1. Khi hành trình về quê ăn tết ở Việt Nam chớm bắt đầu mấy ngày qua, chợt nhớ lời người đồng nghiệp trong một dịp trà dư tửu hậu, rằng từ ngày có mạng xã hội và đủ các ứng dụng để video call, những lần đoàn viên cùng người ở phương xa về không rôm rả như ngày trước nữa.
Ngẫm lại cũng đúng, thời bây giờ đâu còn chuyện xa cách nhau cả năm hay mấy năm trời mới hội ngộ, nhìn nhau rồi ngỡ ngàng trước bao đổi thay.
Ngày nay, có nhiều gia đình có hẳn "giờ Skype", tức các khung giờ cố định (cho khớp với múi giờ của người phương xa) để cả gia đình quây quần trước iPad và trò chuyện với người thân đang ở hải ngoại bằnh tính năng gọi video.
Những cuộc gọi đường dài, và cả những tiếc nuối vì không được chứng kiến những khoảng thời gian quý giá - chẳng hạn nhìn một đứa trẻ lớn lên theo ngày tháng - đã thành quá vãng.
Ông bà ở Việt Nam vẫn hằng ngày trò chuyện với con cháu, nhìn lũ trẻ học hành, chơi đùa; con trẻ học hành xa xứ (rời quê lên thành phố chứ không cứ gì du học) cũng luôn cập nhật thông tin cho cha mẹ, và ngược lại, nghe kể những câu chuyện nơi quê nhà.
Ngoài những cuộc gọi video thì chuyện gia đình có nhóm chat riêng, rồi họ tộc có nhóm trên Facebook để chia sẻ tức thời mọi thông tin, hình ảnh, khoảnh khắc cho nhau, cũng như mừng những sự kiện trọng đại, cột mốc trong đời, hay chia sẻ tin vui - buồn cũng không còn là hiếm.
Thành ra khi gặp nhau trong đời thật thì cũng không còn mấy điều muốn nói để mà tâm tình, hàn huyên.
2. Cách đây đúng 10 năm, Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ làm một khảo sát với 895 chuyên gia, nhà phê bình và những người làm việc trong lĩnh công nghệ, bảo họ hình dung về cách mà công nghệ ảnh hưởng lên các mối quan hệ xã hội trong một thập niên, tính đến năm 2020.
Kết quả là đại đa số (85%) cho rằng Internet sẽ cải thiện các mối quan hệ xã hội xuyên suốt trong cả thập niên 2010 đó.
Trong báo cáo tổng kết khảo sát, Pew cho biết đa số những người chọn Internet sẽ tác động tích cực nhấn mạnh rằng các tiến bộ công nghệ giúp con người tốn ít hơn - cả về tiền bạc lẫn thời gian bỏ ra - để giao tiếp.
Họ cho rằng "địa lý" không còn là trở ngại trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ, nhiều người còn cho rằng liên lạc qua Internet còn xóa luôn khoảng cách về không gian chứ không chỉ nơi chốn.
Trong những ý kiến đáng chú ý được Pew đăng lại, có nhận định sau của Jeremy Malcolm (Tổ chức Consumers International): "[Nhờ Internet] mà tôi giữ liên lạc được với gia đình ở nước ngoài. Với những người sinh trong thời đại Internet, chuyện này là bình thường. Với những người sinh ra trước đó, một số sẽ thích nghi được với điều này, và số khác thì không".
Nhắc chuyện này vì bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 rồi mà còn nói chuyện công nghệ và mạng Internet giúp xóa nhòa khoảng cách, phá vỡ mọi rào cản về không gian và địa lý coi bộ hơi lẩm cẩm.
Cái đáng nói là ý Jeremy Malcolm đã nêu: sự thích ứng của những người thuộc thế hệ tiền Internet với những hình thức giữ liên lạc mới. Thực tế thì thập niên 2010 cho thấy rất nhiều người không lớn lên cùng Internet đã nhanh chóng thích ứng với phương thức giao tiếp mới.
Cách đây 10 năm, phụ huynh nào biết nhắn tin SMS cho con cái đã gọi là "hiện đại", còn ngày nay, sau một thập niên, những chuyện tưởng chỉ dành cho giới trẻ như lên phây, chat Messenger, Viber hay Zalo (biết dùng cả emoji và sticker) đều trở thành chuyện đời thường.
3. Khi mọi thành viên trong gia đình thuần thục và vui vẻ với cách giữ liên lạc online, có thể nói họ đã nhìn nhận lại (reconceive) quan niệm kết nối và bình thường hóa (normalize) chuyện kết nối số, như đúc kết của bài "Một gia đình 3 thế hệ người Mỹ gốc Ý đã nhìn nhận lại truyền thống như thế nào" trên trang Refinery29 hồi tháng 12 năm ngoái.
Bài viết kể về gia đình cụ bà Tiziana Alesci (62 tuổi), người di cư từ Ý sang New York vào những năm 60 của thế kỷ trước. Cụ Tiziana, mẹ bà và các con của bà - 3 thế hệ người Ý trên đất Mỹ - vẫn luôn nhớ về quê nhà ở châu Âu.
"May mắn thay, việc kết nối trong thời đại công nghệ trị vì đồng nghĩa với việc khoảng cách (mà ở đây là Đại Tây Dương) trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều" - Refinery29 viết.
Tiziana, ở tuổi lục tuần, "vui vẻ đón nhận các công cụ có thể xóa nhòa khoảng cách, như thiết bị gọi video có thể giúp ta cảm giác như đang ở trong cùng căn phòng với người ta yêu thương dù trên thực tế cả hai đang ở hai đầu Trái đất".
Không ai hiểu sự khác biệt giữa công nghệ kết nối ngày nay với việc gọi điện đường dài từ Mỹ về Ý cách đây nửa thế kỷ cho bằng cụ bà Tiziana. "Kết nối rất tệ, ta chẳng nghe được gì mà thường nói thật nhanh trong vài phút, khóc, rồi cúp máy - bà cụ kể - Giờ thì ta chỉ cần gọi qua Portal [thiết bị gọi video của Facebook]".
Nói là nhìn nhận lại ở chỗ bà cụ gốc Ý hơn 60 tuổi này cho rằng truyền thống cần phải gìn giữ, song không cần phải cứng nhắc. Gọi video thì sao chứ? "Chúng ta đúng là không thể cùng ăn với nhau qua video call, nhưng có thể chia sẻ công thức nấu ăn, nấu cùng nhau [trong khi vẫn trao đổi qua video call], nói cách khác là chia sẻ trải nghiệm với nhau" - cụ bà giải thích.
Gia đình Alesci 3 thế hệ đã duy trì việc gắn bó với nhau bằng cách "bình thường hóa kết nối ảo" như thế đó. Bà cụ đúc kết lại triết lý đơn giản: "Đừng nên lãng phí thời gian vào chuyện nên giữ kết nối ra sao hay thế nào mới là cách gìn giữ truyền thống hết thế hệ này sang thế hệ khác đúng cách. Điều quan trọng đơn giản là mọi người trong nhà vẫn ưu tiên chuyện ở cùng nhau".
4. Nhưng đó là chuyện thường ngày, còn trong dịp tết đến xuân về thì sao? Lẽ nào cả năm liên lạc ảo rồi mà đến dịp đoàn viên lại vẫn Skype cho nhau. Thử đọc thêm gần xa thì thấy đã có luôn khái niệm digital reunion - hội ngộ số, tức chuyển những buổi gia đình sum vầy của những ngày lễ tết lên không gian ảo.
Cuối năm 2019, trang GearHungry.com khảo sát 3.000 người dùng ở Mỹ xem họ dự định gì cho kỳ nghỉ đông và năm mới. Kết quả là 37% cho biết dự tính sẽ có kỳ nghỉ ảo, có lẽ vì chán cảnh giá vé máy bay đắt đỏ hay giao thông phức tạp.
Một xu hướng đang lên, theo khảo sát, là đoàn tụ ảo - tức không về quê thăm nhà hay du lịch đâu cả, mà chỉ ở nhà liên lạc với gia đình qua gọi video. "I’ll Skype home for Christmas" (Giáng sinh này tôi sẽ gọi Skype về nhà) là tít bài trên báo địa phương Deseret News (bang Utah, Mỹ), kể chuyện nhiều gia đình dù không thể ở nhà trong dịp lễ vẫn có thể "cùng mở quà và ăn tiệc với nhau dù ở cách hàng ngàn dặm" nhờ các phần mềm gọi video và họ vui vì công nghệ đã mang đến điều đó.
Xong chuyện nước Mỹ thì thử nhìn sang Trung Quốc, nơi cũng ăn tết âm lịch và có nhiều quan niệm về sum họp, đoàn viên giống ta nhất. Hẳn nhiều gia đình trẻ Việt Nam sẽ reo lên sung sướng trước câu chuyện của cô Tiffany Chen kể trên báo South China Morning Post (SCMP) hồi tết âm lịch 2019, vì sao mà giống mình đến thế.
Cô Chen đang làm việc ở Bắc Kinh và trước đây đều tham gia "xuân vận", về quê ăn tết. Mấy cái tết gần đây, cô "đổi môđen", ở lại thủ đô để mẹ cô lên chơi, và không ai trong hai mẹ con phải vào bếp nấu mâm cỗ mừng năm mới truyền thống, tất cả đã có app gọi đồ ăn.
Theo SCMP, dễ dàng gọi đồ ăn giao đến tận nhà (thay vì nấu nướng linh đình và dọn dẹp mệt nghỉ) là một trong nhiều cách mà công nghệ đang thay đổi cách người Trung Quốc đón tết âm lịch, và sự thay đổi này được tất cả các thế hệ đón nhận chứ không riêng gì thế hệ lớn lên với công nghệ trong 25 năm qua.
"Công nghệ còn thay đổi luôn truyền thống đoàn viên khi ai cũng có thể gọi video và gửi lời chúc cho nhau dù đang ở bất kỳ đâu" - SCMP bình luận. SCMP còn kể chuyện Wang Xiaoya, người sẽ qua Brazil thăm bạn vào dịp tết nhưng không lo bị gia đình trách mắng vì không ở nhà cùng gia đình.
Wang kể cô sẽ gọi điện về thăm bà và mẹ, và bà của cô hoàn toàn vui vẻ, thậm chí còn học cách dùng smartphone để tiện liên lạc với cháu gái.
5. Trở lại thăm dò cách đây 10 năm của Pew, có ý kiến đáng chú ý của Zeynep Tufekci, phó giáo sư Đại học Maryland, rằng "thiếu vắng hiện diện trong đời thực không phải lỗi của Internet mà là do cách thế giới được ‘cài đặt’ (toàn cầu hóa, thành thị hóa, dân số tăng), vốn xảy ra trước khi có mạng Internet", và chính không gian ảo đã giúp những người phải cách trở về mặt không gian có thể "gặp" nhau và giữ liên lạc.
Cô Chen trong bài của SCMP cũng đưa ra quan điểm "cách tân" trước nhận định liệu công nghệ có làm mất không khí tết âm lịch hay không: "Tôi cho rằng công nghệ chỉ thay đổi các thủ tục và lề lối của tết. Không quan trọng bạn đón tết thế nào, nấu ăn ở nhà hay ăn ngoài hay gọi đồ qua app, điều cốt lõi là bạn đón tết với ai".
Tại hội thảo chuyên về công nghệ phả hệ RootsTech năm 2016, chuyên gia Joseph Richardson nhấn mạnh đoàn tụ ảo không chỉ là bắt chước những gì diễn ra trong đời thật và không nhất thiết phải thay thế hoàn toàn cách đoàn viên truyền thống, mà là "một cách sum họp độc lập với những cái độc đáo riêng của nó".
Cũng như phát biểu khi nhận Cành cọ vàng của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho, đại ý nếu vượt qua được chiều cao 1 inch của dòng phụ đề, ta sẽ biết được thêm nhiều bộ phim tuyệt vời, phải chăng nếu vượt qua được rào cản là màn hình của thiết bị di động, ta sẽ có những cách đoàn viên, sum họp cũng ấm áp không kém so với lối truyền thống?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận