28/01/2022 08:07 GMT+7

Tết ấm của người 'ở lại'

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Năm nay do dịch bệnh và khó khăn kinh tế, tại TP.HCM dự kiến có khoảng 1 triệu người lao động không về quê đón Tết, ở Bình Dương là khoảng 500.000 người và còn hàng ngàn người nữa tại các tỉnh thành khác.

Tết ấm của người ở lại - Ảnh 1.

Tết ấm áp với mọi người

Mùa đoàn viên năm nay vì thế cũng trở nên đặc biệt và nhiều cảm xúc hơn.

Sự sẻ chia của những người cùng hoàn cảnh, của đoàn thể và các cấp chính quyền trở thành nguồn động viên cần thiết giúp những người cực chẳng đã phải ở lại TP năm nay thêm ấm lòng.

Tuần giáp Tết tại TP.HCM, những chương trình tất niên xóm trọ, vui tết cùng công nhân, phiên chợ Tết cho người lao động không về quê được tổ chức ở rất nhiều nơi.

Tết ấm của người ở lại - Ảnh 2.

Tết ấm áp với mọi người

Tất niên xóm trọ công nhân

"Mọi năm chừng 10 - 20 phòng là nhiều. Năm nay có tới phân nửa người ở lại, tôi đếm tới giờ là 52 phòng báo không về. Mọi người ở lại, cả dãy trọ ăn tất niên cùng nhau chia sẻ về một năm cũ đã qua" - anh Nguyễn Thành Tâm, chủ một khu trọ hơn 100 phòng tại quận 12, cho biết.

Người ở trọ đông nên tiệc tất niên cũng gần 20 bàn với toàn những món đặc sản do chính chủ trọ đặt mua từ dưới quê đãi khách. Khu trọ này được người ở trọ nói vui là "khu trọ công nhân đẹp nhất TP", với những chậu cây tưới tự động treo dài từ đầu đến cuối dãy. Bàn ăn xếp thành dãy dài giữa lối đi trong khu trọ.

"Dịch bệnh nên khi tổ chức tất niên cũng có hơi ngần ngại. Nhưng tôi hỏi ý kiến các phòng, mọi người ở lại nhiều nên muốn cùng ăn với nhau một bữa tất niên. Tiệc cũng tổ chức sớm để cả những dãy trọ về quê ăn Tết cũng tới dự được. Cuối năm tôi cũng muốn cảm ơn mọi người một năm qua đã gắn bó với tôi lúc khó khăn nhất và đồng lòng vượt qua dịch bệnh", anh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.

Hơn 100 phòng thuê trọ ở đây hầu hết là người miền Trung. "Đến giờ nhiều người đi làm lại đã đỡ hơn đôi chút nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn lắm. Có phòng đến giờ đã nợ 6 tháng tiền nhà do làm thợ hồ nên từ sau dịch đến giờ vẫn không có việc đều. Nhiều phòng thì thiếu 3, 4, 5 tháng. Nhưng họ đã ở với mình nhiều năm. Lúc khó khăn mình cũng giúp họ tìm cơ hội ổn định công việc, tiếp tục ở lại với mình", anh Tâm chia sẻ thêm.

Tết ấm của người ở lại - Ảnh 3.

Tết ấm áp với mọi người

Gia đình chị Lê Thị Khải (44 tuổi, quê Bình Định) là 1 trong 52 gia đình thuê trọ năm nay không về quê đón Tết. "Tiền bạc eo hẹp, thời gian ra vô sợ không kịp cho con cái vào học lại nên gia đình ở lại đón Tết. Mọi năm ít người ở lại chứ năm nay dãy trọ đông đâu sợ buồn. 

Tất niên chị em xúm xít ra phụ từ sáng tới tối rồi ăn tiệc vui lắm. Chủ nhà đặt đồ ăn ở quê gửi lên, đãi toàn món quê, từ dê, gà cho đến giò nem Bình Định", chị Khải chia sẻ. Gia đình chị có 4 người ở lại đón Tết, "cũng có chuẩn bị hòm hòm để ăn Tết".

"Tết ở phòng trọ thôi nhưng cũng có chuẩn bị chứ. Có chút ít quà chủ nhà cho ngay bữa tất niên. Mình cũng mua thịt cá về ăn mấy ngày Tết. Mua chút ít quà bánh, trái cây cho có không khí. Cũng có chuẩn bị bánh tét, củ kiệu, cắm bình bông chưng tết", chị Khải kể.

Nói về thời gian trong dịch, chị lại có phần tự hào: "Cả đợt dịch bệnh, dãy trọ này nghiêm ngặt lắm, mọi người tự khóa trong nhà, giữ cho nhau nên cả trăm phòng mà không ai nhiễm. Đến khi TP mở cửa, vào nhà xưởng lại thì nhiễm nhiều, nhưng lúc đó đã tiêm hai mũi vắc xin rồi nên cũng yên lành".

Tết ấm của người ở lại - Ảnh 4.

Tết ấm áp với mọi người

Đón tết xa quê

Chỉ còn chưa đầy vài ngày nữa là Tết, hai vợ chồng chị Hoàng Thị Hiệp (37 tuổi, quê Thanh Hóa) đang ở khu lưu trú công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) đưa hai con nhỏ xuống sân chung để xem chương trình Vui tết cùng công nhân. Hai em bé, đứa 7 tuổi, đứa 5 tuổi chăm chú xem văn nghệ rồi ùa lên sân khấu nhận lì xì từ bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy TP.HCM.

Gia đình chị là một trong 344 phòng tại khu lưu trú đến nhận quà và cùng vui Tết. "Tết năm nay khó nên không về. Ở lại ăn Tết thì cả gia đình 4 người cũng không buồn. Đón Tết cũng không phải mua bán gì nhiều, quà bánh được tặng, được quê gửi vào cũng đủ rồi. 

Mọi năm còn làm ăn tích cóp về quê, có tiền biếu cha mẹ, năm nay thì cha mẹ già gửi ngược lại, từ cá, thịt đến nem chua Thanh Hóa để mình ở lại đây ăn tết", chị kể.

Tết ấm của người ở lại - Ảnh 5.

Tết ấm áp với mọi người

Chị Diễm Phương (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) - một gia đình khác ở khu lưu trú công nhân - năm nay cũng ở lại ăn Tết. Nhà chị có 4 người, hai vợ chồng với hai đứa nhỏ, đứa 10 tuổi, đứa 6 tuổi. 

"Mấy bữa nay hai đứa vẫn còn đang học online. Hai vợ chồng đi làm, trường chưa mở cửa thì hai đứa ở nhà dạy nhau, chơi với nhau. Bữa nay hai đứa được nhận lì xì từ chương trình Tết tổ chức cho công nhân trong khu lưu trú. Chắc cũng vui lắm", chị chia sẻ.

Năm nay dù công việc khó khăn, không về nhà sum vầy với cha mẹ nhưng hai vợ chồng chị vẫn gói ghém "gửi về cho mỗi bên 2 triệu để lo Tết". "Nhà hai bên chỉ còn mẹ, đều đã già yếu. Tết không về cũng thương mẹ lắm nhưng dịch bệnh khó khăn, đành chờ qua năm xem công việc thế nào rồi sắp xếp về thăm", chị Phương bộc bạch.

Bình Dương: động viên khoảng 500.000 người lao động ở lại đón Tết

IMG-4912 7(Read-Only)

Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc chăm lo Tết cho người dân nghèo ở huyện Bình Chánh - Ảnh: L.H.

Tết Nguyên đán 2022 là cái Tết đặc biệt với nhiều người lao động tại Bình Dương. Có những cuộc chia ly bất ngờ và đau lòng vì dịch bệnh, và mỗi người đang nỗ lực vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc sống với nhiều trách nhiệm.

Bồng đứa con mới sinh trong căn nhà trọ tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, chị Phạm Thị Ngọc Diễm (40 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết năm nay chị và ba con nhỏ sẽ ăn Tết xa nhà. Chồng chị Diễm mất tháng 8-2021, giữa lúc cao điểm dịch của Bình Dương và cũng là lúc chị mang thai. Căn nhà ở quê đã bị đổ sập nên không còn chốn đi về.

2022

Ngày 27-1 (25 tháng chạp), đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tặng phần quà 10 triệu đồng và một số đồ dùng cho chị Phạm Thị Ngọc Diễm (quê Sóc Trăng, có chồng mất vì COVID-19) ở lại phòng trọ đón Tết tại TP Thuận An - Ảnh: B.S.

Khi dịch lắng bớt, dù nhiều người trong xóm trọ đã về quê nhưng chị và các con vẫn ở lại.

"Tết đã cận kề, cả khu trọ chỉ còn phòng tôi và vài chị em nên nên cũng chạnh lòng. Nhưng được công đoàn tới thăm hỏi, hỗ trợ tiền và một ít đồ dùng, mẹ con tôi cũng thấy ấm áp hơn", chị Diễm nói.

Cùng cảnh ngộ, nhiều người lao động xa quê tại Bình Dương năm nay cũng chọn ở lại đón Tết. Anh Phan Văn Ấm (quê Kiên Giang) đã làm việc 5 năm ở Bình Dương nhưng đây là lần đầu tiên anh và hai con ở lại đón Tết do vợ anh mới mất vì COVID-19.

Cũng như thế, hai anh em sinh viên Nguyễn Hồng Thái (ở trọ tại phường An Phú, TP Thuận An) quyết định ở lại sau khi cha đột quỵ mất được ít ngày thì mẹ cũng mất vì COVID-19...

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, năm nay do dịch COVID-19 nên ước có tới 500.000 người lao động ở lại đón Tết. Các cấp công đoàn tại đây dự kiến hỗ trợ gần 640.000 lao động với mỗi người một phần quà 300.000 đồng; kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tặng quà cho gần hàng chục ngàn người khác...

Những lời động viên, những món quà nhỏ là sự sẻ chia cần thiết với bà con xa quê, giúp người lao động an tâm, cảm thấy ấm áp, gắn bó với "quê hương thứ hai" của mình.

BÁ SƠN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc Tết, tặng quà công nhân Bình Dương Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc Tết, tặng quà công nhân Bình Dương

TTO - Ngày 23-1, đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì đã tới chúc Tết, tặng quà công nhân, người lao động tại Bình Dương.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên