04/12/2015 08:46 GMT+7

Tế bào gốc trị bệnh đái tháo đường?

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Một bệnh nhân đã tố cáo bác sĩ người nước ngoài nhận chữa bệnh đái tháo đường bằng tế bào gốc với giá 100 triệu đồng nhưng không hiệu quả, gây biến chứng nặng cho ông.

Trung tâm y khoa quốc tế Bác Ái trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM  - Ảnh: Duyên Phan
Trung tâm y khoa quốc tế Bác Ái trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan

Người bệnh là ông Dương Minh Đức (55 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM). Người bị tố cáo là vợ chồng ông Ciro Gargiulo (người Ý) và bà Nguyễn Cao Diễm Kiều - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Trung tâm y khoa quốc tế Bác Ái (phòng khám Bác Ái, 601B Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM).

Cấy tế bào gốc 100 triệu đồng?

Ứng dụng nhiều trong các bệnh lý về máu

Theo PGS.TS Huỳnh Nghĩa - phó chủ nhiệm bộ môn huyết học, Đại học Y dược TP.HCM, tế bào gốc là tế bào có khả năng tự tạo ra tế bào mới giống như nó và có khả năng biệt hóa ra thành loại tế bào khác với những điều kiện thích hợp để tạo ra nguồn cung cấp các tế bào khác trong cơ thể. Hiện tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị rõ nét nhất là điều trị bệnh lý liên quan về máu như ung thư máu, ung thư hạch, thalassemia, bệnh tan máu di truyền bẩm sinh...

Trong đơn, ông Đức kể ông bị bệnh đái tháo đường đã 15 năm. Tháng 1-2015, ông được một người quen giới thiệu tới gặp bà Kiều và ông Ciro Gargiulo trị bệnh đái tháo đường bằng phương pháp cấy tế bào gốc.

Hai người này đã giới thiệu cách chữa với giá 100 triệu đồng và cam kết trị dứt bệnh cho ông Đức. Ông Đức đồng ý và đóng trước 50 triệu đồng.

Theo ông Đức, ngày 7-1 ông bắt đầu đến phòng khám Bác Ái điều trị. Sau một tháng truyền dịch để nâng cao thể trạng, ông Ciro Gargiulo cấy hormon một lần và cấy tế bào gốc cho ông Đức tổng cộng mười lần.

Việc cấy tế bào gốc được thực hiện như sau: ông Ciro Gargiulo rút 35ml máu trong người ông Đức rồi giao cho nhân viên chuyển qua Công ty TNHH thương mại Nam Khoa (Q.7, TP.HCM) để chiết tách tế bào gốc, sau ba ngày tế bào gốc được mang về cấy vào người ông.

“Trong quá trình điều trị, ông Ciro Gargiulo dặn tôi phải để lượng đường trong máu cao lên, thậm chí cao từ 220-250mg/dl cũng không sao để tế bào gốc giải quyết. Sau ba tháng chữa trị bằng tế bào gốc, lượng đường trong máu của tôi còn cao hơn trước” - ông Đức kể.

Tuy nhiên, theo ông Đức, tối 1-6 ông phát hiện hai ngón của bàn chân phải bỗng nhiên phồng rộp, sưng to và đỏ bầm. Sáng 2-6 ông Đức đến phòng khám Bác Ái báo sự việc trên. Bà Kiều đã nhờ một bác sĩ của phòng khám khám cho ông Đức và chẩn đoán ông Đức bị biến chứng do để đường trong máu quá cao...

Do biến chứng nặng, ngày 17-6 ông Đức phải nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115. Theo ông Đức, không chỉ mình ông được điều trị đái tháo đường bằng tế bào gốc mà cả chị gái và anh rể của ông cũng được ông Ciro Gargiulo điều trị bằng phương pháp này.

Bệnh nhân nói có, phòng khám nói không

Trả lời các câu hỏi của PV Tuổi Trẻ bằng văn bản, bà Kiều cho biết ông Ciro Gargiulo là tiến sĩ, bác sĩ và có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp. Bà Kiều cũng khẳng định ông Ciro Gargiulo không điều trị bệnh đái tháo đường bằng phương pháp tế bào gốc cho ông Đức...

“Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định chuyên môn về khám chữa bệnh. Vụ việc với bệnh nhân Đức đã được thanh tra Sở Y tế tiếp nhận. Vì vậy chúng tôi không phát ngôn gì thêm trong khi chờ đợi kết luận của đoàn thanh tra... Chúng tôi không đồng ý với những nội dung bệnh nhân Đức phản ảnh” - bà Diễm Kiều khẳng định.

Theo băng ghi âm của ông Đức cung cấp, khi làm việc với luật sư và người đại diện của ông Đức, bà Diễm Kiều nói chỉ điều trị cho ông Đức bằng phương pháp nội khoa là tiêm thuốc và dịch truyền.

Tuy nhiên, bà Kiều cũng nói nhiều bệnh nhân từ Hà Nội, miền Bắc, miền Nam đến phòng khám Bác Ái nghe tư vấn về tế bào gốc và “bác sĩ Ciro Gargiulo và tôi là thành viên Hiệp hội Tế bào gốc thế giới. Chúng tôi tư vấn những gì chúng tôi biết về tế bào gốc nhưng không có nghĩa là chúng tôi làm. Chúng tôi không làm về tế bào gốc”.

Trong băng ghi âm, bà Kiều còn nói phòng khám của bà chỉ làm những khâu chuẩn bị cho việc cấy tế bào gốc cho ông Đức và chị gái, anh rể của ông Đức để sau đó những người này đến bệnh viện khác cấy tế bào gốc.

Sở Y tế kiểm tra

Theo thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ngày 15-10 Sở Y tế TP.HCM nhận được đơn tố cáo của ông Đức với nội dung phòng khám Bác Ái vi phạm các quy định về khám chữa bệnh và Công ty TNHH thương mại Nam Khoa có thực hiện các xét nghiệm tách tế bào gốc cho phòng khám Bác Ái, sở đã kiểm tra hai cơ sở trên.

Kết quả kiểm tra cho thấy hồ sơ pháp lý phòng xét nghiệm của công ty này chưa có nhưng tại phòng nghiên cứu và phát triển của công ty có triển khai các thiết bị xét nghiệm như tủ cấy vi sinh, máy giải mã gen, máy PCR, máy ly tâm, tủ ấm.

“Qua xem xét hồ sơ bệnh án của người phản ảnh, hồ sơ của phòng khám Bác Ái và Công ty TNHH thương mại Nam Khoa cung cấp, thanh tra sở thấy hồ sơ bệnh án không ghi rõ: chưa có chẩn đoán bệnh lý; chỉ định điều trị chưa phù hợp. Hướng xử trí của sở là thành lập hội đồng chuyên môn nhằm xác định vụ việc liên quan đến tế bào gốc để thanh tra làm căn cứ pháp lý giải quyết” - đại diện thanh tra sở cho biết.

Theo thanh tra Sở Y tế, ông Ciro Gargiulo có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp. Phạm vi chuyên môn của phòng khám Bác Ái không có kỹ thuật cấy tế bào gốc. Hội đồng chuyên môn sẽ họp để xác định phòng khám Bác Ái có thực hiện kỹ thuật tế bào gốc điều trị đái tháo đường cho ông Đức không, vì phòng khám phủ nhận điều trị tế bào gốc nhưng bệnh nhân nói phòng khám có thực hiện.

Trong trường hợp hội đồng chuyên môn kết luận phòng khám có thực hiện kỹ thuật tế bào gốc, thanh tra sở sẽ tiến hành xử phạt phòng khám vì vi phạm "hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp".

Thận trọng với tế bào gốc

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, một trong những vấn đề mà các nhà khoa học, nhà quản lý quan ngại là về lý thuyết, khi vào cơ thể tế bào gốc sẽ biệt hóa thành những tế bào thay thế tế bào chết hoặc suy giảm chức năng.

“Nhưng thực tế có khi nào tế bào gốc biến đổi thành tế bào không mong muốn, tế bào ác tính?... Đó vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp đầy đủ, chính vì thế Bộ Y tế rất chặt chẽ và thận trọng khi cho phép các ứng dụng hoặc nghiên cứu y sinh liên quan đến tế bào gốc. Không chỉ riêng VN có quan điểm như vậy mà quốc tế cũng đang triển khai theo đường hướng tương tự” - ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, quy định hiện hành trong Luật khám chữa bệnh và quy định về thử nghiệm lâm sàng, các phương pháp khám chữa bệnh mới được ứng dụng, triển khai, tiến hành nghiên cứu ở VN phải được Bộ Y tế cho phép, tuy nhiên cho đến nay Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào đề nghị xem xét, cho phép ứng dụng hoặc nghiên cứu phương pháp sử dụng tế bào gốc điều trị đái tháo đường. Việc sử dụng kỹ thuật này (chưa nói đến kết quả) là sai về quy trình và là không được phép.

Tại VN hiện nay, ông Quang cho hay mới có ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị suy tủy xương, điều trị ung thư máu được chính thức cho phép ứng dụng thường quy. Còn lại các kỹ thuật ghép tế bào gốc trung mô tự thân điều trị liệt tủy, thoái hóa khớp, phổi tắc nghẽn mãn tính đều đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Ngoài ra, còn một số phương pháp sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh cũng từng được giới thiệu, từng gây tranh cãi, như ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư cổ tử cung, ông Quang cho hay Bộ Y tế đã có văn bản chính thức yêu cầu dừng sử dụng phương pháp này, nếu các bệnh viện và thầy thuốc có dự định tiến hành nghiên cứu cần phải lập đề cương chi tiết trình Bộ Y tế xem xét và quyết định.

L.ANH

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên