26/11/2015 07:48 GMT+7

Tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tương lai Syria

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)

TT - Sự kiện không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga tại biên giới Syria không chỉ làm dấy lên nguy cơ xung đột giữa hai nước mà còn ảnh hưởng tai hại tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lực lượng nổi dậy người Turkmen ở Syria. Đây là lực lượng gốc Thổ, được chính quyền Ankara hậu thuẫn - Ảnh: Reuters
Lực lượng nổi dậy người Turkmen ở Syria. Đây là lực lượng gốc Thổ, được chính quyền Ankara hậu thuẫn - Ảnh: Reuters

“Mọi mục tiêu có thể đe dọa chúng tôi sẽ bị tiêu diệt. Vụ bắn máy bay sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng

Sergei Rudskoi (người phát ngôn quân đội Nga)

Theo Russia Today, hôm qua Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một trong hai phi công nhảy dù từ chiếc chiến đấu cơ SU-24 đã thiệt mạng do bị quân nổi dậy Syria bắn, người còn lại được quân đội Syria giải cứu.

Một lính thủy đánh bộ Nga cũng chết trong chiến dịch giải cứu hai phi công ở Syria khi chiếc trực thăng Mi-8 của Nga bị quân nổi dậy bắn hạ.

Người phát ngôn quân đội Nga Sergei Rudskoi tuyên bố tàu tuần dương tên lửa Moskva đã được triển khai gần tỉnh Latakia ở Syria, và toàn bộ máy bay ném bom Nga hoạt động tại Syria sẽ được máy bay tiêm kích bảo vệ. Nga cũng triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây báo cáo vụ bắn máy bay Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Quân đội Mỹ xác nhận thông tin của Ankara rằng máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo phi cơ Nga 10 lần mà không nhận được phản hồi trước khi phóng tên lửa.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama, NATO và lãnh đạo nhiều quốc gia đều lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga kiềm chế và đối thoại.

Nga sẽ trả đũa?

Khi dự họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi (Nga), một số nhà báo Nga mô tả “chưa bao giờ chứng kiến ông Putin giận dữ như vậy” và “cảm thấy bị phản bội”.

Họ dự báo tổng thống Nga chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ một cách xứng đáng. Vấn đề là ông chủ điện Kremlin nổi tiếng cứng rắn và quyết liệt sẽ làm gì và ở quy mô như thế nào.

Báo Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích Vasily Kashin thuộc Tổ chức nghiên cứu Nga CAST nhận định: “Nga sẽ không tấn công một quốc gia thành viên NATO, nhưng quan hệ thương mại trị giá hàng tỉ USD sẽ bị ảnh hưởng”.

Còn trên blog cá nhân, giáo sư Mark Galeotti thuộc Trung tâm Vấn đề toàn cầu (CGA) của ĐH New York nhận định ông Putin không muốn mở một cuộc chiến ngoại giao mới khi vấn đề Ukraine đang bế tắc và Nga còn tiếp tục chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria.

Ông dự báo Matxcơva sẽ thực hiện một số biện pháp trả đũa mang tính hình thức, ví dụ như cấm các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống sân bay Nga, cấm vận kinh tế quy mô nhỏ...

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau khi hủy lập tức chuyến công du đến Ankara, đã ra khuyến cáo công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ và một số hãng du lịch Nga hủy bán tour sang nước này.

Một số chuyên gia cho rằng ông Putin có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tận dụng sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt Nga. Tuy nhiên cách thức đó sẽ tác động ngược lại nền kinh tế Nga.

Nhà phân tích Kashin cho biết Nga có thể sẽ lựa chọn cách cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq. Thời gian qua, chính quyền Ankara luôn lo ngại lực lượng người Kurd tại hai quốc gia này hoạt động mạnh, thổi bùng làn sóng ly khai của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Và điện Kremlin hoàn toàn có thể ra lệnh cho không quân tập trung giội bom vào các vị trí của lực lượng đối lập người Turkmen (người Syria gốc Thổ) đang chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Bước lùi trong cuộc chiến chống IS

Giới phân tích đánh giá quả tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ bắn cháy máy bay Nga cũng là đòn mạnh giáng vào các nỗ lực chiến đấu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Tổng thống Pháp François Hollande đến Washington gặp ông Obama để thảo luận kế hoạch lập liên minh toàn cầu chống IS. Điểm đến kế tiếp của ông Hollande sẽ là Matxcơva để gặp gỡ ông Putin.

Sau vụ máy bay Nga bị khủng bố đánh bom ở Ai Cập, Matxcơva đã tăng cường không kích các vị trí của IS và thông báo cho Mỹ về những cuộc không kích này. Nhưng sau hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ rất khó để Nga mở cửa hợp tác với lực lượng NATO tại Syria.

Ở lĩnh vực ngoại giao, trước đó Nga, Iran, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... đạt được bước tiến lớn trong việc lập kế hoạch ngừng bắn giữa quân đội Tổng thống Syria Bashar al-Assad với quân nổi dậy.

Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh vận động để cộng đồng quốc tế coi các nhóm nổi dậy là “đối lập hợp pháp”. Nhưng với việc phi công Nga bị quân nổi dậy bắn chết, Matxcơva, chính quyền Assad và Iran sẽ khó chấp nhận đề xuất này.

Vấn đề quan trọng nhất là Điện Kremlin có thể sẽ tăng cường chiến dịch không kích dữ dội các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng, ví dụ như các nhóm người Turkmen, thay vì tấn công IS.

Như vậy, sẽ hoàn toàn không có cơ hội ngừng bắn ở Syria, không có triển vọng chuyển đổi chính trị, chiến tranh sẽ không chấm dứt và IS sẽ có không gian cũng như thời gian để tiếp tục hoành hành. Chỉ với một quả tên lửa, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa một tương lai mới của Syria sau hơn bốn năm loạn lạc.

Thị trường tài chính sụt giảm

Sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga, thị trường chứng khoán châu Âu lập tức sụt giảm, giá cổ phiếu các hãng hàng không và du lịch tuột dốc mạnh do giới đầu tư lo ngại nguy cơ xung đột ở Trung Đông leo thang.

Giá dầu thô tăng nhẹ lên gần 42 USD/thùng, giá vàng cũng tăng 0,5% lên 1.080,95 USD/ounce.

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên