhưng về đến nhà thì phần vẫn để đun nước pha trà, phần vẫn để rửa sân như mấy chục năm nay.
Tết nhất, ngoài chuyện đoàn tụ vui chơi thì cũng có một việc phiền toái vì lễ nghĩa rình rang.
Bố tôi là trưởng họ. Họ thì lại tứ tán nhiều nơi, từ đồng chiêm, đồng bãi đến đồng rừng. Nhiều người cả năm mới gặp mặt vào mấy ngày Tết.
Thế là đội tề gia nội trợ sáng nào cũng phải dậy sớm lục tục làm cơm nóng canh sốt để bày mâm cúng cụ trên bàn thờ cả bốn nhà. Ăn uống xong lại túc trực ở nhà để làm cơm đãi khách. Hết mùng ba hóa vàng thì mới được giải phóng khỏi bếp.
Từ dăm năm nay, vợ tôi, cũng là dâu trưởng, mới thuyết phục bố tôi chỉ làm cỗ nóng cúng cụ vào ngày mùng 1. Các ngày khác thì cúng cỗ nguội. Khách khứa cũng vậy, để sẵn vài mâm đồ nguội, ai đến thì nhâm nhi vài miếng lấy thảo, chứ không phải bày vẽ mâm bát đủ món lích kích.
Thời no đủ rồi, cỗ bàn cũng phải khác thời đói khổ. Cũng phải đấu tranh mãi bố tôi mới xuôi. Giản tiện được thời gian ăn uống thì lại có thời gian đi chơi khắp lượt các nhà, rồi du xuân vãn cảnh. Thế là hài hòa, ai cũng làm được việc mình thích, ai cũng vui vẻ.
Tết là dịp đoàn viên, hiếu đễ, sum vầy; nhưng Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi. Thế nên phải hài hòa cũ - mới.
Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.
Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email muaxuan2025@tuoitre.com.vn.
Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số CCCD cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.
Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).
Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ
Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.
Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.
- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận