Trịnh Nhật Quang trong không gian làm nhạc - Ảnh: NVCC
Dì của Quang cho biết từ năm 12 tuổi, Quang suốt ngày "úp mặt" vào máy vi tính làm gì đó không ai trong nhà hiểu.
Năm 2017, Trịnh Nhật Quang được Loop Central, cổng thông tin nhạc điện tử của Việt Nam, giới thiệu như một producer (nhà sản xuất) tài năng của Việt Nam.
Còn trước đó, giới nhạc điện tử trong nước rất ít người biết Quang vì cậu chủ yếu giao dịch với nước ngoài bằng nghệ danh Tenkitsune (tiếng Nhật có nghĩa là "con cáo").
Năm nay, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản đã mời Quang tham gia Bordering Practice - một dự án nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ chơi nhạc điện tử của Đông Nam Á và Nhật Bản. Dự án này bao gồm hòa nhạc và workshop, sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-3-2019 tại Hà Nội và TP.HCM.
Trịnh Nhật Quang năm lớp 12 - Ảnh: GĐCC
Âm nhạc của Tenkitsune đang lan ra nhiều nước theo cách thức mà Trịnh Nhật Quang cũng không thể kiểm soát được, vì hiện cậu chỉ tập trung cho SoundCloud, Spotify... Tác phẩm Will do Tenkitsune remix lọt vào danh sách nhạc của game thủ nổi tiếng Trương Đại Tiên nghe khi chơi game, nên tác phẩm này rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Hiya! một bản nhạc từ album đầu tiên của Trịnh Nhật Quang mang tên Wonderland Dream
Vào top bảng xếp hạng tuần iTunes
Năm 2015, sau 10 ngày game Undertale của Mỹ ra mắt, Trịnh Nhật Quang remix (phối lại) nhạc của game này và đưa lên SoundCloud. Cậu không đặt nhiều hi vọng.
Bản remix Toby Fox - Once upon a time (Tenkitsune remix) ban đầu chỉ được 98 lượt nghe, trong vòng một tuần sau lượt nghe tăng vọt lên 200.000.
Vì chưa ưng, Quang tiếp tục remix bài thứ hai mang tên Toby Fox - Megalovania (Tenkitsune remix), đạt 1,7 triệu lượt nghe trên SoundCloud. Bài thứ ba Hope and dream and a cup of Latte nhanh chóng chiếm vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng iTunes của Mỹ vào tháng 7-2016.
Toby Fox - Megalovania (Tenkitsune Remix)
Trịnh Nhật Quang đã rất bất ngờ khi là một trong hai người Việt được SoundCloud mời làm đối tác trong chương trình SoundCloud Premier thử nghiệm, vốn dành cho những người có lượng tương tác lớn trên SoundCloud.
Chưa hết, Hãng thu âm Tiny Waves của Mỹ đã ký hợp đồng với Quang và đưa các tác phẩm của Quang vào danh sách những bản remix nhạc game Undertale.
Sau thành quả nói trên, Trịnh Nhật Quang làm bài mới với tham vọng cho thấy cậu còn nhiều khả năng khác. Tác phẩm Lemon Soda Quang viết chung với người bạn quen qua mạng là Phạm Khoa (Việt kiều ở California) đạt được 1 triệu view trên YouTube vào tháng 2-2017 và đứng đầu bảng xếp hạng tuần iTunes của Mỹ vào tháng 3-2017.
Trịnh Nhật Quang chơi nhạc cùng bạn bè - Ảnh: GĐCC
Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ có chung tầm nhìn và khát khao thay đổi âm nhạc Việt Nam. Có rất nhiều bạn hay nhưng chưa được biết đến. Mọi người đều có ý thức phải làm ra thứ nhạc khác biệt và chúng tôi luôn hỗ trợ nhau...
Trịnh Nhật Quang
Cuộc phiêu lưu của chú cáo nhỏ
Từ những thành công ban đầu, Trịnh Nhật Quang quyết định làm album đầu tiên mang tên Little Fox Adventure (Cuộc phiêu lưu của chú cáo nhỏ).
Cậu ngay lập tức lao vào tự nâng cao khả năng thiết kế âm thanh (sound design), học về tần số âm thanh, ADSR, kỹ năng thử nghiệm về âm thanh, mastering (giai đoạn tinh chỉnh cuối của một tác phẩm âm nhạc)... Thầy của Quang chính là những người bạn từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng viết được vài bài thì Quang cảm thấy bế tắc vì chưa tìm được ý tưởng cho toàn album. Trong thời gian đó, cậu quyết định làm hai tác phẩm Wonderland Dream và Beloved.
Tháng 4-2017, hãng Funimation của Mỹ (nay thuộc Sony) đề nghị dùng tác phẩm Lemon Soda của Quang cho trailer các phim hoạt hình sắp chiếu trên kênh của họ. Điều này đã giúp Quang được tiếp thêm động lực.
Trịnh Nhật Quang - Ảnh: GĐCC
Tháng 11-2017, Quang chính thức phát hành album đầu tay Little Fox Adventure trên trang nhạc trực tuyến Bandcamp. Cũng trong năm này, nghệ sĩ Foxsky từ Hãng thu âm Mad Decent đã nhận làm người quản lý cho Trịnh Nhật Quang tại Mỹ.
Album Little Fox Adventure vui tươi, trong sáng như tính cách của Quang vậy. Quang cũng ý thức rất rõ cậu làm nhạc cho thị trường nước ngoài, nên album đầu tay mang âm hưởng của nhạc điện tử viết cho game, phim hoạt hình Nhật Bản.
Năm 2018, Trịnh Nhật Quang đã ký hợp đồng với các công ty Mad Decent/Good Enuff, Trekkie Trax Japan, Moving Castle, Warner Music Hong Kong và Maltine Records.
Trịnh Nhật Quang và mẹ - Ảnh: GĐCC
Phản đối vào trường nhạc
Điều thú vị là toàn bộ quá trình học hỏi và làm album của Quang diễn ra âm thầm bên máy tính. Trong suốt 10 năm, gia đình không thể tưởng tượng được Quang đã mở rộng mạng lưới của mình ra thế giới như thế nào, vì họ chỉ thấy con đi học về là cắm đầu vào máy tính.
Ông ngoại của Quang là nhạc sĩ, mẹ từng là giảng viên piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nên từ bé Quang đã được học piano. Các cô giáo đều nói cậu bé rất có năng khiếu âm nhạc.
Gia đình từng muốn đưa Quang vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Để phản đối "chính sách" đó, cứ 5h sáng Quang ngồi ôm cặp đòi được đi học trường bình thường.
Gia đình Quang quan tâm sâu sát đến con trai, nhưng Quang có xu hướng độc lập nghiên cứu và rất kín tiếng, nên đôi lúc cha mẹ cậu ngỡ ngàng vì không hiểu con mình biết lập trình, biết tiếng Nhật từ bao giờ.
Quang phát hiện mình bị nhạc "sàn" của các ban nhạc Aqua, Venga Boy, Mr. Oizo mà người họ hàng vẫn nghe hấp dẫn.
Vì rất tò mò, Quang đã lên mạng tìm các phần mềm hỗ trợ, thử tải các mẫu nhạc về để cắt ghép. Đến năm 13 tuổi, Quang được trường giao nhiệm vụ chỉnh nhạc trong lễ hội của trường. Cũng chính từ đây, Quang biết mình thực sự muốn làm nhạc điện tử.
Trịnh Nhật Quang đang đứng trước lựa chọn của 2 đam mê: đồ họa và âm nhạc - Ảnh: GĐCC
Thời gian đầu, tôi thích nghe J-Pop và nhạc game của họ. Cách làm nhạc của người Nhật, cách đi tiếng của họ rất riêng biệt. Tôi thích giai điệu của Nhật, cảm hứng làm nhạc của tôi là từ đó, và đã trở thành nhận diện của tôi!
Trịnh Nhật Quang
Tìm kiếm sự khác biệt
Nhạc điện tử với sự hỗ trợ của máy tính thực sự là một trò chơi sáng tạo và gây nghiện. Khi nguyên liệu thô là các mẫu âm thanh được mạng Internet cung ứng dồi dào thì việc "chế biến" nhạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Rất nhiều người trẻ xài các sản phẩm bán sẵn để chế thành sản phẩm của mình. Về cơ bản, việc làm này được chấp nhận, miễn là có ghi nguồn, còn không thì gọi là đạo nhạc.
Và giới làm nhạc sẽ chỉ đánh giá cao các tác phẩm mà ở đó người sản xuất phải tự tay thiết kế âm thanh. Nó giống như sản phẩm thủ công bao giờ cũng được đánh giá cao hơn sản phẩm làm bằng dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Quang dù rất trẻ nhưng đã có ý thức rất rõ về việc này. Khi nghe album của cậu, một nhạc sĩ có tiếng nhận xét một người mới bắt đầu như Quang mà làm được album có concept, màu sắc thống nhất như thế này sẽ có khả năng tiến xa.
Hiện tại, Trịnh Nhật Quang đang làm album thứ hai Dreamer Fall, dự tính đến năm 2020 làm xong. Quang vẫn theo đuổi những âm thanh dễ thương, nhưng lần này "nặng đô" hơn.
"Có khởi đầu thì sẽ có kết thúc. Album này như một sự kết thúc để mở ra giai đoạn sáng tác mới của em. Mục tiêu của em khi làm nhạc là không ngừng học hỏi. Vì phải càng học mới có tư duy sáng tạo cái gì đó nó khác. Em thường mất nhiều thời gian làm sound design, vì nó là ý tưởng khiến mình khác biệt" - Quang chia sẻ.
Trịnh Nhật Quang hiện đang học khoa đồ họa Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương. Đồ họa là một đam mê khác của anh chàng đa tài này. Ngoài ra, cậu còn hát rất hay. Quang dự định du học ở Mỹ và đang đứng trước hai lựa chọn: đồ họa hoặc âm nhạc.
Từ bé gia đình đã biết Quang rất thông minh, nhưng Quang học kém rất nhiều môn được coi là quan trọng, riêng tiếng Anh, khoa học công nghệ cậu thường đạt điểm rất cao. Quang từng giành giải nhì Tin học trẻ cấp thành phố năm 2007, giải nhất Cuộc thi phần mềm sáng tạo thành phố năm 2011.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận