Phóng to |
Bà Đỗ Thị Tâm chuẩn bị đem bán 2kg ốc len đã mò bắt trong bảy ngày - Ảnh: H.VĂN |
Cả xóm vắng ngắt, chỉ còn ít người già, người không nghề nghiệp ở nhà. Một người dân cho biết: “Giờ này hầu hết mọi người vẫn ở đồng muối làm việc, người nào không làm muối thì đang lênh đênh trên sông nước hay chui lủi giữa các vạt rừng để kiếm cá, bắt ốc. Người dân hầu hết đều nghèo nên ai cũng phải vất vả chạy ăn từng ngày dù cái tết đã gần kề”.
Mất mùa khi tết đến
Cái nghèo ở đây hiển hiện trên những nóc nhà vách lá mái tôn cũ kỹ và nét mặt đăm chiêu của những người dân khắc khổ. Ghé vào nhà bà Đỗ Thị Tâm, căn nhà trống huơ trống hoác với tủ thờ đặt giữa nhà là tài sản quý giá nhất. Hỏi chuyện bà Tâm, chúng tôi chỉ nhận được những cái ra dấu bằng tay vì bà bị câm bẩm sinh. Qua phiên dịch bất đắc dĩ của ông Nguyễn Hồng Huỳnh, trưởng ấp, chúng tôi mới biết bà chuẩn bị đi bán 2kg ốc len bắt được quanh các vạt rừng.
Theo giá thị trường, với 2kg ốc bà Tâm có thể bán được khoảng 200.000 đồng. Bà đưa hai bàn tay lên và gập lại ba ngón với ý cho biết 2kg ốc là công mò bắt bảy ngày qua. Ngoài nghề bắt ốc, bà Tâm sống dựa vào con trai duy nhất vừa bỏ học lớp 9 đang làm thuê ngoài đồng muối. Hỏi việc sắm tết, bà lại ra dấu cho biết nếu chủ muối sớm trả công cho con trai thì có tiền sắm tết, còn không thì phần quà tết xã vừa trao tặng có lẽ là quà mang đậm hương tết quý giá nhất. “Đây là hộ neo đơn nhất và nghèo nhất, thu nhập của họ dưới 8 triệu đồng/năm, chủ yếu từ nghề làm thuê của con trai” - ông Huỳnh cho biết. Cả ấp có 206 hộ nhưng đã có 101 hộ nghèo, hầu hết sống bằng nghề làm muối, số ít đánh cá, bắt ốc.
Anh Nguyễn Văn Yến, công an khu vực của ấp, cũng là một chủ muối đang chạy vay tiền trả công cho những người làm thuê để họ lo tết. “Thời gian này mọi năm là cao điểm thu hoạch muối, nhưng năm nay thời tiết bất ổn, mưa liên miên nên đồng muối giờ chỉ toàn nước mặn. Hạt muối không kết tinh nên ngay cả các chủ muối như chúng tôi cũng gặp khó khăn huống gì người làm thuê” - anh Yến nhìn đồng muối nói. Anh cho biết năm ngoái giờ này đã thu hoạch gần cả chục tấn muối, nhờ vậy mà cả chủ muối lẫn người làm thuê đều có cái tết đầm ấm. Nhưng muối năm nay mất mùa vì thời tiết “đỏng đảnh” gây mưa liên miên, muối vừa kết tinh lại tan thành nước. Trong những ngày Tết Nguyên đán, nếu trời nắng to thì người làm muối ở ấp Thiềng Liềng vẫn ra đồng làm việc bình thường.
Bà Trần Thị Xương sống với cháu ngoại đang làm thuê trên đồng muối của anh Yến cho biết cháu ngoại của bà làm thuê thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, đến nay chưa được nhận tiền công vì chủ muối không có tiền trả. Trong danh sách nghèo của ấp, gia đình bà Xương cũng là hộ nghèo dưới chuẩn 8 triệu đồng/năm.
Không theo nghề muối, hai vợ chồng ông Vũ Tiến Phúc và bà Trần Thị Lộc vẫn ngày ngày chèo xuồng quanh mấy lạch nước gần ấp để kiếm con cá đắp đổi qua ngày. Hôm chúng tôi đến, hai ông bà vừa xong mấy mẻ lưới nước ròng buổi sáng chỉ bắt được non 2kg, bán được hơn 20.000 đồng. “Hai vợ chồng tui vừa kiếm tiền nuôi thân vừa lo cho đứa con nằm liệt giường 20 năm nay vì căn bệnh chất độc da cam” - ông Tiến kể. Trước đây ông là bộ đội đóng quân ở Tây Ninh, sau về cưới vợ lập gia đình. Năm 1992, đứa con gái đầu lòng cũng là duy nhất ra đời. Nhưng hạnh phúc chỉ kéo dài bốn tháng và từ đó con gái ông cứ ngày một teo dần và nằm liệt giường đến nay. “Tuổi cao sức yếu lại không nghề nghiệp ổn định nên không biết chúng tôi sống đến ngày nào lo cho con nữa” - bà Lộc ứa nước mắt. Căn nhà hai ông bà đang ở cũng là nhà tình thương.
Mùa xuân lặng lẽ
Chúng tôi tìm về khu dân cư Cá Cháy, ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ nằm giữa tứ bề rừng đước mênh mông.
Chị Huỳnh Thị Kim Phượng (36 tuổi) đang ngồi tỉ mỉ kết từng hạt cườm áo cho các tiệm may để kiếm tiền sắm tết. Chị Phượng dời nhà từ khu sạt lở cầu Kinh Bà Tổng xuống khu dân cư Cá Cháy đã hơn một năm nay. Đó cũng là thời gian chị lặn lội vào rừng đước mò ốc, bắt nha (ba khía) để sống đắp đổi qua ngày.
Những ngày tháng lội nước, mò nha bắt ốc liên tục trong rừng khiến chị mắc đủ thứ bệnh, cộng thêm bệnh thiếu máu và viêm xoang nên mấy tháng nay sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Chị Phượng tâm sự: “May nhờ có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí của xã chứ không biết lấy tiền đâu mà chạy chữa. Tôi mò nha bắt ốc may lắm chỉ đủ tiền mắm muối qua ngày...”. Anh Diệp, chồng chị, cũng không biết chữ và mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Ban ngày cào tôm mướn, phụ hồ, chằm lá dừa nước, ban đêm anh lặn lội vào rừng đước bắt nha. Ngày nào may mắn kiếm được khoảng 100.000 đồng nhưng công việc bữa có bữa không.
Chị Phượng kể: “Giờ một mình ảnh làm nuôi ba mẹ con nghĩ thấy tội quá. Nhưng cho con nghỉ học không đành. Đời mình ít chữ khổ quá rồi, nay chỉ mong con được học hành kiếm nghề ổn định tự nuôi bản thân”. Nhắc đến chuyện sắm sửa ngày tết, chị thở dài: “Có mua sắm gì đâu, mấy đứa nhỏ thấy mẹ bệnh nên không dám đòi quần áo mới”.
Cùng sống trong xóm soi nha là bà Nguyễn Thị Xồm, 70 tuổi, bán bánh chuối chiên. Bán cho xóm nghèo bà chỉ lấy 1.000 đồng/cái gọi là lấy công làm lời. Bà cho biết ngày nào bán được lắm cũng chỉ lời khoảng 10.000 đồng.
Bà Xồm có con trai út là anh Phạm Văn Lý, 36 tuổi, mắt bị yếu nên không thể đi soi bắt nha. Còn cô con dâu Phạm Thị Ngọc Giàu, 34 tuổi, lại bị khuyết tật, vẹo cột sống bẩm sinh nên cũng không làm việc nặng được. Anh Lý nói: “Vợ tui chỉ ở nhà buôn bán lặt vặt, tui đau mắt nên chỉ đi đổi nước cho người ta chứ không soi nha và mần mướn được. Lại lo cho hai đứa con đi học nữa, nhiều khi thấy má bệnh mà không lo được, tủi thân quá”.
Chị Giàu tâm sự ở khu dân cư Cá Cháy ngày tết cũng chẳng khác ngày thường, nếu gặp con nước ròng mọi người vẫn lội rừng đước, nước ngập tới ngực để soi nha mong kiếm thêm ít tiền đong gạo.
Trước ngày chúng tôi đến, cả bà Tâm, bà Xương và hai vợ chồng ông Phúc - bà Lộc cũng như các hộ nghèo khác đã được nhận phần quà tết do xã trao từ sự đóng góp của các mạnh thường quân. Phần quà trị giá 400.000 đồng (200.000 đồng tiền mặt). Tết năm nay, theo chính sách chung, các hộ nghèo dưới chuẩn 8 triệu đồng sẽ được tặng phần quà trị giá 600.000 đồng và 400.000 đồng cho các hộ nghèo dưới chuẩn 12 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận